Những đứa trẻ... bị sinh ra

18/04/2019 - 14:38

PNO - Tiếng khóc bé thơ vọng từ nhà vệ sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Quảng Bình vào một ngày cuối tháng Ba khiến mọi người rùng mình.

Mẹ bé là nữ sinh lớp Mười, âm thầm vào nhà vệ sinh vượt cạn rồi “ém” núm ruột mình trong đấy cho đến khi cháu bé được các cô giáo phát hiện. 

Nhung dua tre...  bi sinh ra
Chị K. phải nghỉ việc ở nhà chăm cháu ngoại.

Rùng mình vì nỗi sợ đã biến cô nữ sinh 17 tuổi trở nên vô tâm, chính xác là nhẫn tâm với cả đứa bé rứt ruột đẻ ra. Rùng mình vì kiến thức về tình dục, sức khỏe sinh sản, sức khỏe nói chung của cô nữ sinh rỗng tuếch, trong khi đầu óc cô ắt hẳn không thiếu những công thức toán, lý, hóa, những bài thuộc lòng văn, sử, địa… Rùng mình vì sự gần gũi, quan tâm của nhà trường, gia đình dường như là số 0 tròn trĩnh. Chuyên viên tư vấn tâm lý học đường, những người phụ trách dân số, đoàn, hội… cũng vắng bóng trên hành trình hoài thai của nữ sinh này.

Trong muôn vàn đứa trẻ tượng hình rồi cất tiếng khóc chào đời, có bao nhiêu bé được thai giáo, được chờ đón, nâng niu; có bao nhiêu bé “bị sinh ra” từ một trò chơi vô tình của cặp đôi tạo ra nó? Đau lòng nhất là người ta chờ khi đứa bé lọt lòng, cứng cáp để lấy mẫu giám định ADN - chứng cứ cơ bản cho một vụ án hiếp dâm, loạn luân nào đó… Rồi với những tên say, việc “gieo rắc” một đứa bé cũng vô ý, cũng mất kiểm soát như khi anh ta nói lè nhè hay đi đứng lảo đảo, té nhào vào cột điện bên đường. \

Sự tổn thương nhằm vào đứa trẻ vô tội với cuộc đời dài dằng dặc khởi đầu bằng oan trái, đau đớn và thiếu hụt tình thương. Những đứa trẻ rồi sẽ sống ra sao khi người lớn xem nó là gánh nặng, là thứ phải bỏ xó chứ không phải là món quà trời ban? Đó là những bé còn diễm phúc được sống, chứ không kết liễu số kiếp như một số trường hợp em bé mới sinh đã bị mẹ tìm cách phi tang, muốn quẳng đi quá khứ không đáng nhớ.

Khác với trường hợp của nữ sinh ở Quảng Bình, chị N.T.H.K. (ở xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM) đã nhận thấy G. con gái chị có dấu hiệu khác thường, nhưng hỏi kiểu nào G. cũng không nói. Một ngày, G. hoảng hốt la lên: “Mẹ ơi, có cái gì nhúc nhích trong bụng con ghê quá, chắc con bị bệnh gì rồi”. Chị dắt con đi khám, bác sĩ xác định thai kỳ đã tháng thứ tư. Người xâm hại G. chính là chồng của người chị họ, G. không dám khai vì anh rể dọa giết. G. sinh con ở tuổi 17. Bóng dáng của người cha không có, chỉ có hận thù đeo đẳng vì kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ, chưa bị pháp luật trừng trị dù gia đình chị K. đã tố giác. “Con thấy mặt bé sao giống y thằng đó quá! Cái thằng đã hãm hại con. Con muốn giết bé quá cô ơi!”, G. nhắn tin cho một cô làm công tác bảo vệ trẻ em. Vì túng thiếu, vì chưa biết thương con, G. cứ đòi đem cho đứa bé. Các cô chú công tác xã hội hẹn sẽ đưa về trại mồ côi khi đứa bé đầy tháng. 

Chị K. nuôi cháu ngoại mà vất vả như có thêm đứa con nhỏ, vì G. không xem việc chăm sóc đứa bé là trách nhiệm của mình, không chịu cho bú, không biết tắm con, ẵm đi chích ngừa thì mắc cỡ. Nhưng cũng may, theo thời gian, G. khôn lớn, hiểu biết, tình mẫu tử thức dậy dần khi nghe tiếng con cười, đút con ăn. Cả nhà cùng hợp sức cưu mang đứa bé, không còn ý định giao cho trại mồ côi.

Bịt mũi, nôn ọe khi con tiêu tiểu, bỏ mặc con khóc ngằn ngặt, thậm chí có lần toan giết con và kết liễu đời mình, hành trình làm mẹ của bé Đ.T.N. (tỉnh Kiên Giang) cũng vô vàn đắng cay, uất hận. Hè năm lớp Chín, chưa tròn 14 tuổi, bé N. lên nhà trọ của dì ở TP.HCM chơi thì bị tên hàng xóm sang gí dao vào cổ đòi làm chuyện đồi bại. Một đứa bé ra đời đối mặt ngay với nghịch cảnh mẹ bỏ ngang việc học, cha thụ án bảy năm tù giam. Ngay tại tòa, trước khi bước lên chiếc xe tù tối đen, người cha không thèm nhìn mặt đứa con của mình dù chỉ một lần. 

Cũng khổ nghèo, tủi nhục là câu chuyện của L.T.M.T. (Q.12, TP.HCM) mang thai với bạn trai quen qua mạng, sinh con ở tuổi 15. Cô bé lớp Chín ở Trà Vinh, bán vé số để phụ gia đình tiền ăn học, bị một ông khách giả vờ mua vé số, lùa vào nhà khóa cửa lại cướp đời em và một sinh linh tội nghiệp phải thành hình… 

Vĩ Sơn

Theo báo cáo của Bộ Công an đầu năm 2019, trong năm 2018 cả nước phát hiện hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 1.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em (425 vụ hiếp dâm trẻ em). Đằng sau những con số đó, không hiếm những đứa trẻ bị sinh ra. Bi kịch ấy khủng hoảng tinh thần không dừng lại ở một thế hệ. 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM): 

Lòng hận thù trút lên đứa bé 

Tiếp cận nhiều trường hợp “trẻ em sinh ra trẻ em” từ một biến cố, một tai nạn, tôi rất đau lòng. Tất cả thành viên gia đình phải chịu quá nhiều áp lực, một người đóng nhiều vai trong khi họ không có sự chuẩn bị gì về tài chính, kiến thức, tâm lý… Người mẹ vị thành niên đang ôm cặp sách đi học, tung tăng vui chơi với các bạn thì phải mang bầu. Người mẹ chưa biết làm mẹ, chưa có tình mẫu tử để ôm con vượt qua nghịch cảnh. Ông ngoại, bà ngoại phải đóng luôn vai của người cha, người mẹ của đứa trẻ vì cha mẹ chúng hoặc là bỏ mặc hoặc chưa biết thương con, săn sóc con. Nhiều “mẹ nhí” làm mọi cách cũng không có sữa cho con bú vì tuyến sữa chưa hoàn thiện, lại không có tiền mua sữa hộp cho con, cuộc sống bế tắc. 

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là tinh thần. Lòng căm phẫn, hận thù của “mẹ nhí” đối với cha của đứa bé đem trút lên đứa bé. Ám ảnh, ký ức đau thương của tuổi thơ theo suốt đời người mẹ bất đắc dĩ ấy. Sốc, stress lúc mang thai, sinh nở khiến các em thường xuyên cáu gắt, chán nản, có em trầm cảm, có ý định và từng thực hiện hành vi tự sát. 

Trong quy trình khẩn cấp bảo vệ trẻ em bị xâm hại đang được bàn thảo ở TP.HCM, đối với trẻ bị xâm hại tình dục, tôi quan tâm với đề xuất cho nạn nhân dùng thuốc tránh thai khẩn cấp và an toàn để không phải mang thai ngoài ý muốn, không phải cho ra đời những đứa trẻ ngơ ngác và khổ đau.  

 HOÀI NHÂN (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI