Vì một thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em

28/09/2018 - 08:00

PNO - Tại Việt Nam, mới chỉ có TP.HCM tiên phong xây dựng mô hình thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, dù nhiều nơi khác cũng quan tâm đến việc xây dựng mô hình này.

Thành phố chưa có sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Đó là kết luận sơ bộ ban đầu của nhóm khảo sát về vấn nạn quấy rối tình dục, bạo lực tình dục do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM và Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện và công bố ngày 26/9.

Vi mot thanh pho an toan,  than thien cho phu nu va tre em
Thành phố an toàn, thân thiện là nơi mà mọi trẻ em, dù là trẻ nhập cư, hay trẻ mồ côi đều được chăm lo, được vui chơi, học tập. (Ảnh: Phùng Huy) 

Tiến sĩ Phan Thị Lan Hương - Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế Trường đại học Luật Hà Nội - một trong những người tham gia khảo sát đã chỉ ra, những con số ban đầu cho thấy TP.HCM chưa thật sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Theo đó, trong 1.200 người được khảo sát, có đến 38,6% phụ nữ và 40,9% nam giới cho biết, họ chứng kiến vấn nạn quấy rối tình dục (QRTD), bạo lực tình dục (BLTD) trong vòng 12 tháng qua. Có đến 18,5% phụ nữ và 11,2% nam giới thừa nhận rằng mình là “người trong cuộc” của hành vi QRTD. Chỉ có 46% phụ nữ cho biết, họ có cảm giác an toàn. Hơn 50% nam giới cho rằng, phụ nữ và trẻ em thiếu sự an toàn ở nơi công cộng. Nhóm phụ nữ từ 15-30 tuổi sẽ có nguy cơ bị QRTD, BLTD. Có 82,3% nạn nhân bị QRTD, BLTD bởi người lạ và 26,7% phụ nữ là nạn nhân của người quen, hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè…

Kết quả này nhằm tổng kết các phát hiện có liên quan QRTD, BLTD, qua đó xây dựng dữ liệu cơ sở phục vụ mục đích giám sát và đánh giá các can thiệp trong các giai đoạn tiếp theo của chương trình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái tại TP.HCM”.

Tuy nhiên, để xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em không chỉ là ngăn chặn vấn nạn QRTD, BLTD. Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhận nhiều ý kiến đóng góp xung quanh chương trình ý nghĩa này. 

Thành phố an toàn, thân thiện sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống

UN Women định nghĩa: thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái  là nơi các đối tượng này được trao quyền về xã hội, kinh tế và chính trị tại các không gian công cộng, là những nơi không có hành vi QRTD và các hình thức BLTD khác. Từ năm 2011, nhiều thành phố trên thế giới đã bắt đầu xây dựng mô hình thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Tại Việt Nam, mới chỉ có TP.HCM tiên phong, dù nhiều nơi khác cũng quan tâm đến việc xây dựng mô hình này. Năm 2016, UBND thành phố đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình “Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021”.

Tháng 10/2017, trong cuộc gặp gỡ, đối thoại cùng lãnh đạo TP.HCM, các phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực của thành phố đã kiến nghị xây dựng mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em. Lý do chúng tôi mở rộng khái niệm bởi nếu chỉ an toàn thôi chưa đủ. Phụ nữ chúng ta mơ ước không gian công cộng đó thân thiện, gần gũi và thích hợp với mọi phụ nữ và trẻ em, không phân biệt trai, gái, các em đều cần có sự an toàn để phát triển.

Chúng ta muốn xây dựng một thành phố mà cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội, môi trường sống đều phải hướng đến mục tiêu này. Để làm được điều đó, bên cạnh việc đồng thuận ý tưởng, chủ trương, thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách; phải quan tâm thực sự đến việc thực thi, kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, bằng thái độ sống tích cực, thân thiện, cần chủ động tham gia xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt. Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em, đồng nghĩa với thành phố có chất lượng sống tốt.

Nguyễn Thị Ngọc Bích 
(Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM)

Phụ nữ cần lên tiếng tự bảo vệ mình

Tôi tin rằng, thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em thì ở đó phải đảm bảo các giá trị văn hóa được tôn trọng, không còn tình trạng xâm hại, BLTD. Để được như vậy, chính phụ nữ và trẻ em phải biết bảo vệ mình trước. Tôi từng nhiều lần chứng kiến cảnh nam giới QRTD đồng nghiệp nữ tại công sở hoặc phụ nữ nơi công cộng.

Với những hành động này, nếu chị em không quyết liệt phản đối, lên án có thể dẫn đến thói quen cho đồng nghiệp nam, bởi họ cho rằng như vậy là bình thường. Khi ra đường, việc mặc quần áo hở hang có thể vô tình kích thích các hành vi sàm sỡ của nam giới. Để bảo vệ mình, phụ nữ cần ý tứ trong hành xử; mặc đẹp, hiện đại, nhưng cũng kín đáo, lịch sự. 

Với trẻ em cũng vậy, chúng ta cần dạy con biết quý trọng bản thân, không tiếp xúc người lạ, hạn chế đi trên những đoạn đường vắng. 

Vi mot thanh pho an toan,  than thien cho phu nu va tre emNgập nước, kẹt xe… cũng là những vấn nạn cho thấy sự thiếu an toàn, thân thiện trong môi trường sống hiện nay của thành phố. (Ảnh: Phùng Huy)

Phùng Thị Hoa
(thành viên câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ TP.HCM)

Ngăn chặn tình trạng phụ nữ bị lừa tình, tiền qua mạng xã hội

Hiện nay, tình trạng phụ nữ bị lừa tình, tiền qua mạng vẫn xảy ra rất nhiều, dù đã được cảnh báo. Không thể có thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em khi những hiện tượng này cứ tiếp diễn.

Thời gian qua, Công an TP.HCM, nòng cốt là Hội Phụ nữ đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền phòng, chống lừa đảo qua mạng cho phụ nữ. Chúng tôi cũng đã nỗ lực tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ năng tự vệ cho chị em nhằm chống trộm, cướp và các hành vi sàm sỡ, xâm hại.

Bên cạnh công tác phòng ngừa, trấn áp tội phạm, xây dựng những điểm vui chơi giải trí lành mạnh, các cấp chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến pháp luật cho phụ nữ, trẻ em để ai cũng biết được dấu hiệu an toàn - không an toàn đối với bản thân; pháp luật sẽ bảo vệ mình như thế nào trong từng tình huống cụ thể.

Trung tá Cao Thị Hồng Tươi
(Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP.HCM)

Cần quan tâm trẻ nhập cư

Theo tôi, vấn đề xây dựng thành phố thân thiện, an toàn với phụ nữ và trẻ em rất đáng được quan tâm, không chỉ TP.HCM mà còn trên cả nước.

TP.HCM là nơi thu hút một lượng lớn lao động nhập cư, kéo theo đối tượng phụ nữ và trẻ em rất nhiều. Từ đó cũng phát sinh nhiều vấn đề: những khu nhà trọ thiếu an toàn, môi trường ô nhiễm, điều kiện học tập của trẻ em bị hạn chế, thiếu thốn... Trẻ em nhập cư cũng là đối tượng dễ bị lợi dụng, lạm dụng.

Vì thế, thành phố an toàn cho trẻ em nhập cư cần rất nhiều giải pháp như: xóa bỏ nạn chăn dắt trẻ em ăn xin bằng hình thức răn đe đủ mạnh, xử phạt nặng tội xâm hại trẻ em. Tập trung tuyên truyền cho các bậc cha mẹ, hỗ trợ tạo việc làm cho họ. Cán bộ chuyên trách về vấn đề này cũng là những người thật sự tâm huyết để lắng nghe những tâm tư, mơ ước của trẻ em.

Tuyên truyền tập trung tại các phòng trọ đông người nhập cư về quyền phụ nữ, quyền trẻ em và giới thiệu việc làm mới cho phụ nữ. Hướng dẫn kỹ năng sống tích cực cho trẻ em; tạo nhiều sân chơi lành mạnh ở các khu nhà trọ để trẻ được thụ hưởng những giá trị sống của xã hội. 

Châu Thành Toàn
(Đội trưởng Đội Tình nguyện viên cho các giải thể thao người khuyết tật - SV07)

Nghi Anh - Mẫn Nhi - Quang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI