Những đứa trẻ sống để làm vui lòng cha mẹ!

14/04/2018 - 07:30

PNO - Có lần tôi hỏi học sinh lớp mình chủ nhiệm: “Hãy nói về ước mơ của con?”, rất nhiều em trả lời: “Con ước đậu đại học để ba mẹ con vui lòng!”.

Trên mạng xã hội, mọi người đang quan tâm thông tin: Một nam sinh lớp 10 đã nhảy lầu tự tử, để lại lá thư tuyệt mệnh nói rõ về việc em chịu áp lực học tập của trường, của cha mẹ từ một ngôi trường dân lập nổi tiếng của TP.HCM, có tỷ lệ 100% đỗ đại học, ngôi trường có rất nhiều những thủ khoa…

Mình ngồi lặng yên hồi lâu, tự nhiên nghe lạnh đâu đó sau lưng. Nhớ năm rồi, lúc con trai mình lên lớp 9, con bơ phờ lúc nào cũng muốn ngủ, gầy rạc. Mình nhớ đến học sinh của mình, các em đang học lớp 12, dưới cái nắng hầm hập, chỉ đợi tiếng trống hết giờ là nằm rạp cả lên bàn. Những cuộc thi, những kỳ vọng của ba mẹ, của thầy cô, của hàng xóm họ hàng đang vắt kiệt thanh xuân của con…

Nhung dua tre song de lam vui long cha me!
Ảnh minh họa

Biết rằng có một lợi ích của việc đặt kỳ vọng, đưa con người vào hoàn cảnh khắc nghiệt để mài giũa bản lĩnh, tạo cơ hội chạm được ước mơ. Thế nhưng có khi nào chúng ta đã không biết chúng ta đã làm gì con mình rồi không?

Thậm chí là đưa con vào ngõ cụt. Ở đó con bơ vơ như lọt thỏm vào một cái giếng! Ánh sáng không, không khí không, một bàn tay cũng không, chỉ có từng tảng đá ngàn cân cứ thế ầm ập rơi xuống. 15, 18 tuổi con ta có thể vượt qua? Và vượt qua thế nào? Để lại những vết thương nào liệu ta có biết?

Có lần theo cô bạn thân ngồi ở một quán càfe có không gian rất lạ: ban-công nhỏ, hẹp, nhìn ra ngoài. Giữa tiết trời lập đông gió man mát, thật thích! Cho đến khi nhìn xuống đường, cơ man nào là xe cuồn cuộn bất giác tôi nghe có chút choáng váng. Lúc ấy tôi ước gì mình không nhìn thấy dòng xe, chiếc sau đẩy chiếc trước, không có hy vọng dừng lại như vậy. Tôi vẫn nhớ lúc ấy mình thèm cháy lòng một trưa đầy nắng, ngồi trước hiên nhà, nhìn những quả xoài đung đưa hay những chiếc lá vàng xoay vài vòng rồi nhẹ nhàng rơi xuống khoảnh sân sỉn màu năm tháng ở quê.

Giờ tôi nghĩ đến cuộc sống hiện đại của chúng ta cơ chừng cũng giống như dòng xe ấy. Mọi thứ cứ đẩy xô không ai dừng lại được. Tất cả xoay quanh hai chữ danh lợi! Nó như cái vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không, càng vẫy vùng càng thít chặt. Khát vọng cho con học hành để có tri thức là khát vọng chính đáng.

Nhung dua tre song de lam vui long cha me!

Người xưa đã chẳng phải từng dạy: “Nhân bất học bất tri lý”. Thế nhưng, có lẽ, thầy cô và cha mẹ bây giờ coi nhẹ chuyện học để “tri lí”, để thành người biết yêu thương, biết kiềm chế, biết giữ chữ tín chữ nghĩa, biết chùng tay trước những việc xấu. Mà học chỉ là có thể thăng quan tiến chức, làm ra nhiều tiền.

Tôi đã thấy xung quanh tôi nhiều người hãnh diện lắm khi con vào đại học tốt, hãnh diện lắm khi con đi công tác nước ngoài nhiều, làm lương tính bằng đôla, hãnh diện lắm khi nhà con xây cao to, xe hơi đời mới… Chẳng biết từ lúc nào người ta kính ngưỡng nhau vì những thứ ấy nhiều hơn là trân trọng tôn vinh thật sự những con người sống bình thường giản dị nhưng không làm điều gì phương hại đến ai?

Có lần tôi hỏi học sinh lớp mình chủ nhiệm “Hãy nói về ước mơ của con?”, rất nhiều em trả lời: “Con ước đậu đại học để ba mẹ con vui lòng!”. Tôi đã đau lòng khi nhận được câu trả lời đó. Bởi lẽ, chúng ta, đã gieo vào lòng con trẻ một gánh nặng và đặc biệt ý nghĩ vô cùng tai hại: sống cuộc đời mình bằng ý muốn hay để làm vui lòng người khác!

Từ câu chuyện thương tâm của cậu học sinh trên – thiết nghĩ nên chăng cần thay đổi tư duy của cha mẹ, thầy cô và cả xã hội về việc đặt kỳ vọng của mình vào đời con trẻ. Chuyến xe cuộc đời là của các con. Chúng ta cứ ở bên cạnh nâng đỡ khi con ngã, còn đi đâu, đi như thế nào nên chăng hãy để cho trẻ. Xin hãy trả tay lái chuyến xe đời trở lại cho con! Chúng con có quyền như thế!

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI