Những cặp vợ chồng Peter Pan

24/11/2018 - 10:00

PNO - Peter Pan thời nay là những người lớn xác, nhưng mãi là đứa trẻ vô âu lo, thiếu trách nhiệm…

Peter Pan - nhân vật nổi tiếng của nhà văn James Matthew Barrie từ chối trở thành người lớn, để làm đứa trẻ ngày ngày rong chơi. Cứ ngỡ đó chỉ là một nhân vật tưởng tượng, không ngờ Peter Pan lại hiện diện ở khắp nơi. Peter Pan thời nay là những người lớn xác, nhưng mãi là đứa trẻ vô âu lo, thiếu trách nhiệm…

Những đứa trẻ to xác

Ngày nghe Quốc Cường cưới vợ, công ty anh chia làm hai phe: phe thứ nhất thắc mắc Cường sẽ xoay xở ra sao trong đời sống hôn nhân khi anh chưa thể quyết định được gì cho chính mình. Bởi 30 tuổi Cường vẫn được gia đình bảo bọc. Công việc hiện tại do cha Cường chạy vạy đưa vào. Cường tà tà làm, tới tháng lĩnh lương thỏa sức tiêu xài. Chuyện lớn đã có gia đình lo. Đi làm năm sáu năm, nhưng chưa bao giờ Cường dám ra quyết định hay có bất kỳ ý kiến nào. Mọi việc chỉ chờ người khác quyết định rồi làm theo. 

Phe thứ hai lạc quan cho rằng, lấy vợ rồi Cường sẽ trưởng thành hơn vì không ai có thể sống vô lo, không trách nhiệm cả đời. Thực tế ra sao? “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, làm chồng rồi sắp làm cha, thói vô lo của Cường vẫn vậy. Được cái vợ chồng Cường cũng... xứng lứa vừa đôi, nhất là khoản “mặc kệ tất cả”. 

Thỉnh thoảng đồng nghiệp cười ngất khi Cường mặc chiếc quần có in hình bàn ủi và cái áo trắng loang lổ. Ở nhà riêng được vài tháng, vợ chồng chỉ ăn cơm tiệm, nhà cửa bụi xếp lớp. Tiền lương tháng hai vợ chồng cộng lại hơn 20 triệu đồng, vậy mà chưa hết ba tuần, họ đã cháy túi. Nhiều lần nhân viên điện lực đến cắt điện, Cường lại điện thoại ới ời gọi mẹ tới cứu.

Nhắm không ổn, cha mẹ Cường “gom” hai vợ chồng về nhà ông bà. Hai bên sui gia bàn lại: “Phải có thời gian huấn luyện cho hai đứa cách tổ chức, sắp xếp gia đình”. Không biết khóa huấn luyện chừng nào kết thúc, chỉ biết Cường giãy nảy vì phải về nhà mẹ, vợ chồng mất tự do. 

Dù sao thì chuyện nhà của Cường vẫn ít bi đát hơn gia đình Thành và Nguyên. Nếu không về chung nhà, Nguyên không thể ngờ đằng sau hình ảnh của một thanh niên trong mơ, Thành lại là một chú Peter Pan cả trong suy nghĩ lẫn cách ứng xử.

Cưới vợ về, mọi thứ từ lớn đến nhỏ trong cuộc sống của Thành vẫn do ông bà nội bao cấp. Vợ chồng chỉ việc đi làm, về nhà mọi thứ đã có sẵn, lâu lâu mẹ chồng còn dấm dúi cho vài triệu tiêu vặt. Hết giờ làm, Thành tụ tập với nhóm bạn độc thân la cà cà phê, quán nhậu. Vợ hết giận dỗi, khóc lóc đến “méc” cha mẹ hai bên, Thành vẫn không thay đổi. Vợ mang bầu đứa con đầu lòng, nhiều lần mẹ Thành xui con dâu qua trước cổng công ty đón chồng. Vừa ra cửa thang máy, ngó thấy bóng vợ, Thành lủi cửa sau chuồn theo bạn, bỏ mặc cô vợ bơ vơ... 

Nhung cap vo chong Peter Pan
Những “đứa trẻ to xác” thiếu kỹ năng tự chăm sóc, kỹ năng tạo dựng và tổ chức cuộc sống gia đình. Ảnh minh họa

Công thức cũ mèm: cha mẹ hy sinh - con cái hư hỏng

Ở các nước phát triển, 18 tuổi đã là người trưởng thành và phải tự mình quyết định cuộc đời, kể cả phải lo tài chính. Trong khi đó ở Việt Nam, đa số các bậc cha mẹ chia sẻ sẽ cố gắng lo cho con đến khi con tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. 

Từ bé, trẻ được “nhào nặn” thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời. Trẻ lớn lên theo định hướng của cha mẹ, quên dần những ước mơ, không dám thực hiện điều mình thích, không dám ra quyết định và mất dần những kỹ năng tổ chức đời sống. Đây là câu chuyện đã nhiều lần được các chuyên gia tư vấn tâm lý, các nhà nghiên cứu xã hội học cảnh báo. Nhưng thay đổi một quan niệm, suy nghĩ đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ không dễ. Nhất là khi cách ứng xử, thói quen đó lại bắt nguồn từ tình thương và sự hy sinh của cha mẹ. 

Ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia tư vấn tâm lý cũng cho rằng, những “đứa trẻ to xác” không thể biện minh theo kiểu “tôi luôn chiều theo ý cha mẹ để cha mẹ vui”. Nếu nhìn nhận một cách thấu đáo thì đó không phải là lòng hiếu thảo mà là nỗi sợ hãi khi phải ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân. 

Những “đứa trẻ to xác” thiếu kỹ năng tự chăm sóc, kỹ năng tạo dựng và tổ chức cuộc sống gia đình. Chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ, họ dễ dàng bỏ cuộc, thay vì cố gắng giải quyết mâu thuẫn. Cũng vì không có khả năng tự quyết, họ bị lệ thuộc vào ý kiến cha mẹ. Thực tế các vụ ly hôn ở các gia đình trẻ cũng cho thấy, nhiều cặp tan vỡ do chịu sự tác động từ cha mẹ hai bên. 

“Cha mẹ phải cho con biết giá trị của bản thân để con tự tin vào bản thân. Thiếu tự tin - tiềm năng của trẻ sẽ không được phát triển. Yêu thương con không chỉ là cho con tình thương, bảo bọc con mà phải dạy cho con biết sống tự lập và có trách nhiệm ngay từ khi bé thơ” - bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt khẳng định.

“Hội chứng Peter Pan xuất hiện ở những người sống phụ thuộc, thường được che chở, bao bọc quá mức cần thiết của gia đình, dẫn tới việc không thể phát triển những kỹ năng sống bình thường. Họ cảm thấy thế giới người lớn có vấn đề và vì thế không muốn trưởng thành”.

Humbelina Robles Ortega (Giáo sư - chuyên gia tâm lý học Trường đại học Granada - Tây Ban Nha)

Thảo Vân 

Từ khóa cva
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI