Nuôi dạy con ở xứ người, hãy nhớ giữ cho con nguồn cội

30/10/2018 - 20:00

PNO - Sống ở xứ người, nhưng cách ăn ở, nếp sinh hoạt chẳng khác gì người Việt, nên gia đình chị về quê ai cũng quý.

Khoảng hai, ba năm, gia đình chị tôi từ Na Uy về Việt Nam một lần. Chị sinh hai con gái cách nhau tám năm. Chị bảo, để mai mốt già mất đi, ở đất khách quê người, các con còn có chị có em. Dù sinh ra ở Na Uy nhưng các con của anh chị nói tiếng Việt rất rành, viết cũng khá tốt, đặc biệt là thuộc và biết vận dụng nhiều câu ca dao, tục ngữ. Tôi hỏi chị: “Thời gian đâu mà anh chị dạy con tiếng Việt giỏi thế?”. 

Chị cười, đó cũng là điều anh chị từng trăn trở. Không thể để các con mất gốc, nên cả hai lên kế hoạch dạy con tiếp xúc với tiếng Việt, với văn hóa cội nguồn từ sớm. Ở nhà, anh chị thỏa thuận chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Khi từ Việt Nam trở qua, hàng hóa chị mang sang phần nhiều là vật dụng dành cho con học tập như: tranh vẽ về quê hương, đèn lồng Hội An, quạt giấy, tò he, các đĩa video truyện cổ tích... Nhìn các con say sưa với những truyện cổ tích, hiểu tiếng Việt, biết được ý nghĩa giáo dục của truyện, chị mừng lắm. Chị còn tranh thủ mở rộng nội dung câu chuyện để các con hiểu rõ hơn. 

Về nhà ngoại, chị đưa các con ra thăm đồng, xem trâu cày ruộng, xem vịt tắm ao. Chị chỉ cho con biết đôi thúng dùng để gánh lúa, cái cày dùng để cày ruộng, cái nong để phơi… Con gái lớn của chị đi làm nhiều năm nay, thỉnh thoảng nhờ mẹ gửi tiền về Việt Nam chia sẻ với họ hàng còn khó khăn.

Sống ở xứ người, nhưng cách ăn ở, nếp sinh hoạt chẳng khác gì người Việt, nên gia đình chị về quê ai cũng quý. Hai đứa con gái của chị đi đến đâu cũng được khen dịu dàng, đằm thắm, luôn hòa đồng, biết cảm thông. Món ăn, thức uống nào con chị cũng dùng được, nên chị tỏ ra yên tâm khi các bé đi chơi với các cô, các dì mà không phải lăn tăn gì. 

Mọi người thắc mắc, so sánh con gái chị với các bé người Việt đang sống ở nước ngoài. “Qua “bển”, mọi thứ phải làm lại từ đầu, nên phải tranh thủ thời gian, nếu không biết cách sắp xếp, không chú tâm thì khó mà dạy dỗ con cái theo cách của người Việt được”, chị chia sẻ. 

Trẻ con vốn hội nhập nhanh, sợ rằng cha mẹ là người Việt mà con cái không biết chút gì về Việt Nam, về cội nguồn dân tộc, nên chị luôn tạo điều kiện để con được giao lưu, học hỏi qua sách vở, băng đĩa, trong cộng đồng người Việt, hay mỗi lần về nước. Thấy chị hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình, chúng tôi cũng hạnh phúc theo và luôn dặn lòng phải học hỏi cách dạy con của chị. 

Song Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI