Ngán ngẩm với vợ chồng 'chuột túi'

27/08/2018 - 06:00

PNO - Sau lần nói chuyện phải quấy đó, vợ chồng anh “cạch mặt” tôi, không thèm nói chuyện, không thèm ăn cơm chung. Bố mẹ biết chuyện quay sang trách tôi ỷ có công việc tốt, lương cao nên "bắt nạt" anh.

Hôm rồi xem bộ phim truyền hình “Gạo nếp, gạo tẻ”, tôi được nghe một khái niệm mới về các thành viên trong gia đình. Ông bố nhà giáo nói với người vợ của mình về thuật ngữ “chuột túi”, ý chỉ những đứa con đã trưởng thành nhưng vẫn làm phiền bố mẹ chuyện cơm, áo, gạo, tiền.

Ngan ngam voi vo chong 'chuot tui'
Những gia đình "chuột túi" ngày nay nhiều vô kể. Hình minh họa

Hai nhân vật trong phim trò chuyện xong thì… ngồi đếm xem trong nhà mình có bao nhiêu con “chuột túi”. Tôi cũng ngồi đếm “chuột túi” của nhà mình và phát hiện ngay một “con” sinh năm 1978, cao 1m72 và nặng 70kg. Chẳng ai khác hơn là anh trai tôi.

Anh trai tôi nay đã ngót nghét 40, một vợ, hai con. Hai cháu tôi cũng đã lớn, đứa học cấp hai, đứa vào cấp một. Anh tôi làm tài xế, vợ anh là nhân viên tạp vụ. Lương của hai vợ chồng cộng lại vào khoảng hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.

Tôi chưa có gia đình nên cũng không rõ khoản thu nhập đó có đủ cho một gia đình bốn người ở thành phố hay không nhưng từ khi anh đi làm rồi lấy vợ đến giờ, bố mẹ tôi luôn phải “viện trợ” từ khoản lương hưu ít ỏi của ông bà.

Tiền không góp, việc nhà cũng không thấy anh chị mấy khi động tay. Chị dâu tôi đi làm về, cơm nước xong là “mất tích” với lý do cả ngày làm tạp vụ, luôn chân luôn tay nên mệt. Anh cũng tót vào phòng chơi điện tử. 

Cuối tuần, cả nhà bốn người dắt díu nhau về ngoại. Lúc nào cũng chỉ thấy mỗi mình bố mẹ tôi làm tất, từ nấu cơm, rửa bát, giặt đồ, phơi đồ đến sửa cái bóng đèn, rửa cây quạt trần… 

Ngan ngam voi vo chong 'chuot tui'
Cả gia đình bốn người của anh vô tư sống dựa vào cha mẹ". Hình minh họa

Xót bố mẹ, tôi phải bò ra làm phụ mà ấm ức không thể tả. Gia đình bốn người của anh sống cùng tôi và bố mẹ nhưng chưa bao giờ đóng góp tiền ăn, điện và nước. Họ chỉ tự lo khoản ăn sáng, hai đứa nhỏ ăn bán trú trên trường, còn anh chị sáng nào cũng dỡ cơm trưa mang theo, tối về thì đã có sẵn cơm canh mẹ nấu.

Bốn người ở hai phòng, đêm nào cũng chạy hai cái máy lạnh nhưng tháng nào hóa đơn tiền điện về cũng “quăng cục lơ” to đùng, xem như không phải việc của mình.

Mỗi khi không đủ chi tiêu, mẹ lại “cầu cứu” tôi, dù tháng nào tôi cũng đưa mẹ năm triệu đồng để phụ chi phí trong nhà. Có lần bực quá, tôi hỏi mẹ sao không đòi anh, mẹ tặc lưỡi: “Lương nó thấp, lại phải nuôi con, con thông cảm cho anh mà!”.

Cách đây mấy tháng, tôi lôi anh ra uống cà phê để tâm sự, chia sẻ thân tình. Chẳng ngờ anh nổi đóa lên mà mắng tôi một tràng, nào là cô có biết nuôi hai đứa nhỏ ăn học tốn kém thế nào không, nào là cô còn độc thân sướng quá nên không hiểu cho người khác, nào là bố mẹ giúp tôi chứ tôi có nhờ cô đâu mà cô lên tiếng…

Tôi cũng cáu nên quát lại: “Anh không đủ tiền nuôi con thì… đẻ ít thôi, chứ ai đời đẻ con ra rồi bắt bố mẹ nuôi phụ. Mà không phụ được tiền đi nữa thì phụ công, chứ em thấy vợ anh đời nào rửa giúp được mẹ cái bát. Anh bảo không đủ tiền chi tiêu nhưng em thấy chị hay sắm sửa quần áo mới, năm nào nhà cũng đi du lịch, thế tiền đó ở đâu ra?”. Thế là anh đùng đùng xô ghế đứng dậy và bỏ về.

Sau “trận chiến” đó, vợ chồng anh “cạch mặt” tôi không thèm nói chuyện, không thèm ăn cơm chung đến hơn cả tháng. Bố mẹ biết chuyện quay sang trách tôi không khéo léo, ỷ có công việc tốt, lương cao nên bắt nạt anh, người trong nhà mà tính toán quá. 

Mẹ tôi còn giận lẫy, bảo từ nay không cần tôi phụ chi phí trong nhà nữa, để bà tự lo cho yên cửa yên nhà. Tôi nghe mà không biết nên cười hay khóc.

Ngan ngam voi vo chong 'chuot tui'
Nhìn mẹ phải chắt bóp lo cho anh, tôi không đành lòng dọn ra riêng.

Cô bạn thân tôi bảo tốt nhất là tôi cứ mặc kệ họ và dọn ra ở riêng, để bố mẹ tôi tự xoay xở với hai vợ chồng “chuột túi” ấy. Có thiếu trước hụt sau, ông bà mới hiểu mà dạy lại con trai.

Nhưng nghĩ đến cảnh ông bà gần 70 mà còn vất vả, tôi thật không đành lòng. Nhưng ngày ngày cứ phải è cổ giúp bố mẹ “phục vụ” cả gia đình “chuột túi” ấy, tôi ức chế không thể tả, nhiều khi cứ kiếm cớ đi thật khuya mới về nhà để khỏi nhìn thấy họ. Chẳng biết bao giờ anh trai tôi mới biết thương cha mẹ đây?

Trần Khoa Yêng Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI