110.000 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 chê đại học Việt Nam?

29/08/2017 - 08:51

PNO - Phải chăng 110.000 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 đã chê đại học Việt Nam nên không thèm nhập học?

Sau gần một tháng rưỡi xét tuyển, đến nay vẫn còn trên dưới 140 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) phải chờ thí sinh (TS) đến để tuyển bổ sung thêm 243.000 chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT cũng cho biết, số TS được gọi trúng tuyển đợt 1 là 332.496 em, nhưng 1/3, tức 110.000 TS, không nhập học. Bộ tiên đoán do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là TS du học và đi xuất khẩu lao động.

110.000 thi sinh trung tuyen nguyen vong 1 che dai hoc Viet Nam?

Hãng tin Bloomberg của Mỹ ngày 21/8 vừa qua có bài phân tích và đánh giá về nền giáo dục ĐH Việt Nam, trong đó có đề cập đến sự lệch pha giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động; chương trình đào tạo dành nhiều thời gian cho các môn học lý thuyết, trong khi sinh viên không được hướng dẫn cách suy nghĩ, phân tích và thiếu những kỹ năng quan trọng khác theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. 

Câu hỏi đặt ra là phải chăng 110.000 TS trúng tuyển nguyện vọng 1 đã chê ĐH Việt Nam nên không thèm nhập học? Câu trả lời nằm ở con số 130.000 du học sinh đang học tập tại các nước (theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT vào cuối năm 2016) và số lượng này ngày càng tăng lên. 

Tại sao chất lượng ĐH Việt Nam lại quá tệ hại? Không thể không nói đến sự dễ dãi và buông lỏng trong việc cho phép thành lập các trường ĐH, CĐ. Tính trong giai đoạn 2007 - 2013, cả nước có 133 trường ĐH và CĐ được thành lập mới và nâng cấp; tính ra cứ mỗi tháng có 1,8 trường được thành lập và nâng cấp.

Nếu tính trong giai đoạn từ 1987 - 2012 thì trung bình mỗi tháng có một trường được thành lập và nâng cấp. Đáng nói là trong lúc ngân sách nhà nước dành cho GD-ĐT còn eo hẹp thì hàng loạt trường ĐH, CĐ công mới lại tiếp tục ra đời.

Do vậy, thay vì phải tập trung nâng cao chất lượng thì để có kinh phí hoạt động và tồn tại, nhiều trường ĐH công cũng chạy theo số lượng, thậm chí còn tranh giành thị phần tuyển sinh với các trường tư, trong khi điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ thì cũ kỹ và chắp vá. 

Các trường ĐH Việt Nam vẫn đang dạy cái mình có, không dạy cái người học và thị trường lao động cần;  chương trình đào tạo ở từng trường dù có được cải tiến nhưng tiếng nói của các cựu sinh viên cũng như thị trường lao động được thể hiện mờ nhạt; hội đồng trường dù có nhưng chỉ là hình thức và không phát huy được vai trò quan trọng…

Tất cả đang làm cho chất lượng đào tạo ở nhiều trường chẳng những không giữ được mà ngày càng tụt hậu và luôn “lệch pha” với nhu cầu sử dụng. 

Những ngày vừa qua, các trường ĐH, CĐ cả công lẫn tư lại tiếp tục chạy theo việc tuyển sinh sao cho đủ số mà chẳng biết rồi chất lượng sẽ đi về đâu! 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI