Nhẫn nhịn một đời để làm tròn đạo hiếu với mẹ chồng cay nghiệt

02/12/2018 - 13:34

PNO - Cuộc đời nhiều khi trớ trêu, người mà bà hay đánh và chửi nhất lại là người chăm sóc bà nhiều nhất. Bởi chỉ có mẹ mới chiều được tính khí của bà.

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng gia giáo. Mẹ được ông ngoại dạy dỗ chu đáo, lớn lên tốt nghiệp đại học rồi trở thành giáo viên dạy văn. Còn ba tôi không có nghề nghiệp ổn định nhưng nhà bà nội lại giàu có.

Dù có nghề nghiệp, tự nuôi thân và không dựa dẫm vào người khác nhưng khi về làm dâu, mẹ phải chịu nhiều cực khổ. Hàng ngày, mẹ phải đạp xe đi dạy ở trường cấp ba cách nhà 15 cây số, vừa tất bật chăm lo cơm nước cho cả gia đình.

Nhan nhin mot doi de lam tron dao hieu voi me chong cay nghiet
Bà nội tôi sống khá cay nghiệt. (Ảnh minh họa)

Lúc đó, ông nội tôi đã mất chỉ còn bà và chú út ở cùng gia đình tôi. Chú tôi nổi tiếng phá phách, ăn không ngồi rồi vì bà rất chiều chuộng. Còn bà nội có tư tưởng cổ hủ và khá cay nghiệt.

Nghe mẹ kể, khi có ba ở nhà thì bà nói năng ngọt ngào nhưng chỉ có một mình mẹ, bà chửi bới vô cớ. Mẹ có bầu vượt mặt vẫn phải làm hết việc nhà. Đến ngày sinh nở, ba bận việc, mẹ tự đập con lợn tiết kiệm được 2 triệu, tự xách giỏ đi bệnh viện một mình.

Bà ngoại có vào chăm vài ngày còn bà nội không hề đả động gì đến cháu khi biết là con gái. Mang tiếng làm dâu nhà giàu nhưng bà nội không hề cho một xu nào cả.

Mẹ sinh được hai tuần, bà đã bắt làm việc nhà.

Nhiều lúc mệt mỏi, chỉ cần bà trừng mắt là mẹ lo làm. Mẹ chưa bao giờ cãi lại bà, dù có thể nào cũng im lặng. Đến nỗi mẹ bị quai bị mặt mũi sưng húp, bà vẫn sai quạt bếp than nướng bánh cho chú.

Mới sinh tôi được vài tháng, ba tôi bắt đầu đi làm xa để mình mẹ phải chịu đựng ở nhà. Có lần, mẹ ẵm tôi rồi nựng: “Con yêu của mẹ, môi xinh sao cứ thích chu ra như cái loa ấy”. Bà nội đi ngang qua, nghe thấy, cầm cái gương ném vào mặt mẹ rồi chửi: “Mày nói mồm ai như cái loa hả”.

Sau đó, bà gọi ba về, chưa rõ ngọn ngành đã đánh mẹ tới tấp, chú tôi còn lấy phích nước sôi dội vào người mẹ. Lúc còn nhỏ, tôi không hiểu cho mẹ, cứ thích bu bám bà nội vì bà thường cho kẹo.

Nhan nhin mot doi de lam tron dao hieu voi me chong cay nghiet
Dù làm dâu vất vả nhưng mẹ tôi vẫn cắn răng chịu đựng. (Ảnh minh họa)

Mẹ dặn tôi không được ăn kẹo buổi tối nhưng bà lại dùng kẹo để dụ tôi ngủ chung. Tôi không nghe lời mẹ, thậm chí còn tin vào những điều bà thêu dệt. Mẹ như bị cô lập ở trong nhà, ngay cả tôi cũng đứng về phía bà nội.

Khi tôi lên 10 tuổi, chú tôi cưới vợ, bà mới cho ba mẹ tôi ra ở riêng. Có lẽ, khi ấy, đời mẹ mới đỡ vất vả hơn. Tôi lớn lên, nghe mọi người kể lại về quãng đời làm dâu của mẹ mới thấy thương mẹ nhiều.

Thỉnh thoảng, nghe tin thím bỏ đi, mẹ lại thở dài: “Bà ăn ở thế, sau này lấy ai chăm sóc”. Nhưng mẹ vẫn rất chu đáo với bà, bà ốm, mẹ về chăm cả ngày lẫn đêm. Đến giờ, bà đã 80 tuổi nhưng sống một mình vì vợ chồng chú út không chịu được đã bỏ ra ở riêng.

Tôi không hiểu sao, mẹ tôi hiếu thuận như thế, bà vẫn không thôi cay nghiệt. Tôi còn nhớ, mỗi lần bà ra nhà tôi chơi, mẹ phải xin nghỉ dạy để hầu chuyện bà. Mẹ nấu nướng thịnh soạn như nấu cỗ để đón bà.

Nhưng chỉ được hai ngày, đến ngày thứ ba, bà đã muốn gây sự. Cả nhà đang ăn cơm ngon lành thì bà hất luôn dĩa cá kho tộ xuống đất. Bà chỉ thẳng vào mặt mẹ mà mắng: “Chồng mày đi làm vất vả, ăn như thế này sao nó chịu nổi, cá kho ba hôm còn để vào nồi hâm lại, chồng con ăn đau bụng thì làm sao”.

Mặc dù, bà nói sai sự thật, tôi và ba cố gắng giải thích nhưng bà không chịu nghe còn mẹ chỉ im lặng. Ba tôi giận quá quát luôn bà: “Mẹ vừa phải thôi chứ, nếu không vun vào thì thôi sao mẹ cứ tìm cách phá nát gia đình con cái là sao. Mẹ không ở được thì con chở mẹ về”. Và hôm đó ba chở bà về quê thật.

Từ ngày ra riêng, ba cũng hiểu và thương mẹ hơn chứ hồi xưa cũng nghe bà nội mắng nhiếc mẹ. Dù vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ tôi thấy mẹ than thở hay kể xấu về bà nội. Nhiều lúc ức chế vì bà mắng vô lý, tôi nói mình ghét bà là mẹ lại bảo: “Bà già rồi, đừng có chấp nhặt làm gì”.

Nhan nhin mot doi de lam tron dao hieu voi me chong cay nghiet
Mẹ là người chăm sóc bà tận tụy nhất khi ốm đau. (Ảnh minh họa)

Cuộc đời nhiều khi trớ trêu, người mà bà hay đánh và chửi nhất lại là người chăm sóc bà nhiều nhất. Bởi chỉ có mẹ mới chiều được tính khí của bà. Còn ba hay chú thím đều không chịu được.  

Giờ bà nằm viện, trí nhớ không còn minh mẫn nữa, mang cơm vào chỉ chậm vài phút thôi là bà không ăn, bà ném cả hộp cơm văng tung tóe. Vậy mà, mẹ vẫn nhẫn nại lau dọn, tắm rửa cho bà dù lắm lúc bà giật tóc, cào rách da, chửi mắng mẹ không thương tiếc. Mẹ còn bảo: “Khi mẹ về hưu sẽ đón bà về chăm chứ không thể để bà ở một mình được”.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI