Muốn làm bà mẹ tốt, bạn buộc phải có những kỹ năng này

13/08/2018 - 06:00

PNO - Larissa Surkova là hot blogger, một tiến sĩ tâm lý học trẻ em và gia đình, cô nổi tiếng với nhiều đầu sách triệu bản. Cô cũng có kinh nghiệm "trị" chính đàn con của mình. Hãy thử học hỏi những điều Larissa đúc kết!

Tiến sĩ Larissa đã viết 16 cuốn sách về tâm lý học và giáo dục trẻ em. Cô là một hotmom đúng nghĩa, riêng tài khoản instagram của Larissa đã có hơn 1,5 triệu người theo dõi.

Là mẹ của năm đứa con và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn 20 năm, cô đã đưa lời khuyên tâm huyết với những người theo dõi tài khoản của mình.

Muon lam ba me tot, ban buoc phai co nhung ky nang nay
Nhà tâm lý học Larissa

Larissa, chồng và các con sống trong một ngôi nhà ở nông thôn, họ nuôi năm con chó, bốn con mèo, rất nhiều gà, cá, thằn lằn, ốc... Chúng ta sẽ phải ngạc nhiên vì không hiểu sao Larissa có thể quán xuyến mọi thứ, vì sao cô ấy có thể giải thích tâm lý của trẻ em một cách dễ dàng và chia sẻ kiến ​​thức của mình.

1. Học cách bình tĩnh để tránh... scandal

Tâm trạng trong gia đình phần lớn phụ thuộc vào tâm trạng của người mẹ: mẹ càng bình tĩnh, thì càng ít "scandal". Nhưng cuộc sống không hoàn hảo, và chúng ta không phải là robot. Larissa Surkova khuyên bạn nên:

- Hít thở đều khi gặp một tình huống căng thẳng: hít ba hơi thở sâu và thở ra ba hơi thở sâu. Hít thở thật sâu, bạn nhớ nhé.

- Thử nhai. Không quan trọng là nhai gì, điều quan trọng là làm động tác nhai với hàm: đây là một cách làm cho bộ não phân tâm tốt. Xúc sạch miệng bằng nước lạnh hoặc nhảy lò cò trên một chân: các phương pháp tương tự này cũng sẽ giúp bạn giữ mình và không nói quá nhiều.

2. Thường xuyên nói với con về tình yêu thương của bạn.

Muon lam ba me tot, ban buoc phai co nhung ky nang nay
Larissa và các con 

Chúng ta thường nghĩ rằng con cái hiểu rõ tình yêu của ta dành cho chúng, bởi vì ta đi chơi với chúng, mua cho chúng đồ chơi, đọc sách cho chúng nghe trước khi đi ngủ... Nhưng mọi đứa trẻ rất cần nghe rằng chúng được yêu thương. Điều này đặc biệt quan trọng khi đứa trẻ thứ hai xuất hiện trong gia đình: đứa con đầu lòng thường thiếu tình yêu và sự chú ý, sự ghen tuông xuất hiện.

Trong giai đoạn này, tình yêu của người mẹ không phải là chia ra, mà là nhân lên. Hãy dành thời gian giải thích cho đứa trẻ rằng bạn không yêu con ít hơn, hãy lắng nghe  cảm xúc của con.

Cố gắng tìm thời gian để ở cùng với mỗi đứa con một mình với các trò tiêu khiển yêu thích của chúng, đừng sợ "quá yêu chúng". Điều này sẽ giúp trẻ tránh được sự ghen tị, phát triển tình cảm và lòng yêu thương.

3. Không cần làm rõ các vấn đề trước giờ đi ngủ

Quả là rất khó kiềm chế cảm xúc của bạn khi một đứa trẻ làm phiền bạn và bên trong bạn tất cả mọi thứ sôi sục. Nhưng những cảm xúc tiêu cực không phải là cố vấn tốt nhất. Ngay cả khi hành vi của đứa trẻ khiến bạn đang rất khó chịu, thì việc nói về các chủ đề nghiêm trọng nên được hoãn lại cho đến sáng.

Xung đột và cãi vã trước khi lên giường khiến trẻ sợ hãi sự cô đơn, mang đến cảm nghĩ chúng vô dụng. Và với tuổi teen, trước giấc ngủ chúng thường nghĩ nhiều điều ngớ ngẩn mà có thể vào buổi sáng chúng tiếp nhận và lý giải điều đó dễ dàng, tích cực hơn.

Muon lam ba me tot, ban buoc phai co nhung ky nang nay
Bầy con của nhà tâm lý.

4. Đừng quên sống cho mình

Làm cha mẹ là một trong những vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống, nhưng không phải là vai trò duy nhất. Đừng quên bản thân: đừng quên lãng những sở thích của bạn, đừng nghĩ rằng sẽ có lúc rảnh hơn, hãy sống đầy đủ  cho bản thân mình cùng với con cái.

Làm những gì bạn muốn: đăng ký học nhảy, đọc những cuốn sách yêu thích, ngồi quán cà phê cùng với bạn bè. Bạn có thể cống hiến toàn bộ cuộc sống của bạn để theo đuổi một lý tưởng, nhưng sự cầu toàn sẽ không làm cho chúng ta hạnh phúc hơn. Hãy cho mình quyền được nghỉ ngơi mà không hối hận, tạm dừng và tận hưởng cuộc sống: tất cả điều này giúp bạn không bị sa lầy trong thói quen và giúp sạc pin cung cấp năng lượng. Như người ta thường nói, một người mẹ hạnh phúc sẽ có những đứa con hạnh phúc.

5. Cho trẻ tự chịu trách nhiệm về việc học hành

Điều này có thể không đơn giản, nhưng bạn phải hết sức cố gắng để cho trẻ tự chịu trách nhiệm về việc học tập của chúng, đấy là cách tốt nhất để dạy con cái về trách nhiệm và sự tự lập. Kiểm soát liên tục khiến trẻ ít cơ hội học cách tự quyết định các vấn đề của chu.

Hãy giải thích cho trẻ rằng học tập là tốt cho bản thân. Nếu bạn không dứt khoát được điều đó thì cuối cùng bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về con suốt cuộc đời. Cha mẹ cần phải cho con nhiều tự do hơn, giao cho con nhiều việc hơn và tin vào con nhiều hơn. 

6. Thể hiện tình cảm của vợ chồng trước mặt con 

Muon lam ba me tot, ban buoc phai co nhung ky nang nay
Vợ chồng hạnh phúc là những gì trẻ muốn chứng kiến nhất

Đối với trẻ em, chúng cần được thấy cha mẹ không chỉ trong vai trò làm cha mẹ, mà còn là một cặp vợ chồng yêu thương nhau. Thật tuyệt vời nếu bạn và chồng có thời gian hẹn hò, chăm sóc nhau, ôm, hôn, tặng quà nhau. Khi cha mẹ hạnh phúc bên nhau, chắc chắn con cái sẽ thấy hạnh phúc hơn.

7. Cho các bé trai cơ hội để thể hiện sự nam tính, nhưng đừng mắng con vì "nữ tính"

Thông thường vai trò hàng đầu trong giáo dục con trai thuộc về người cha, nhưng cũng có nhiều điều phụ thuộc vào người mẹ. Hãy yêu cầu con trai giúp đỡ bạn thường xuyên hơn. Hãy để cho đứa trẻ biết rằng bạn hài lòng với sự giúp đỡ của bé, cảm ơn bé vì điều đó. Bạn sẽ thấy trẻ thích thú như thế nào.

Đừng cấm các bé trai khóc, hãy nâng đỡ chúng, giúp trẻ tự tin rằng bé có thể đối phó với những khó khăn và mọi thứ sẽ tốt. Dạy cho cậu bé tự phục vụ mình, làm việc nhà: điều này sẽ làm cho trẻ tự tin hơn, và trong tương lai cậu bé sẽ biết tìm một người phụ nữ mà cậu yêu chứ không phải một người giúp việc nhà.

8. Đừng trừng phạt, hãy khuyến khích

Muon lam ba me tot, ban buoc phai co nhung ky nang nay
Những phút giây vui vẻ của mẹ con nhà tâm lý Larissa.

Sự khuyến khích hiệu quả hơn nhiều so với hình phạt. Trẻ em thực sự thích những phần thưởng tình cảm – cùng đi câu cá, đi xem phim hoặc dã ngoại. Các hoạt động này thúc đẩy trẻ em học tập tốt, và điều này sẽ mang lại cho chúng những kỷ niệm tươi sáng, mà chúng sẽ nhớ suốt đời.

Đừng lạm dụng hình phạt, hãy cẩn trọng khi bạn có ý định la mắng. Nếu các phương pháp đó có tác dụng, thì cũng chỉ lúc đầu, cuối cùng chúng trở thành thói quen và bắt đầu mang lại tác hại duy nhất: gây ra những cảm xúc tiêu cực và khiến trẻ căng thẳng.

9. Lập kế hoạch thời gian cho bạn và trẻ 

Không chỉ cần phỉ lập kế hoạch cho công việc của bạn, mà còn cho các hoạt động và nghỉ ngơi của trẻ. Nó giúp phụ huynh hiểu khi nào trẻ cần làm gì, điều phối chính xác công việc và nghỉ ngơi của trẻ, lên kế hoạch cho thời gian vui chơi chung của cha mẹ và con cái..

Muon lam ba me tot, ban buoc phai co nhung ky nang nay
Một gia đình đầy tiếng cười. Sao cô ấy làm được dễ dàng còn chúng ta khó khăn?

10. Nếu trẻ nói dối, hãy tìm hiểu lý do tại sao

Trẻ nói dối là chuyện... thường thôi. Bạn phải để tâm đến vấn đề này, nhưng không cần quá hoảng sợ. Đầu tiên là hãy điều tra xem vì sao trẻ làm thế. Nguyên nhân phổ biến nhất của trẻ em là sợ bị trừng phạt, không muốn cha mẹ thất vọng hoặc để che chở cho ai đó.

Để tránh điều này, hãy nói chuyện thường xuyên hơn với trẻ em, khen ngợi sự trung thực và can đảm của chúng, khi chúng không ngại thừa nhận hành động xấu.

Duy trì một mối quan hệ đáng tin cậy với đứa trẻ giúp bạn hiểu những gì diễn ra trong tâm hồn trẻ dễ dàng hơn. Và tất nhiên, bạn hãy là một tấm gương tốt cho trẻ

                                                                                                                      Thanh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI