Giai điệu mùa thu 2013: Sẽ bán được vé?

15/08/2013 - 05:55

PNO - PN - Với mục đích ban đầu là chương trình biểu diễn vinh danh thành tích của các tài năng nghệ thuật Việt Nam đạt những thành tựu tiêu biểu trong lĩnh vực nghệ thuật, chương trình Giai điệu mùa thu (GĐMT) sau tám năm hình thành, đã...

Giai dieu mua thu 2013: Se ban duoc ve?

Múa đương đại trong Giai điệu mùa thu 2012

Trở lại với “chiếc áo” là một liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, GĐMT 2013 (diễn ra từ 16 - 22/8), là một cơ hội cọ xát của nghệ sĩ Việt Nam cùng nghệ sĩ thế giới. Không chỉ khác về quy mô: hoành tráng hơn, kéo dài hơn, nhiều nghệ sĩ tham gia hơn, tiết mục dàn dựng nặng tính nghệ thuật hơn… liên hoan còn thoát khỏi cung cách tập trung những tài năng trẻ khoe tài theo kiểu “chia phần”, mà mỗi đêm diễn sẽ là một chương trình nghệ thuật thật sự. Chính vì thế, sự có mặt của nghệ sĩ trẻ Việt Nam trong GĐMT năm nay ít hơn, sự cân đối các thể loại cũng khác hơn. GĐMT 2013 sẽ có tỷ lệ 50% biểu diễn, 50% sáng tác. Trong đó, điểm nhấn về sáng tác là tổ khúc dân ca Dòng chảy của Trần Mạnh Hùng, với kịch bản âm nhạc được xây dựng trên 21 ca khúc dân ca Việt Nam. “Xưa giờ chúng ta có dân ca, có tổ khúc, nhưng tổ khúc dân ca thì rất đáng nói”, nhạc sĩ Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), đơn vị tổ chức liên hoan cho biết. Hay vở múa Chạm tay vào ký ức, theo ông, cũng là một sáng tác đáng chú ý, không chỉ về múa mà còn về âm nhạc trong vở của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh, Vũ Việt Anh… Cũng theo ông, các đêm diễn, có thể là một buổi hòa nhạc giao hưởng với dàn nhạc hoành tráng, nhưng cũng có thể là một chương trình độc tấu - như chương trình độc tấu piano của nghệ sĩ Hinrich Alpers (Đức)… nhưng phải đạt chuẩn nghệ thuật quốc tế. Chính vì những yêu cầu cao đó, kể từ năm 2013, GĐMT sẽ diễn ra hai năm một lần, mỗi lần có một độ “nới” rộng thêm ra về phạm vi và quy mô.

Một điều đáng mừng của GĐMT là nhận được sự tham gia nhiệt tình, thậm chí là hỗ trợ từ nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật các nước, không chỉ về cát-sê mà còn về kinh phí di chuyển. Tuy nhiên, để tồn tại, GĐMT cần có một thứ khác nữa: khán giả. Đó là việc không hề dễ khi âm nhạc hàn lâm vẫn chưa thuộc về số đông. Không phủ nhận điều đó, cũng như thừa nhận nghệ thuật hàn lâm có độ vênh khá cao so với trình độ thưởng thức của công chúng hiện nay, khiến loại hình này trong một thời gian dài không bán được vé, nhưng nhạc sĩ Trần Vương Thạch cho biết, thực trạng đó không xuất phát từ khán giả mà từ nhiều lý do. “Khán giả trẻ Việt Nam bây giờ rất thông minh, rất am hiểu”, nhạc sĩ Trần Vương Thạch nhận định, dựa trên những chương trình mà HBSO đã thực hiện, như chương trình Giai điệu trẻ diễn ra hàng tháng. Theo ông, thay vì “đổ thừa” khán giả, những người làm nghề cần hiểu vấn đề cốt yếu là tìm cách để nghệ thuật hàn lâm tiếp cận khán giả như thế nào. “Tôi tin GĐMT bán vé được, cũng như tin chúng tôi đã gây dựng được một lượng khán giả tương lai cho nghệ thuật hàn lâm”, ông cho biết.

 Võ Hà

Chương trình Giai điệu trẻ tháng Tám chủ đề nhạc giao hưởng với hai khách mời Christian Schumann và Hinrich Alper tối 25/8 tại Nhà hát Thành phố sẽ nối dài chuỗi chương trình mở rộng của Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2013.

Vé mời được phát miễn phí tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên - SAC, 33 Nguyễn Thị Minh Khai Q.1, TP.HCM, ĐT: 0838277981 - 19006836 - 01696869169 và phòng vé Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch, số 7 Công trường Lam Sơn, Q.1, TP.HCM, ĐT: 0838237419; Ms Hương: 0989874517.

ĐINH HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI