Ai bảo vệ tuổi thơ?

09/10/2018 - 12:00

PNO - Chúng ta muốn bảo vệ tuổi thơ cho các em, nhưng thực tế lại đang buộc các em ôm đồm quá nhiều thứ kiến thức. Chính phụ huynh và giáo viên đang đánh mất tuổi thơ của các em khi đặt lên các em quá nhiều kỳ vọng.

Trong khi đó, con em chúng ta đang ôm một khối lượng môn học và chương trình nặng nề không kém trọng trách của giáo viên. Thông tư 22/2016 của Bộ GD-ĐT về “Sửa đổi bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học” có hiệu lực tháng 11/2016 quy định giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh.

Ai bao ve tuoi tho?

Con em chúng ta đang phải học hành tối mày tối mặt. Ảnh minh họa.

Thực tế hiện nay, nếu con em chúng ta không có một buổi về nhà giáo viên học thêm, không được cha mẹ kèm cặp làm bài tập về nhà thì làm sao hiểu và hoàn thành bài tập theo sách được?

Thật lòng, học sinh đang bị giày vò bởi vô vàn mâu thuẫn. Chúng ta muốn bảo vệ tuổi thơ cho các em, nhưng thực tế lại đang buộc các em ôm đồm quá nhiều thứ kiến thức ở trường, sách vở… Phụ huynh và giáo viên thực sự đang làm mất tuổi thơ của các em khi đặt lên các em quá nhiều kỳ vọng. 

Ngay quy định đánh giá xếp loại học sinh cũng chưa hợp lý. Cuối năm, tất cả các môn học đều đạt mười điểm, nhưng chỉ một môn hoàn thành thì học sinh đó không được xếp loại giỏi. Cách đánh giá đó buộc học sinh và phụ huynh phải tìm cách để “đua”. 

“Đua” cả hai học kỳ và “đua” nhiều năm, “đua” đầu tắt mặt tối. Ngày hai buổi trên trường. Tối về  nhà giáo viên hoặc ra trung tâm. Con em chúng ta như con nộm lừ đừ di động ngồi sau yên xe máy.

Khổ nỗi, con em chúng ta lại chẳng mấy ai trở thành thiên tài. Số liệu thống kê cho thấy, ở các kỳ thi đại học hằng năm, hầu hết danh hiệu thủ khoa kỳ thi là các thí sinh nghèo khó từ các vùng quê xa xôi không hề biết học thêm là gì. Còn con em chúng ta cứ tưởng là thiên tài trong “cuộc đua đánh mất tuổi thơ” thì ít khi thấy hiện diện trong top thủ khoa ấy.

Tóm lại, cách thức giáo dục của chúng ta đang hết sức ảo tưởng, từ triết lý giáo dục, kiến thức - chương trình giảng dạy, đến cả quan niệm của phụ huynh. Vì tình thương và trách nhiệm, vì tâm lý sợ con em ta thua kém, phụ huynh cứ thế “đua”. Để rồi nạn nhân chính là con em chúng ta, là giáo viên đang phải chịu đựng sức ép quá lớn. 

Trương Mẫn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI