Bản tin kết nối trái tim người làm cha mẹ

10/10/2017 - 13:19

PNO - Khuyến khích, tạo động lực chứ không thúc ép, gây áp lực, đó là cách ban biên tập bản tin với đội ngũ là chuyên gia giáo dục cùng giáo viên tại trường muốn hướng tới.

Mới đây, Trường THPT Bách Khoa ở Long Beach (California, Mỹ) gửi đến phụ huynh (PH) bản tin số tháng Mười. Bốn trang bản tin được trình bày thân thiện, vì mục đích duy nhất là kết nối với PH, hoàn toàn không thông báo thành tích học tập, không “dấu vết” áp lực học hành cho con trẻ hay áp lực “đóng góp” cho PH.

Gọi là bản tin nhưng thực sự đây là quyển cẩm nang giá trị với những bài viết chuyển tải thông điệp của giáo dục một cách trọn vẹn, sâu sắc, giúp PH có thể đồng hành cùng con cho chặng đường giáo dưỡng tâm hồn và trí tuệ. 

Ban tin ket noi trai tim nguoi lam cha me
Bản tin đậm tính nhân văn của trường trung học phổ thông Bách Khoa ở Long Beach (California, Mỹ)

Hình ảnh ấn tượng hiện trên trang đầu là hình ảnh cô bé nữ sinh với nụ cười rạng ngời, bình yên, thể hiện sự tự do nội tâm, chẳng bị trói buộc trong một môi trường học thuật hay bộ đồng phục mẫu mực nào. Bài viết đầu tiên trong bản tin có chủ đề “Tăng cường hoạt động vui chơi sẽ giúp học sinh giảm căng thẳng”  - một chủ đề vô cùng thiết thực trong bối cảnh trẻ vị thành niên tự tử vì áp lực học hành, sa sút tinh thần trong 10 năm qua đã tăng gấp đôi ở Mỹ.

Đây cũng là vấn nạn toàn cầu, là góc khuất trong bối cảnh giá trị niềm tin ngày càng lu mờ bởi những thách thức của thời đại. 

Phía góc phải của bản tin là góc quen thuộc mà bất cứ PH nào cũng lưu tâm, đó là “góc tham vấn” với sự hỗ trợ của một nhóm chuyên gia tâm lý. Nhiệm vụ của họ là tiếp nhận những trường hợp học sinh, PH cần hỗ trợ tâm lý. PH sẽ kết nối với nhóm chuyên gia tại đây, đọc những bài viết của họ để kịp thời phát hiện những biểu hiện tâm lý khác thường của con, can thiệp sớm giúp con mình. 

Khuyến khích, tạo động lực chứ không thúc ép, gây áp lực, đó là cách ban biên tập bản tin với đội ngũ là chuyên gia giáo dục cùng giáo viên tại trường muốn hướng tới.

Một số bài viết thiết thực mà bất cứ PH nào cũng cần như: “Xây dựng tính cách cho con thông qua những hoạt động tình nguyện tích cực”, “Việc đọc đúng cách giúp con hoàn thiện vốn từ và khả năng nhận thức”, “Giúp con xây dựng hình ảnh tích cực trên mạng”, “Gợi ý công việc ngoài giờ giúp con hoàn thiện kỹ năng sống”, cùng loạt bài hướng dẫn cách tránh gây tổn thương cho con trong tình huống muốn trách phạt con.

Những chủ đề quen mà lạ. Quen vì tình huống trong chủ đề xuất hiện ở mọi gia đình, mọi đứa trẻ và lạ ở chỗ, PH vẫn đang loay hoay tìm cách đồng hành cùng con mình. Bản tin trải dài các khía cạnh phát triển tâm sinh lý của trẻ ở lứa tuổi chuẩn bị trở thành người trưởng thành. Đây là giai đoạn bố mẹ dễ gây tổn thương, “đánh” vào lòng tự tôn của trẻ nếu không biết xử sự khéo léo. 

PH ở bất cứ đâu thì tận sâu thẳm họ cũng đều mong muốn con mình thành người, được hạnh phúc với cuộc đời. Ở các quốc gia phát triển, những cuộc đua, màn tăng tốc trong giáo dục với đủ hình thức là điều gây… kinh hãi nhất. Giờ đây, cuộc đua này vẫn chưa “giảm nhiệt”, thậm chí còn phổ biến ở các quốc gia đang phát triển. 

Người lớn đã quên hoặc bị cuốn theo dòng xoáy này mà quên đi: cuộc đua có ý nghĩa chính là cuộc đua hướng đến một thế hệ nhân văn, có trí tuệ trong bối cảnh công nghệ không thiếu nhưng lỗ hổng giá trị làm người lại quá lớn như hiện nay. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI