Giấc mơ Broadway Việt

25/06/2013 - 05:30

PNO - PN - Bốn suất diễn vở nhạc kịch Chicago - vở Broadway tiếng Việt đầu tiên đã “đi được nửa đường” tại rạp Công Nhân TP.HCM. Chicago là hy vọng đầu tiên của giấc mơ nhạc kịch Broadway Việt - cuối cùng cũng đến, dẫu hơi muộn...

Không đầy kín khán giả đến với Chicago trong ngày đầu tiên công diễn (19/6) và giảm sút hơn nữa trong ngày thứ hai (20/6). Theo đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, số lượng 600 vé xuất ra trong hai ngày (rạp Công Nhân có khoảng hơn 500 ghế) mới chỉ đủ tiền thuê rạp, ánh sáng…, chưa đủ để trả 3.500 USD tiền bản quyền cho bốn đêm. Các diễn viên cũng lấy thù lao rất tượng trưng, chỉ 300.000đ/người cho việc hát, diễn liên tục suốt hai tiếng.

“Trong điều kiện không tài trợ, không ngôi sao, không quảng bá rầm rộ, lại với lực lượng diễn viên nghiệp dư, làm được như Chicago là tốt ngoài sức tưởng tượng” - một trong những khán giả của đêm diễn, ca sĩ Đức Tuấn nhận xét. Cũng theo anh, khán giả đến với Chicago như vậy cũng là thành công, vì ê kíp đã chọn nhạc jazz - thể loại phổ biến ở Mỹ nhưng vẫn chưa nhiều đôi tai Việt có khả năng thẩm thấu được. Chicago cũng không phải là một vở rất nổi tiếng kiểu như Bóng ma trong nhà hát - Phantom of The Opera (luôn cháy vé ở New York), Cats, Những người khốn khổ hay Ba người lính ngự lâm…

Giac mo Broadway Viet

Điều quan trọng nhất ở Chicago là ý nghĩa biểu tượng, bởi nó là khởi đầu cho giấc mơ Broadway Việt được trình diễn trên sân khấu đại chúng, do những nghệ sĩ người Việt thể hiện. Trước đó, năm 2008, Broadway đã đến theo nghệ sĩ người Anh Brian Riedlinge với Annie get your gun rồi sau đó là A Christmas Carol - A new musical (2010) với sự tài trợ của một hãng bảo hiểm. Cả câu chuyện tình yêu của Frank và Annie lẫn lão già Ebenezer Scrooge đều không thu hút được khán giả đến rạp với giá vé cao (vào thời điểm đó) và nỗi e dè những thể loại xa lạ của công chúng Việt. Broadway rơi vào thinh lặng.

Truyền thông lại tiếp tục nói về Broadway khi Đại sứ quán Mỹ đưa nghệ sĩ Michael Parks Masterson sang “đứng lớp” cho một số nghệ sĩ Việt, trong đó có Khánh Thi, Đức Tuấn, Võ Hạ Trâm. Nhưng, một tuần ngắn ngủi không đủ để các nghệ sĩ Việt thực hành nhiều về hát - nhảy và càng không đủ điều kiện để một vở hoàn chỉnh được dàn dựng. Và đến giờ là Chicago.

Giac mo Broadway Viet

Dù chưa thực sự như mong muốn nhưng sự có mặt của Chicago cho thấy giấc mơ của nghệ sĩ Việt đã được thực hiện

Chicago không mới. Nó đã được chú ý khi vừa ra đời, dù chỉ là một vở diễn tốt nghiệp và sau đó là tham gia Liên hoan đạo diễn trẻ sân khấu. Một vở vui, lạ và quan trọng nhất là bằng tiếng Việt, do người Việt trình diễn. Khắc Duy đã chọn vở này vì “nó vui nhộn, dễ nghe, tươi trẻ”, và anh hoàn toàn ý thức được những khó khăn khi ra sân khấu. Việc chuyển ngữ tiếng Việt được chính Duy làm trong hơn một tháng. Ngoài sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ khiến các đoạn hát nhiều khi bị “cưỡng âm” gây cảm giác khó chịu, sự khác biệt về số lượng tiếng trong một từ (ví dụ như love - tình yêu), thì Chicago sử dụng từ ngữ khá bạo dạn, đôi chỗ dung tục theo kiểu thành thị Mỹ với môi trường của hộp đêm, gái điếm, nhà tù. Khi chuyển sang tiếng Việt, anh đã phải thay đổi nhiều chỗ để không bị “thô”.

“Không phải ít khán giả, thua lỗ thì mình chùn bước không làm nữa. Broadway là đường dài. Phải có thời gian để công chúng làm quen với thể loại này và cả những người thực hiện rèn luyện và trưởng thành hơn”. Cuối cuộc trò chuyện, Khắc Duy cho biết, vé của hai đêm cuối (28 và 30/6) khả quan hơn, một nửa số vé đã được bán hết. Anh sẽ phối hợp với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ ra mắt vở Tuyết đỏ trong thời gian tới, đồng thời đã thỏa thuận xong bản quyền vở High School Musical để có thể dàn dựng vào tháng Chín. Nhóm cũng đang ấp ủ kế hoạch thực hiện một vở musical “Việt 100%” với các ca khúc nổi tiếng có sẵn cùng kịch bản hoàn toàn tự xây dựng.

 ĐINH HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI