Bà giáo muốn... đứng trong học trò

23/07/2018 - 13:00

PNO - Ở Trường chuyên biệt Hy Vọng (Q.8, TP.HCM), chuyện những đứa trẻ thích được bà giáo hiệu trưởng hỏi han diễn ra như cơm bữa. “Rảnh” giờ nào, chúng liền đến phòng bà, gõ cửa. Và, hình như bà cũng chỉ chờ có vậy, mỗi ngày.

Xuyên qua những giới hạn

Đưa tay “bái bai” rồi chờ mẹ đi khuất, cô học trò bảy tuổi nhảy chân sáo đến trước phòng hiệu trưởng. Con bé ngập ngừng gõ từng nhịp lên cửa phòng. Bà Trúc nhoài người ngoái nhìn, mỉm cười. Con nhỏ bẽn lẽn đưa tay lên tai, nghiêng người vén tóc. “A, con có hoa tai mới à?”. Đáp lại câu hỏi vừa bằng lời cùng ký hiệu ngón tay của bà giáo, con bé cười gật đầu. Gương mặt phấn khởi, nó nhọc nhằn từng tiếng: “Mẹ… mua… cho… con”. “Ừ, mẹ chọn cho con đôi hoa tai rất đẹp. Con xinh lắm!” - bà Trúc đáp. Chỉ chờ có vậy, con nhỏ cười toe, vòng tay cúi đầu chào rồi tung tăng về lớp… Ở Trường chuyên biệt Hy Vọng (Q.8, TP.HCM), chuyện những đứa trẻ thích được bà giáo hiệu trưởng hỏi han diễn ra như cơm bữa. “Rảnh” giờ nào, chúng liền đến phòng bà, gõ cửa. Và, hình như bà cũng chỉ chờ có vậy, mỗi ngày. 

Ba giao muon... dung trong hoc tro
Bà Trúc trong tiết dạy học trò

Phần lớn học trò của trường có cảnh ngộ buồn, hoặc cha mẹ chia tay, hoặc sống với ông bà mà chưa từng được ấp iu trong tình cảm sinh thành. Những đứa trẻ có nhu cầu bộc bạch, thông hiểu dẫu chỉ bằng một lời khen, một ánh nhìn cảm thông, bởi khuyết tật khiến chúng không có nhiều khả năng diễn đạt. Tâm tư ấy, không “trút” được sẽ nặng lòng, và sẽ thu mình tách biệt với xung quanh. Cha mẹ chia tay, em T. (tám tuổi) ở với cha. Cha bận bịu mưu sinh, hằng ngày, T. được ông nội đưa đi học. Ba năm đến trường đã quen bàn tay ông nắm chặt rảo qua hai ngã tư, bỗng một ngày mưa nặng hạt, ông đột ngột qua đời, T. hụt hẫng. 

Ngày đầu trở lại lớp, T. câm lặng, né tránh mọi ánh nhìn. Bà Trúc ôm miết đứa học trò gần như mồ côi, thủ thỉ: “Ông con mất, cô biết con buồn lắm”. Con bé ôm chặt bà, nước mắt lăn dài, tức tưởi: “Ông… ông”. “Ừ, ông không còn nhưng con còn có ba, có các cô và bạn” - bà hiệu trưởng vỗ về. T. gật đầu, “múa tay”, ý nói mình rất buồn. Ngày thứ hai, thứ ba… giờ ra chơi T. lấp ló phòng bà hiệu trưởng, gương mặt buồn thiu. Chỉ chờ bà giáo thấy mình, em bật thốt: “Ông… ông”. Bà Trúc lại động viên, hỏi thăm. Diễn đạt khó nhọc, tiếng nói rời rạc giữa ký hiệu ngón tay: “Hôm. Nay. Con. Nhớ. Ông”… Ròng rã một tháng có bà hiệu trưởng làm bạn, T. có lại niềm vui. “Những tâm sự ấy nếu không được sẻ chia, tôi không hình dung đứa trẻ sẽ buồn bã ra sao” - bà Trúc trải lòng.

Tháng 8/2013, đang làm phó hiệu trưởng ở Trường tiểu học Rạch Ông (Q.8), bà Trúc nhận nhiệm vụ làm hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng - một vị trí mà trước đó, nhiều người từ chối bởi thấu rõ những khó khăn phải đối mặt. “Tôi cũng trình bày môi trường chuyên biệt mới mẻ quá, sợ không hoàn thành trách nhiệm nhưng lãnh đạo yêu cầu cứ thử sức xem sao. Ừ, thì thử, tôi coi đây như dịp mình được học hỏi thêm” - bà lý giải duyên nợ đến với trường.

Ở một môi trường đặc biệt chưa từng đứng lớp, làm cách nào để truyền tải chuyên môn, các phương pháp giảng dạy trở thành nỗi trăn trở đầu tiên. Mà, muốn truyền tải hiệu quả, không còn cách nào khác ngoài phải học được ngôn ngữ của người mình muốn được truyền thông. “Ngôn ngữ” của những đứa trẻ khiếm thính Trường chuyên biệt Hy Vọng không chỉ là ký hiệu ngón tay, là âm thanh phát ra rời rạc mà còn là mong muốn được chia sẻ, thấu hiểu. Nghĩ vậy, bà lập tức đăng ký một khóa học ký hiệu ngôn ngữ ngón tay. 

Chinh phục được thử thách ban đầu, có ngôn ngữ đồng nhất với học sinh, bà lại nhận ra, không chỉ nhà trường, giao tiếp - sự thấu hiểu căn bản của người thân với một đứa con khiếm thính cần được chú trọng. Bà quyết tâm mở các lớp ký hiệu ngôn ngữ miễn phí cho phụ huynh; với suy nghĩ đơn giản: người thân phải biết trẻ muốn gì. Vị hiệu trưởng rưng rưng: “Lớp mở ra, người thân các em học rất đông. Họ vỡ òa khi nhờ thế đã hiểu được con mình muốn gì sau những cái múa tay của chúng”.

Đưa trường... “hòa nhập”

Sự khác biệt của môi trường mới toanh, đầy khó khăn lại trở thành thuận lợi của một người quản lý, nếu biết coi là thuận lợi để tiếp thêm động lực cho mình. Tâm thế ấy giúp người hiệu trưởng mới không khó nhìn ra những “thiệt thòi” của giáo viên, học trò ở môi trường chuyên biệt. Bà tâm sự, về trường, cảm giác đầu tiên là tâm lý “một cõi” đầy ngại ngùng của giáo viên trong tương quan với môi trường giáo dục. Vì lẽ đó, ngay trong năm đầu làm nhiệm vụ, bà quyết liệt đăng ký cho cô Trương Thị Dung dự thi giáo viên giỏi cấp quận. Lâu nay, chuyện giáo viên tham gia những cuộc thi dạy giỏi vốn tổ chức qua hình thức dự thi bằng tiết dạy ngay tại trường của mình. Cô Dung hoang mang khi phát hiện, mình phải dự thi bằng tiết đứng lớp ở trường khác, thuộc khối tiểu học. Cô gặp vị hiệu trưởng bày tỏ nỗi ái ngại… va chạm với bên ngoài. 

“Quen dạy chuyên biệt, giờ giảng cho học trò bình thường biết có được không?” - tâm tư ấy của đồng nghiệp được hiệu trưởng tháo gỡ bằng sự truyền lửa, rằng cô nhìn thấy một khả năng không giới hạn, đóng khung trong chỉ một môi trường. “Mình cần chứng minh và để người ta có cái nhìn khác hơn đối với giáo viên chuyên biệt” - bà Trúc động viên. Bà tiếp tục hướng dẫn đồng nghiệp chỉnh sửa giáo án dự thi với bài giảng soạn vốn chỉ trong… ba dòng, do phương pháp giảng dạy đặc thù, kiệm lời, chủ yếu bằng ký hiệu ngón tay, thành bài giảng được diễn giải bằng lời. Cô Dung tự tin đi thi, đạt giải. Sự phấn khích trước thành công sau một lần “nhập cuộc”, từ đó, cảm giác… mình là một “ngoại lệ” không còn tồn tại với bất cứ thầy cô nào ở ngôi trường Hy Vọng. “Thầy cô ở đây luôn nghĩ mình không đủ khả năng “bơi” ra bên ngoài nên cứ gò mình lại. Tôi muốn thay đổi tư duy ấy đầu tiên” - bà Trúc khẳng định.

Với giáo viên là vậy, còn với học trò, vị hiệu trưởng băn khoăn khi nhìn thấy cơ hội được “hòa nhập” của những đứa trẻ bị đánh cắp; bởi tâm lý sợ hãi, âu lo của phụ huynh, nhiều khi còn của nhà trường trong ý nghĩ giáo dục chuyên biệt phải là nơi trẻ khuyết tật thuộc về. Bà Trúc bồi hồi, cũng như bao đứa trẻ lần đầu đến với trường cách đây 5 năm, X. (hiện 10 tuổi) không nghe không nói được. Cậu quát tháo mọi người bằng mớ âm thanh ú ớ rồi vùng vằng đòi về trong ngày đầu đến lớp. X. không có vành tai như các bạn để đeo máy trợ thính. Bà Trúc khuyến khích gia đình mua một máy trợ thính được chế tạo đặc biệt như cài tóc vắt qua đầu cho em. Lần đầu đeo chiếc máy, nghe được âm thanh, cậu bé “đứng hình”, trố mắt. Rồi, như một đứa trẻ tập nói, cậu nghe nhiều, dần phát âm chữ A, O…

X. vừa “tốt nghiệp” Trường Hy Vọng, chuẩn bị đi hòa nhập lớp Ba. Mà, để X. được học hòa nhập cũng là cuộc đấu tranh của bà Trúc với gia đình. Suốt một năm chuẩn bị cho học trò “tốt nghiệp”, mỗi ngày, bà đều gặp bà nội X. sẻ chia sự tiến bộ, khả năng, tương lai nếu cậu bé được trao một cơ hội “hòa nhập”. Người bà khắc khổ không ngừng lo lắng: “X. ít giao tiếp với người ngoài, lại là con trai mà suốt ngày đeo cái máy trợ thính như cài tóc của con gái nên sợ cháu mặc cảm, không học được”. Bà Trúc trấn an: “Trường sẵn sàng nhận lại X. nếu em ấy không hòa nhập được. Nhưng hiện X. đang có cơ hội hòa nhập để tiếp tục phát triển thì mình nên thử sức xem sao”.

Lý lẽ phải hiểu được học trò, trao cho chúng cơ hội để chúng được đứng ở nơi mình thuộc về luôn làm nặng lòng vị hiệu trưởng. Đó cũng là lý do bà đặc biệt quan tâm đến việc can thiệp sớm cho trẻ. Bà trải lòng, nhiều gia đình nghĩ rằng, con không có thính lực dẫn đến mặc định không nói được là một khuyết tật bẩm sinh. Nhưng không, chỉ đơn giản đứa trẻ không nghe được nên không hình thành ngôn ngữ. Chúng cần được can thiệp sớm để tùy vào khả năng, tư duy, nghe nói mà tìm cách giảng dạy. Đã có nhiều em chỉ vài tháng can thiệp, khi nghe được, ngôn ngữ hình thành và nói năng trôi chảy. Ngược lại, cũng không ít trường hợp thính lực phát triển theo ngôn ngữ mà nếu giữ tâm lý con khuyết tật, sẽ vô tình khiến chúng mất đi nhiều cơ hội được… bình thường.

“Làm sao để trẻ đi hòa nhập” cũng chính là sáng kiến năm đầu tiên khi bà hiệu trưởng đặt chân đến trường. Năm sau, bà tiếp tục với “phương pháp dạy trẻ khiếm thính”, ở đó, dạy trực quan được biến hóa sinh động. Trẻ khiếm thính chủ yếu phát triển nghe nhìn, nói bằng… bắt chước. Với phương pháp dạy mới, bà Trúc buộc các giáo viên gợi nhắc sao cho trẻ có thể tự diễn đạt, tư duy, biết tò mò tìm hiểu. Cứ thế, từ quan sát học trò, mỗi năm, bà lại cho ra đời một sáng kiến kinh nghiệm. Vài khi, những sáng kiến mới ít nhiều vấp phải sự phản đối bởi lối mòn ăn sâu trong cách dạy cũ, tâm lý ngại thay đổi nhưng bà tìm cách thuyết phục đồng nghiệp thông hiểu những cái mới của mình. “Tôi gọi những gì mình làm là để hiểu học sinh nên không ngại va vấp. Với tôi đó là sứ mệnh” - bà nói. Mà, sự hiểu ấy, chỉ cần đứng trong học trò sẽ dễ dàng nhận ra, như chính mình cần. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI