Nhớ mẹ chồng

14/02/2019 - 18:00

PNO - Từ ngày mẹ rời xa lúc nào lòng tôi vẫn quặn thắt khi nhớ về mẹ. Mẹ đi rồi, tôi như mất đi một chỗ dựa về tinh thần trước những cơn sóng gió gia đình.

Khi tôi chuẩn bị lấy anh, các dì các thím tỏ ra ái ngại. Mọi người bảo: “Thằng ấy tốt nhưng mẹ nó khó tính nổi tiếng, chỉ sợ con về làm dâu khổ thôi”. Dù không để tâm đến những lời cảnh báo đó nhưng tôi cũng có chút lo sợ, không biết sẽ phải sống như thế nào.

Những ngày đầu tiên về nhà chồng, tôi cứ trằn trọc không ngủ được vì mới tảng sáng, mẹ đã thức dậy làm bánh để kịp phiên chợ sáng. Bởi thế, mới 4 giờ, tôi đã lục đục dậy nấu nướng rồi quét dọn nhà cửa.

Nho me chong
Mẹ chồng tôi rất tâm lý chứ không phải hung dữ như lời đồn đoán của mọi người. (Ảnh minh họa)

Mẹ thấy vậy liền bảo: “Con vào ngủ tiếp đi, sáng rồi làm, nhà mình không có việc gì nhiều mà phải dậy sớm”. Nhưng tôi vẫn sợ, không dám đi ngủ, mấy ngày sau vẫn cố gắng dậy thật sớm.

Mẹ lại nhắc: “Con không cần phải thức sớm, làm bánh là việc của mẹ nên đừng ngại”. Nhờ những mẻ bánh của mẹ mà anh em chồng tôi có một cuộc sống no đủ. Mùa đông năm đó, tôi rất bất ngờ vì mẹ mua cho tôi một cái áo ấm.

Quả thật, nhà ba mẹ tôi nghèo nên đến khi lấy chồng, tôi vẫn chỉ mặc đồ cũ. Tôi thấy mẹ ít nói, có vẻ lạnh lùng nhưng rất quan tâm đến con chứ không phải hung dữ như người ta vẫn bàn tán.

Ba chồng tôi mất trong chiến tranh khi mẹ mới 24 tuổi, bỏ lại ba đứa con thơ dại. Một mình mẹ bươn chải buôn bán nên tính tình phải chua ngoa đanh đá. Thêm nữa, công việc làm ăn không thuận lợi phải chuyển nhà từ nơi này đến nơi khác, tiếp xúc với đủ hạng người, lúc nào mẹ cũng như con gà mái xù lông bảo vệ đàn con.

Sau cùng, mẹ quyết định về quê sống, buôn bán qua ngày để nuôi con. Nhiều người đàn ông theo đuổi nhưng mẹ đều từ chối để ở vậy nuôi con. Mẹ kể: “Đôi lúc cô đơn cực khổ muốn dựa vào một ai đó nhưng nghĩ lại chẳng có người nào có thể thương con mình như ruột thịt nên đành thôi”. Mẹ lặng lẽ nuôi con một mình và nâng niu những kỷ niệm về ba.

Tôi nhớ lúc gần sinh con đầu lòng, mẹ cứ hỏi: “Con muốn về bên ngoại hay ở lại với mẹ”. Ở thời điểm đó, ít bà mẹ chồng nào tâm lý với con dâu như thế. Vì ở với mẹ đã quen nên tôi ở lại nhà chồng.

Suốt ba tháng mười ngày, mẹ lo cơm nước giặt giũ, không cho tôi làm bất cứ việc gì. Mẹ bảo, đàn bà đẻ kiêng được chừng nào hay chừng ấy, về sau lớn tuổi đỡ ốm đau bệnh tật. Nhà không dư dả nhưng khi thấy tôi chán ăn, mẹ cắt thuốc Bắc cho uống. Tôi sinh hai đứa con đều được mẹ bảo bọc nuôi nấng từng ngày.

Nho me chong
Mẹ đi rồi, tôi như mất một điểm tựa. (Ảnh minh họa)

Có lần, chồng tôi lén lút qua lại với người phụ nữ khác, tôi phát hiện ra làm ầm lên, đòi bế con bỏ đi. Mẹ ngăn lại, nhất quyết không cho: “Con không phải đi đâu cả, người phải đi là con trai mẹ”. Về sau, mọi chuyện nguôi ngoai, mẹ mới dặn: “Dù có giận chồng thế nào cũng không được bỏ nhà đi, phải ở lại nuôi con vì nhà mình không bỏ đi đâu hết”.

Tôi sống với mẹ được 7 năm thì phải ra ở riêng vì em trai chồng cưới vợ. Nhà tôi cách nhà mẹ mấy trăm mét. Hàng ngày, vợ chồng tôi đi làm, mẹ vẫn qua làm việc nhà giúp. Sợ mẹ vất vả, chồng tôi không cho mẹ làm. Nhưng mẹ bảo: "Mẹ đỡ đần được gì thì mẹ sẽ làm, ngồi không cũng buồn chân buồn tay lắm".

Cách đây 5 năm, mẹ bị tai biến mạch máu não, nằm mê man không biết gì khoảng một tuần thì mất. Từ ngày mẹ rời xa lúc nào lòng tôi vẫn quặn thắt khi nhớ về mẹ. Mẹ đi rồi, tôi như mất đi một chỗ dựa về tinh thần trước những cơn sóng gió gia đình.

                                                                                                       Hạnh Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI