Nhiều đôi vợ chồng đã vứt "ảnh cưới" của mình vào xó bếp và không bao giờ nhìn lại nữa

12/10/2016 - 11:30

PNO - Nhưng những ánh hào quang sẽ trôi qua, những lời trầm trồ sẽ trôi qua. Những tấm hình ở lại và những giá trị đẹp nhất của ngày cưới, buồn thay, không nằm trong tấm ảnh cưới.

Máy ảnh là một phát minh vĩ đại của loài người. Nó giúp ta ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ và cả xấu xí, để ghi nhớ, để chia sẻ. Máy ảnh, trên một khía cạnh nào đó, giúp ta chiến thắng được sức mạnh của thời gian, bởi chẳng đúng sao, trong những tấm ảnh đó, thời gian dừng lại.

Và khi việc chụp ảnh trở nên phổ biến, tất yếu, nó sẽ được dùng để ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời con người. Ngày cưới là một ngày như vậy.

Trong ngày cưới, cô dâu (và cả chú rể) là người quan trọng nhất, là trung tâm của ống kính, của đám đông và của chính bản thân họ. Cô dâu là người đẹp nhất trong đám cưới- đúng như vậy- và sẽ là luôn như vậy. Cái đẹp của cô dâu không chỉ ở chỗ nàng được trang điểm đẹp nhất, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, cười tươi nhất; mà vì trong cái ngày đáng nhớ đó của cuộc đời, cô dâu có sự quan tâm của tất cả người thân và đôi khi là những người không quen biết.

Nhieu doi vo chong da vut
Hình ảnh minh họa.

Ai đã là trẻ con hẳn còn nhớ cái cảm giác gọi nhau "chúng mày ơi, ra xem cô dâu"; hay khi xe đón dâu đi qua, cả làng cùng ngó... Tôi nhớ ngày xưa cưới cậu ruột, hai anh em tôi trèo lên ô-tô "xí" chỗ trước để đi đón cô dâu (giờ là mợ tôi). Lúc người lớn ra, xe thiếu chỗ nên bọn trẻ bị xách cổ khỏi xe.

Tôi nhớ hồi đó bị túm tai kéo ra ngoài, tức lắm, nhưng tính vốn hiền và nhát nên đành hậm hực ngồi dưới chân đê đợi xem cô dâu về. Ông anh trai tính gan, bị xách tai là chửi luôn "... mày, tao đi đón mợ tao" hay cái gì đó, vừa gào vừa vùng vẫy, cuối cùng được đi đón mợ. Kể như thế để biết cái hào hứng của việc xem cô dâu của bọn trẻ con, và cô dâu trong mắt bọn tôi đẹp thế nào...

***

Quay lại chuyện chính, có lẽ nhu cầu chụp ảnh cô dâu có từ khi người ta biết chụp ảnh và biết rằng có thể chụp ảnh đám cưới được. Nhưng ảnh cưới truyền thống dường như chưa đủ để làm thoả mãn nhu cầu của hầu hết cô dâu: ĐẸP. Vì trong đám cưới, cô dâu chú rể - theo lễ nghi - phải làm rất nhiều việc, từ tiếp khách, rót trà, đối nội đối ngoại... từ sáng đến tối.

Những thủ tục đó làm cho họ mệt mỏi và đương nhiên, khi chụp ảnh không thể đẹp như họ mong muốn. Những người làm nghề chụp ảnh nhận ra điều này, đã "gạ gẫm" các đôi chụp ảnh từ TRƯỚC đám cưới, và gọi cái album đó là ẢNH CƯỚI.

Một vài đôi vợ chồng, họ đến những nơi rừng xanh núi đỏ, mặc những bộ đồ xanh đỏ tím vàng (tôi cũng đã từng như thế), tạo dáng, chồng nhìn trời, vợ nhìn đất. Trong hàng trăm tấm ảnh của 1 ngày lăn lộn, vài tấm được chọn ra, photoshop cho cô dâu đẹp như người mẫu. Trong những tấm ảnh đó, họ kéo dài chân, nâng ngực, "bơm mỡ" vòng 3, "rửa" mặt, tẩy nốt ruồi, chỉnh xương gò má... và đưa cho những cô dâu.

Trong những bức ảnh cưới đó, dường như cô dâu thay đổi, đẹp rạng ngời và rất chói loá. Đẹp đến nỗi khi bạn bè xem ảnh cưới, hỏi cô dâu "mày đây á?" cô dâu tự hào "tao đấy". Cái sự "tự sướng" ấy thể hiện nhu cầu bậc thứ 5 của cô dâu: mình phải là người đẹp nhất; và nhu cầu cao nhất trong bậc nhu cầu của Maslow: mình phải đẹp thế này mới đúng. (I am who I should be).

***

Nhưng những ánh hào quang sẽ trôi qua, những lời trầm trồ sẽ trôi qua. Những tấm hình ở lại, và những giá trị đẹp nhất của ngày cưới, buồn thay, không nằm trong tấm ảnh cưới. Đôi trẻ bị đánh lừa bởi chính ánh hào quang mà họ tạo ra, mà đôi khi quên mất giá trị thực, lợi ích cốt lõi của những tấm ảnh trong ngày cưới.

Đám cưới đi qua, và những đôi vợ chồng đó nhìn lại bộ ảnh cưới mà mình đã đầu tư nhiều tiền của, thời gian... vào đó, họ thấy được gì?

Trong những bức ảnh cưới đó, thường chỉ đơn độc hai người, 1 chồng - 1 vợ. Không bạn bè, không họ hàng, không hàng xóm và không cả người xa lạ. Trong những tấm ảnh đó, thậm chí vợ không còn là vợ, chỉ có ánh hào quang giả tạo của họ, con người mà họ ước mơ được tạo nên nhờ photoshop. Trong ảnh đám cưới, không có cả cô dâu chủ rể.

Gì nữa, người chụp ảnh là những người "chuyên nghiệp", họ tạo ra những tấm ảnh "công nghiệp hoá", nơi mọi đôi vợ chồng đều đứng theo kiểu giống nhau, nhìn trời nhìn đất kiểu giống nhau, ngồi đứng kiều giống nhau, xoè váy kiểu giống nhau... Những bức ảnh ấy, nếu bảo là có hồn, sẽ rất khó nghe.

Và, 20 năm sau, khi người ta nhìn lại cái ngày quan trọng nhất ấy, sẽ còn lại gì? Mẹ có nói với con của mình, đâu là ông bà, đâu là người bạn gái thân nhất của bố mẹ, hay thậm chí, có đủ dũng khí để nói: đây là mẹ thời trẻ? Những ký ức của ngày cưới sẽ là gì trong bức ảnh, khi nó giả dối, vô hồn, đơn độc và thiếu thông tin?

Chẳng cần phải đợi đến 20 năm, chỉ cần 1 năm sau ngày cưới, nhiều đôi vợ chồng đã vứt "ảnh cưới" của mình vào xó bếp, và không bao giờ nhìn lại nữa.

Nhieu doi vo chong da vut
Hình ảnh minh họa.

Vậy tại sao phải thoả mãn nhu cầu "ảo" của mình bằng những bức ảnh ít giá trị đó? Nhiều người đã đầu tư nhiều, rất nhiều tiền cho những bức ảnh cưới mà họ có khi chẳng bao giờ nhìn tới. Còn tôi, tôi thích nhìn những tấm hình do bạn mình chụp, trong đó có bố mẹ, ông bà, những người bạn và rất nhiều kỷ niệm. Những tấm hình mà những người thợ "nghiệp dư" từ những góc chụp không phải tối ưu, chụp.

Những ngày còn ở Mỹ, tôi biết một cặp vợ chồng già người Mỹ là Sue và Don. Họ đã cho tôi xem ảnh cưới, họ kể về những tấm ảnh, đôi mắt sáng ngời. Người chồng tự hào chỉ vào vợ, bảo đây là Sue của tôi hơn 40 năm trước. Họ kể về người anh, chị của họ, bố, mẹ của họ, những người giờ đã không còn nữa. Họ kể về người bạn thân đã và vẫn đang đồng hành với họ suốt mấy chục năm qua... Và nhiều lắm, qua album ảnh cưới của họ.

Còn chúng ta, chúng ta sẽ kể những gì cho những người bạn nhỏ của mình về ngày cưới? Khi ảnh cưới chỉ có hai người, mà đôi khi còn không chắc đó là cô dâu và chú rể?

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI