Với thầy cô, tri ân bao nhiêu cho đủ?

20/11/2017 - 10:10

PNO - Thầy dạy vật lý. Năm tôi học lớp 12, do trường thiếu giáo viên, chúng tôi được học thầy. Thầy dạy hay… kinh khủng, nhưng thầy cũng nóng tính như Trương Phi.

Một cô giáo nâng niu từng tờ giấy khai sinh, ghi nhớ xem học trò mình ở đâu, mẹ cha bao nhiêu tuổi, làm gì và run run trước một chỗ trống lạnh lẽo mất mát trong tâm hồn đứa trẻ. Một người cô như bạn tôi, liệu cần phải có bao nhiêu lời tri ân cho đủ?

1. Khác với vẻ mặt nhàu nhĩ tựa chiếc áo sơ mi lăn lộn cả ngày ở trường như mọi hôm, vừa đến nhà, con trai tôi phấn khích: "Mẹ xòe tay ra đi! Mẹ thấy gì trong lòng bàn tay không?". Tôi ngạc nhiên không biết cậu con bày trò gì.

Chỉ những ai đã từng đưa một đứa trẻ lon ton mang ba-lô vẫy bàn tay đỏ hồng, tung tăng bước vào trường mới hiểu nỗi lòng, sự mong mỏi thiết tha của những người làm cha mẹ vào thế giới kỳ diệu ấy. Nơi đó đâu chỉ có những con chữ, bài tính, mà còn là nơi gieo những mầm hạt vui tươi, tin yêu, là nơi cung cấp nguồn năng lượng tích cực như với con tôi lúc này.

Voi thay co, tri an bao nhieu cho du?
 

"Mẹ không thấy gì phải không? Nếu có kính hiển vi, mẹ thấy gì? Vi trùng lúc nhúc phải không? Cô con nói vậy đó. Rồi cô còn nói có nhiều thứ mình không thấy hoặc chưa thấy trong cuộc sống, cũng như vi trùng trên bàn tay mình vậy. Không được vội vàng, nhất là vội vàng phán xét. Nếu chịu khó nhìn, sẽ có biết bao điều kỳ diệu quanh ta".

Khuôn mặt rạng rỡ như vỡ ra điều gì, cậu con dậy thì, cao lêu nghêu, bước một bước nhảy một bước, lên cầu thang. Tôi đứng nhìn theo bóng lưng con, lòng cuộn lên một cảm giác thật khó diễn tả. Cách dẫn giải của cô giáo có lẽ sẽ mãi mãi là tài sản vô giá trên hành trình tương lai của con trai tôi. Gặp được người thầy như thế trong đời, liệu mình tri ân bao nhiêu cho đủ?

2. Bạn tôi đã có hơn 16 năm đứng trên bục giảng. Bạn kể, năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học, bạn lại bỏ ra một buổi, có khi là một ngày, ngồi trong phòng học vụ, săm soi từng tờ giấy khai sinh của học sinh lớp mình chủ nhiệm. "Cậu biết không, có năm, như năm nay, lớp mình có sáu tờ giấy khai sinh bỏ trống chỗ ghi tên cha".

Voi thay co, tri an bao nhieu cho du?
 

Nghe bạn kể, tôi tưởng như đâu đó trong mình cũng nhói lên cảm giác xót thương như giọng nói  buồn buồn, nằng nặng của bạn. Bạn nói với tôi về vẻ đơn côi, như con chim non lạc bầy, co ro của chủ nhân những tờ giấy khai sinh trống chỗ ấy. Bạn nói về thế giới nội tâm hun hút cũng đầy nỗi niềm, cũng cần được tôn trọng, sẻ chia của con trẻ. Bạn nói về cảm giác như đang bế một hài nhi yếu ớt, khi cầm những tờ giấy khai sinh thiếu vắng ấy.

3. Từ nơi xa em gái tôi nhắn tin: "Chị ơi, đi thăm thầy. Thầy bệnh nặng lắm". Tôi giật mình, cái hẹn về thăm thầy cô, thăm trường cũ đối với hầu hết chúng ta chẳng khác gì một con bướm phượng thời thanh xuân ép trong trang sách - dường như ai cũng lãng quên. Phút vô tình nào đó, lần giở những trang sách hay quyển tập học trò cũ, nghe lòng xao xác nhớ, nhưng rồi có mấy ai nhớ về thăm thầy cũ trường xưa dẫu một năm chỉ có một ngày nhà giáo.

Ngôi trường nhỏ bé ở cái thị xã cũng nhỏ bé ấy là nơi cả ba chị em tôi trưởng thành. Ở đó, học sinh chúng tôi chưa bao giờ thấy mình là trò và thầy cô là những người cao xa vời vợi. Nơi ấy, chúng tôi là con, còn thầy cô là cha là mẹ. Tôi nhớ cái dáng dong dỏng cao và bước chân xăng xái của thầy tôi. Bước chân ấy không chỉ đi từ bục giảng đến cuối lớp mà cả từ sân tập thể dục đến nhà ăn, chỗ nào chúng tôi cũng thấy thầy, vì ngoài giờ đứng lớp thầy còn là hiệu phó.

Thầy dạy vật lý, thường thầy dạy lớp chuyên. Năm tôi học lớp 12, do trường thiếu giáo viên, chúng tôi được học thầy. Thầy dạy hay… kinh khủng, nhưng thầy cũng nóng tính như Trương Phi. Học với thầy, chúng tôi có cảm giác mình bị đẩy đến ranh giới cuối cùng: suy nghĩ, suy nghĩ, trả lời, trả lời, làm bài, làm bài. Tất cả phải thật nhanh.

Hơn 20 năm, tôi chưa một lần về gặp thầy. 100km có quá xa không khi tôi có thể đi hàng nghìn cây số, đi xa hơn cả nước mình. Tay run run, tôi gõ email hỏi thăm thầy. Mười phút sau, tôi nhận thư trả lời. Tôi hình dung thầy tôi già yếu, bệnh tật vây quanh. Tôi hình dung thầy nằm trong căn phòng đầy sách ngày nào... Có khi nào thầy ngồi mong nhận được những lá thư học trò mỗi ngày không?

Đọc không biết bao lần email của thầy, tôi tự nhủ, tri ân bao nhiêu cho đủ với những trái tim người thầy đây? 

Nhớ có lần, tôi quên mất tôi mắc lỗi gì, thầy bắt năm đứa con gái đứng xếp hàng dài trước lớp. Cả đám run cầm cập, thầy đi tới đi lui, mặt trang nghiêm, cả lớp lặng như tờ. Một cô bạn sợ quá, thút thít… Thầy kêu khổ: "Trời, gì mà khóc. Đời tôi hơn 40 năm nay sợ nhất món này. Về chỗ! Nín, về chỗ, lẹ!". Cả lớp cười rúc rích, thầy cũng cười vang.

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI