Tóc rối đổi lấy kẹo - kỷ niệm rưng rưng của nàng dâu và mẹ chồng thời khốn khó

01/07/2018 - 09:00

PNO - Sáng nay, ngồi nhìn mẹ chải tóc, mái tóc bạc đã mỏng đi nhiều, những sợi tóc bạc trắng rụng rơi, bị gió thổi bay xoắn vào nhau trên sàn nhà.

Tôi chợt bâng khuâng nhớ về ngôi nhà tranh của gia đình ở quê cách nay 35 năm.

Nhà tôi là nhà tranh, vách đất, nhưng phía trước nhà là tường đan bằng cật tre mà chúng tôi gọi là liếp. Những tấm liếp này thường bạc phếch vì nắng gió... Cật tre già, ngâm ba năm dưới bùn để chống mối mọt và tăng độ bền, được đan khít với nhau.

Nhưng qua thời gian, giữa các nan cật vẫn tạo khe hở nhỏ. Tụi trẻ con chúng tôi nghịch dại, thường lấy dao chọc vào giữa các khe hở, khiến chúng rộng ra rồi lùa ngón tay út qua đó chơi ngoéo tay hoặc cài đủ thứ linh tinh vào đó.

Toc roi doi lay keo - ky niem rung rung cua nang dau va me chong thoi khon kho
Biết bao kỷ niệm ngày xưa gắn liền với mái tóc nàng dâu - mẹ chồng của mẹ tôi  và bà nội tôi. Ảnh minh họa

Mẹ và bà nội tôi có mái tóc rất dài. Bà nội tóc bạc, tóc mẹ tôi xanh. Bà nội vấn tóc quanh đầu, chít khăn lụa hoặc khăn nhung che kín mái tóc. Mẹ tôi tết sam, thả buông hai bên hoặc gập đôi đuôi sam lại cho gọn khi lao động. Cũng có lúc mẹ búi tóc cao lên vào mùa hè nóng nực, một búi tóc thật lớn trên đỉnh đầu. Lúc đó, trông mẹ có vẻ đẹp thật kiêu kỳ.

Mẹ và bà nội cùng có thói quen là ngồi ở chõng che đặt trước nhà để chải tóc mỗi sáng. Ánh nắng non buổi sớm vàng óng như tơ len qua kẽ lá, phủ từng giọt trên mái tóc mẹ và bà, như khẽ trao một vương miện trong veo.

Hai phụ nữ, mẹ chồng và con dâu cùng ngồi mỗi người một đầu chõng để chải tóc và có một khoảng cách giữa chõng mà tôi chẳng biết vì sao. Có thể tránh để không đụng chạm vào nhau, cũng có thể để dễ đưa tay chải lược. Nắng cũng len qua khoảng giữa còn trống ấy, để chui qua những khe liếp. Tôi lười biếng chẳng muốn chải tóc bao giờ, đứng phía sau liếp xòe tay hứng giọt nắng và chờ mẹ với bà chải tóc.

Tóc mẹ rụng ít lắm, dù mái tóc dài tới gối và rất dày. Những sợi tóc rụng hiếm hoi vướng trên răng lược và rớt xuống đùi, mẹ đều cẩn thận nhặt rồi cuộn lại khéo léo, buộc chặt thành hình số 8 nho nhỏ.

Sau đó, mẹ giắt cuộn tóc rụng còn đen nhánh vào một khe liếp hở. Bà nội rụng tóc nhiều hơn, cuộn tóc rối hình số 8 màu trắng lẫn đen to hơn. Bà mắt kém nên phải nhìn một lúc lâu mới chọn được khe liếp hở to và nhét vừa cuộn tóc rụng vào đó.

Toc roi doi lay keo - ky niem rung rung cua nang dau va me chong thoi khon kho
Bà tôi thường nhét những lọn tóc bạc lẫn đen vào khe liếp. Ảnh minh họa

Tôi cứ nghịch với những giọt nắng lọt qua khe liếp như vậy, chờ cho tới lúc bà và mẹ chải tóc xong, đứng lên vào trong nhà hoặc đi ra vườn làm gì đó, thì tôi lặng lẽ thu hoạch tóc. Tôi kéo những cuộn tóc rối ra khỏi khe liếp, giấu vào một chỗ kín trong buồng. Thời gian qua đi, số tóc rối nhiều lên, được cả một nắm đẫy, tôi hồi hộp lắng nghe tiếng rao từ ngõ vọng vào:

- Tóc rối đổi kẹo đê!

Chỉ đợi có thế, tôi lao vào buồng lôi “của nả” ra, rồi chạy thục mạng ra ngõ, đưa vốc tóc rối bằng cả hai tay cho bác đổi kẹo rong. Bác cẩn thận cất mớ tóc rối, rồi mở cái thùng nắp gỗ, lấy hai que tre nhỏ, cuốn lấy hai chiếc kẹo mạch nha vàng óng ra đưa cho tôi. Hai tay cầm hai chiếc kẹo mạch nha, tôi ra ngồi bờ ao mút thật dè dặt, hạnh phúc ngọt ngào suốt cả buổi chiều.

Sở dĩ bà và mẹ tôi thường giắt cuộn tóc rối hình số 8 vào khe liếp là vì mỗi khi trong nhà có ai bị cảm lạnh, bà hoặc mẹ thường giã gừng tươi, đổ vào đó ít rượu trắng, rồi nhấn cuộn tóc rối vào rượu gừng, miết lên sống lưng và thái dương để đánh gió rất hiệu quả.

Tôi từng khoan khoái nằm trên giường, mắt lim dim để cho mẹ dùng cuộn tóc rối thấm rượu gừng man mát miết lên tấm lưng nóng sốt của tôi. Người xưa chẳng bao giờ bỏ đi cái gì, dù là sợi tóc rụng. Bất cứ cái gì cũng có công dụng, có ý nghĩa riêng.

Cho đến ngày tóc bạc đôi phần, tôi lặng lẽ nhìn những sợi tóc rụng rơi, nhưng thời gian không lặp lại, không có khe liếp nào cho tôi cuộn tóc giắt vào như xưa, tiếng rao “tóc rối đổi kẹo” cũng ở lại với quá khứ rồi… 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI