Nhật ký 'hành trình buông điện thoại' của mẹ

19/04/2019 - 07:22

PNO - Người mẹ trong đoạn clip khi thì vá áo, bón cơm, lúc lại chơi rượt bắt với con, đọc sách cho con, dạy con học, dắt tay con đến trường... Không có phân đoạn nào xuất hiện cái điện thoại bên cạnh.

Ngày... 

Chiều nay, trong giờ quây quần hiếm hoi của cả nhà bên mâm cơm, con gái bảo: “Mẹ, có phải cuộc đời mẹ có hai tình yêu lớn?”. 

Mình phì cười. “Các con là tình yêu lớn của mẹ. Đâu ra mà hai?”. 

Con bé quả quyết: “Các con chỉ là một. Tình yêu lớn còn lại chính là cái điện thoại kia kìa”. 

Mình lắc đầu: “Không đâu, nó chỉ là phương tiện hỗ trợ mẹ trong công việc thôi. Có nó, việc của mẹ sẽ được giải quyết nhanh hơn, mẹ sẽ có nhiều thời gian bên cạnh các con hơn”. 

Nhat ky 'hanh trinh buong dien thoai' cua me

Mình nói đến đó thì khựng lại, khi nhận ra tỷ lệ phần trăm chính xác trong lời giải thích đầy tính ngụy biện này. Đúng là công việc của mẹ nhờ nó mà trở nên thuận tiện hơn, nhưng thời gian bên con hầu như chẳng thêm được gì, kể cả khi công việc đã hoàn tất.

Con bé hạ giọng: “Nhiều khi con chỉ ước mình biến thành cái điện thoại để lúc nào cũng được ở bên cạnh mẹ, đi làm cùng mẹ, đi siêu thị cùng mẹ, vào bếp cùng mẹ, thậm chí là lên giường và được mẹ ôm trong tay trước khi ngủ...”. Mình chỉ biết vơ vội cái điện thoại đang đặt trên bàn, nhét nhanh vào túi. Vậy mà con bé cũng kịp nhận ra. “Thấy chưa, vào bàn ăn nó cũng được ngồi gần mẹ hơn cả con”. Mình bối rối: “Tào lao... chỉ có các con mới là tình yêu lớn của mẹ”.

Ngày...

Hôm nay, mình dắt bọn trẻ đi xem bộ phim mà chúng mong chờ cả tháng trời. Mình đang cố gắng chứng minh cho các con thấy hạnh phúc lớn nhất của mình là được ở bên cạnh chúng và không có gì thay thế được điều đó. Công việc không, dù mình rất yêu nó. Cái điện thoại lại càng không, dù không có nó thì mình vất vả trăm bề. Nhưng “chỉ có các con mới là tình yêu lớn của mẹ”, mình không muốn điều đó chỉ được thể hiện qua những khẳng định qua loa. 

Nhat ky 'hanh trinh buong dien thoai' cua me
 

Vào đến rạp, con gái nhắc khẽ: “Mẹ tắt điện thoại đi”. Mình đồng ý và mình cũng không có ý định sờ đến nó trong suốt thời gian xem phim cùng con. Nhưng rồi trong lúc cầm điện thoại lên để tắt nguồn, mình bất ngờ nhìn thấy cuộc gọi nhỡ và tin nhắn từ số máy của sếp. “Em đâu rồi? Chị liên lạc không được. Sửa gấp kế hoạch để chị duyệt trước khi chị ra sân bay khuya nay nhé!”. Mình vã mồ hôi hột. Trong lúc quáng quàng mở tài liệu ra chỉnh sửa trên điện thoại, mình liếc vội sang con gái và thấy con khẽ mỉm cười. Nụ cười của con làm tim mình nhói lên nhè nhẹ. “Thôi mẹ tập trung làm việc đi”. Thật sự, mình rất biết ơn con vì điều đó. Nhưng mặc cảm tội lỗi cũng đồng thời trở nên nặng trĩu.

Ngày...

Hôm nay, mình hẹn gặp khách hàng. Thời gian được ấn định là 17g, sau giờ làm việc và chị xin lỗi trước là chỉ có 30 phút để tiếp mình. Với nữ doanh nhân thành đạt như chị thì chuyện bận rộn hết sức hiển nhiên. Nhưng khi mình nói ra điều đó, vào đúng phút thứ 30 đã ấn định, chị chỉ cười. “Không phải, chị chẳng bận gì đâu, chỉ là sau 17g30 chị dành hết thời gian cho con. Chị xin phép tạm ngừng mọi công việc cho đến khi các con ngủ say. Thường là sau 22g. Nếu có gì cần bàn bạc thêm, em có thể gọi điện hay nhắn tin cho chị vào thời điểm đó”. Mình hơi chột dạ. 

Nhat ky 'hanh trinh buong dien thoai' cua me
 

Trên đường về, mình ghé siêu thị mua con gà và ít nấm hương. Mình nhớ cái ánh mắt háo hức của các con bên nồi cháo gà nghi ngút khói. Mình thèm nghe chúng ríu rít tranh nhau kể chuyện lớp, chuyện trường. Không thể tin được là mình đã tắt điện thoại trong suốt thời gian đó và chỉ mở máy trở lại khi tất cả đã ngủ say. Bây giờ, mình đang giải quyết hàng chục tin nhắn, những cuộc gọi nhỡ liên quan đến công việc, bằng một tâm thế không còn áy náy, cái đầu không còn nặng nề và lòng yêu nghề tha thiết. Hơn bao giờ hết, mình hiểu được mình còn cả đời để làm việc, nhưng thơ ấu của các con sẽ qua đi rất nhanh.

Ngày...

Chiều hôm qua, trên đường đi làm về, mình bị xe tông lật cả bàn chân phải. Từ đó cho đến tận bây giờ, mình không đi lại được. Mọi công việc, trao đổi đều cậy nhờ Zalo, Viber, Messenger... Thậm chí, ngồi một chỗ mình vẫn phải họp với cả team thông qua livestream. Cái chân đau cũng khiến mình không thể đứng dậy làm việc nhà hay nấu nướng. May mắn là các con đã đủ lớn để có thể tự lo liệu mọi thứ. 

Nhưng, ngồi một chỗ và nhận mọi sự giúp đỡ từ con, để rồi đáp lại những chăm sóc ân cần đó bằng những tiếng ting ting khô khốc của tin nhắn và hàng giờ hội thoại đến sập nguồn pin, cảm giác đó thực sự rất tệ. Mình bắt đầu sợ hãi khi nhìn thấy cái điện thoại - lúc nào cũng chỉ chực phát sáng bởi những tín hiệu giao dịch. Mình quyết định buông nó, trước khi thiếp vào giấc ngủ ám mùi kháng sinh.

Rồi mình bị đánh thức bởi tiếng ti vi lao xao. Trên màn hình là hoạt cảnh minh họa cho bài hát về mẹ. Người mẹ trong đoạn clip có vẻ ngoài hiền lành, phân đoạn nào cũng thấy chị làm một cái gì đó cho con mình, khi thì vá áo, bón cơm, lúc lại chơi rượt bắt với con, đọc sách cho con, dạy con học, dắt tay con đến trường... Không có phân đoạn nào xuất hiện cái điện thoại bên cạnh. Mình cảm thấy buồn cười vì tư tưởng ấu trĩ có vẻ không hợp thời của nội dung đoạn clip - làm gì có một người mẹ như thế giữa thời đại thông tin sầm sập này? Và rồi chợt giật mình đánh thót khi liếc sang bầy con mình đang ngồi dán chặt mắt vào màn hình ti vi, hau háu, say sưa.

Thực sự, ánh mắt đó nói thay bao ước muốn... 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI