'Về ăn cơm' - bản rock hiếm hoi về gia đình đi qua một thập kỷ

26/06/2018 - 11:00

PNO - Tôi viết ca khúc rock Về ăn cơm vào năm 18 tuổi. Tôi của thời điểm đó vẫn là một cô gái ung dung sống trọn trong vòng tay ba mẹ.

Giai điệu, hòa âm, ca từ của Về ăn cơm được nghĩ ra trong một buổi trưa khi tôi ngồi chơi đàn, ngay lúc đó mẹ tôi nói: “Sa Huỳnh, thôi nghỉ ngơi, xuống ăn cơm”. 

'Ve an com' - ban rock hiem hoi ve gia dinh di qua mot thap ky
Nhạc sĩ Sa Huỳnh cho biết bản rock "Về ăn cơm" giúp chị sống ổn trong 10 năm qua

Tôi ở thời điểm của tuổi 30 này trầm lặng hơn xưa rất nhiều. Nhưng mỗi khi nghe lại từng giai điệu cũ, tôi luôn cảm nhận rất rõ mình như còn ở hôm qua, là một người con gái với những cảm xúc về cuộc sống tươi trẻ nhưng chân phương, mộc mạc.

Những dòng tâm tư được đặt trong giai điệu sôi động cũng đã có sức sống rất bền trong một thập niên qua. Không chỉ bản thân ca khúc này tự sống tốt mà còn nuôi được tôi trong 10 năm đó.

"Về ăn cơm" gói trọn cả thời thanh xuân của tôi. Hai năm đầu về làm dâu tại Hà Nội, mỗi lần được nghe những giai điệu ấy, tôi lại rơm rớm nước mắt nhớ nhà. Trong khoảng thời gian đó, ba tôi trong Sài Gòn yếu hẳn.

Tôi là con một, trong khi gia đình chồng lại nhiều con cháu hơn nên tôi quyết định xin phép trở lại Sài Gòn để sinh sống, chăm sóc ba. Nhờ đó mà ông cũng tươi vui, khỏe hơn rất nhiều.

'Ve an com' - ban rock hiem hoi ve gia dinh di qua mot thap ky
Vợ chồng nhạc sĩ Sa Huỳnh khi chị đang mang bầu bé gái đầu lòng

Sau "Về ăn cơm", tôi ra ca khúc mới có tên "Góc bếp", da diết và buồn hơn. Giờ đây, cũng chẳng còn khói bếp như ngày xưa để phải cay mắt nhưng tôi muốn khi Góc bếp đến với khán giả, từng ca từ sẽ giúp họ tìm thấy một phần tuổi thơ của mình trong những ngóc ngách bình dị nhưng vô cùng thiêng liêng.

Khi xây nhà mới, tôi chăm chút góc bếp nhưng lại vô tình nhớ đến căn bếp của mẹ. Bếp mẹ cũ kỹ nhưng đẹp như những thước phim quay chậm. Hoài niệm về gia đình trong những ngày xưa đó luôn chiếm một phần lớn trong cuộc đời tôi.

Khi tôi đã là người phụ nữ của gia đình, là mẹ, là vợ, tiếng gọi “về ăn cơm” dù giản đơn, quen thuộc nhưng đủ khép lại những “bão tố” ngoài xã hội. Vợ chồng chúng tôi rất bận rộn. Có hôm mải làm nhạc phim cho một công ty, tôi phải nhốt mình trong công việc cả ngày. Đến khi xong xuôi chỉ thèm một bữa cơm bình thường, giản dị với rau, đậu, canh cua rau đay.

'Ve an com' - ban rock hiem hoi ve gia dinh di qua mot thap ky
Gia đình nhỏ của nhạc sĩ Sa Huỳnh

Những giờ phút như thế càng thấm thía cảm giác gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau. Hiện tại, dù công việc khó sắp xếp đến mấy, chúng tôi đều cố gắng hết sức để duy trì bữa cơm gia đình, ít nhất mỗi ngày một lần có đủ mặt các thành viên. 

Mỗi lần chuẩn bị cơm cho gia đình, tôi mất khoảng 2 giờ cho các khâu, kể cả dọn dẹp vì tôi rất coi trọng sự sạch sẽ, gọn gàng trong căn bếp. Chồng tôi phụ giúp vợ rất nhiều trong việc bếp núc. Tôi cũng chỉ nấu được 2, 3 món cho một bữa ăn, nếu có thêm sự giúp sức từ ông xã, bữa cơm sẽ đầy đủ hơn với 4, 5 món.

'Ve an com' - ban rock hiem hoi ve gia dinh di qua mot thap ky
"Về ăn cơm" là tiếng gọi thân quen của mỗi chúng ta khi nhớ về tuổi thơ bên gia đình

Đôi lúc ông xã tôi cũng càm ràm khi quá bận rộn với công việc và không dành được thời gian cho nhau. Mỗi lần anh bảo “xin hãy nấu cơm cho anh”, tôi nghe mà thương vô cùng. Bao nhiêu áp lực cũng tạm gác để tôi được trở thành người phụ nữ trọn tình trong căn bếp của mình. Cũng may, sự đòi hỏi của chồng tôi lúc nào cũng dễ thương, nhã nhặn.

Về ăn cơm, chúng ta không chỉ tận hưởng tình yêu thương mà còn hiểu trách nhiệm của mình với gia đình. Một cô gái muốn làm vợ, làm mẹ sẽ tự giác vào bếp mà không cần ai đốc thúc, giục giã. Đó cũng chính là bản năng, sự khôn khéo của đàn bà khi muốn giữ hạnh phúc. 

Tôi rất thích câu: “Cơm sôi nhỏ lửa thì không bao giờ khê”. Phụ nữ thích nghi giỏi, cũng đầy mạnh mẽ, nhưng phải biết sẵn sàng nhường lại sự mạnh mẽ cho người đàn ông để gia đình được cân bằng. Tôi đang hạnh phúc trong một gia đình như thế.
 

Nhạc sĩ Sa Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI