Cuộc tái hôn “ngượng nghịu” của cặp vợ chồng chia tay nhưng vẫn ở chung nhà

28/09/2016 - 11:30

PNO - Sau khi ly hôn, anh Phước xin vợ cho ở chung nhà vì không có tiền thuê trọ. Từ đâu, mối lương duyên của họ dần dần được nối lại.

Ly hôn nhưng vẫn chung nhà

Chị Nguyễn Thái Bình (SN 1985, quê ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang) và anh Trần Hữu Phước (SN 1983, quê ở huyện Bến Lức, Long An) gặp, yêu và kết hôn với nhau khi cả hai cùng lên Sài Gòn lập nghiệp. Sau khi nên vợ nên chồng, anh chị gom góp tiền bạc mua được căn nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Cuoc tai hon “nguong nghiu” cua cap vo chong chia tay nhung van o chung nha
Ảnh minh họa.

Năm 2009, chị Bình sinh con gái đầu lòng. Cuộc sống vốn không dư dả, nay lại có thêm thành viên mới nên càng thêm phần thiếu thốn. Anh Phước làm việc trong một công ty tư nhân nhỏ về xây dựng còn chị Bình làm trong một cửa hiệu photocopy. Khi con gái được gần một tuổi, chị Bình vay tiền ba mẹ, tự mở cho mình một hiệu photocopy để không phải đi làm thuê nữa, đồng ra đồng vào cũng nhiều hơn.

Cửa hiệu của chị Bình ngay cạnh khu sinh viên thuê trọ nên làm ăn khá tốt. Từ chỗ ổn định được cuộc sống, chị bắt đầu có tiền dư dả mua sắm đồng quà tấm bánh cho con. Trong khi đó, công ty anh Phước nợ lương liên miên. Anh Phước không có lương, làm việc gì cũng phải xin tiền vợ nên cảm thấy bẽ mặt, bất đắc chí dù chị Bình chẳng bao giờ có ý coi thường hay bày tỏ thái độ gì với chồng.

Năm 2011, chị Bình sinh cô con gái thứ hai. Tiệm photo đã được mở ra lớn hơn, chị Bình còn kinh doanh thêm cả văn phòng phẩm và thuê thêm gian trước của nhà hàng xóm để bán quần áo cùng ít đồ tạp hóa. Có duyên buôn bán nên chị Bình làm đâu trúng đó trong khi anh Phước vẫn cứ mãi lẹt đẹt với công việc không lương.

Bận bịu chăm hai con và lo chuyện cửa hiệu, chị Bình khuyên chồng nghỉ làm về phụ giúp chị một tay. “Tôi nghĩ vậy cũng hợp lý. Hai vợ chồng cùng nhau làm, giúp đỡ nhau quán xuyến mọi chuyện để tôi có thêm thời gian chăm con mà anh Phước cũng có việc làm ra tiền, không bực bội mỗi khi tôi đưa tiền cho anh tiêu nữa. Chẳng ngờ anh không đồng ý còn tìm cớ gây sự với tôi liên miên. Anh nói tôi khinh chồng, bắt chồng nghỉ việc về làm thuê cho mình”, chị Bình thở dài kể chuyện.

Cuoc tai hon “nguong nghiu” cua cap vo chong chia tay nhung van o chung nha
Không giải quyết được mâu thuẫn nên hai người ly hôn (Ảnh minh họa)

Mẫu thuẫn vợ chồng bắt nguồn từ đó và không tài nào giải quyết được. Khi đứa con thứ hai được một tuổi, anh Phước tự đệ đơn li hôn. Chị Bình khuyên chồng không xong, lại thêm lòng tự ái của người đàn bà hai con, chị kí đơn dứt khoát, không chút luyến tiếc. Sau khi đường ai nấy đi, chị Bình nhận nuôi con và được giữ lại căn nhà. Anh Phước không lấy nhà nên được hưởng một nửa số tiền quy từ tài sản đó ra. Tuy nhiên, anh không lấy mà nói để cho các con rồi anh bỏ đi đâu, chị Bình cũng không rõ. Hai tháng sau đó, anh thất thểu trở về, vòng vo sau câu chuyện thăm con, anh mở lời mong chị Bình cho anh ở nhờ tầng áp mái của căn nhà vì hiện tại, anh chưa có việc làm ổn định nên không chịu được tiền thuê nhà hàng tháng.

Cô con gái đầu nghe ba nói thì vội vã níu tay mẹ: “Cho ba ở cùng mình nghe má. Ba ở cùng con cũng được, không phải lên trên tầng trên cùng đó đâu. Trời nóng lắm ba à”.

Chị Bình tâm sự: “Con bé mới hơn 4 tuổi mà ăn nói khôn lanh dữ. Tôi cũng không ghét bỏ gì anh Phước, thương anh nên tôi đồng ý. Thế là dù đã li hôn nhưng vợ chồng tôi vẫn sống chung trong một nhà”.

Đứa con chung nối lại duyên cũ

Hàng ngày, anh Phước ra khỏi nhà từ 6h sáng và trở về nhà lúc 6h tối. Mới đầu, anh chỉ ở nhờ nhà đúng theo lời cậy nhờ ban đầu. Nhưng sau đó, vợ cũ, chồng cũ bắt đầu có những bữa cơm chung. Đầu tiên là cô con gái 4 tuổi nhanh miệng mời ba ngồi ăn cơm cùng má con, thấy vợ cũ không nói gì, anh Phước đồng ý ngồi xuống cùng con. Đã có bữa một thì tất có bữa hai, dần dà, anh Phước về nhà ăn cả hai bữa trưa, tối với vợ cũ và các con. Ban đầu, hai người họ không nói chuyện với nhau mà chỉ có hai cô con gái làm hoạt náo viên trò chuyện của ba mẹ nhưng rồi từ những câu hỏi nhát gừng của chị Bình: “Mấy giờ về còn nấu cơm?” hay “Xách thêm cái quạt lên cho đỡ nóng”, hai vợ chồng cũ dần trò chuyện với nhau nhiều hơn.

Cuoc tai hon “nguong nghiu” cua cap vo chong chia tay nhung van o chung nha
Nhờ cô con gái 4 tuổi, vợ chồng anh Phước dần dần xích lại gần nhau (Ảnh minh họa)

“Kì lạ là nói với cô ấy một, tôi lại muốn nói thêm hai, ba. Lắm lúc thấy cô ấy tất bật hàng quán rồi trông hai đứa nhỏ mà thương vô cùng. Nghĩ lại lúc trước thấy mình sai nhiều quá”, anh Phước tâm sự. Thế rồi, dù vợ không nhờ vả nhưng anh Phước cũng tự động giúp vợ quán xuyến chuyện buôn bán. Anh nhờ nhân viên tiệm photocopy dạy nghề cho mình để anh có thể làm mỗi khi có khách đến. Bữa cơm chung của chồng cũ, vợ cũ dần có thêm tiếng đối thoại, thậm chí có cả tiếng cười vui vẻ. Anh Phước cho biết: “Tôi thấy như chúng tôi đang bắt đầu yêu lại. Cảm xúc rất tuyệt vời”.

Những chuyển biến trong tâm lý, nỗi nhớ nhung người vợ đã bao năm đầu gối tay ấp khiến anh Phước mơ về cảnh đoạn tụ dù anh thấy nó có vẻ xa vời và buồn cười. Tính ra, anh chị đã li hôn được gần một năm nhưng khoảng thời gian anh sống xa chị chỉ vỏn vẹn có hai tháng. Ao ước được nối lại mối duyên với người vợ cũ của anh Phước trở thành hiện thực vào ngày sinh nhật của cô con gái. Hôm đó, anh và chị Bình có uống chút rượu. Men say lâng lâng, hai người ngả vào lòng nhau, cùng thăng hoa trong nỗi niềm thương nhớ bây lâu nay. Sau đêm hôm đó, hai người ngượng nghịu khi gặp nhau nhưng là đàn ông, anh Phước chủ động tấn công vì anh cho rằng, đây là dịp tốt để anh ngỏ lời xin cưới lại chị Bình.

“Mới đầu, cô ấy còn băn khoăn, lưỡng lự nhưng khi phát hiện mình đã mang thai, Bình đồng ý ngay”, anh Phước hạnh phúc nhớ lại.

Hai người quyết định quay lại với nhau nhưng anh Phước muốn đứa con nối lại mối duyên của vợ chồng anh có mặt trong ngày cưới nên anh nói chị Bình sinh con xong rồi cả hai mới đi làm thủ tục đăng kí kết hôn. Âu yếm bế trên tay cậu con trai đang ngủ say, chị Bình rạng rỡ: “Vợ chồng tôi đặt tên con là An, mong cho con có được cuộc sống yên bình và cũng mong cho vợ chồng tôi sẽ an yên mà sống bên nhau tới đầu bạc răng long”.

Thuận Yến

* Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI