Một người sai, cả gia đình gánh chịu

07/04/2019 - 11:00

PNO - Một nhóm người đã quăng chất bẩn, viết chữ lên cổng nhà ông Linh, Quận Đà Nẵng vì phẫn nộ với hành động "nựng" bé gái 7 tuổi trong thang máy. Nhưng, liệu có nghĩ đến vợ và con gái ông, họ cũng là phụ nữ?

Người xưa hay nói “Ai làm người ấy chịu” nhưng mấy hôm nay trên các báo mạng có thông tin về ngôi nhà của người đàn ông “nựng” bé gái trong thang máy bị xịt sơn, ném chất bẩn  vào nhà. Hẳn họ quên những giọt nước mắt của những người phụ nữ đang sống trong ngôi nhà ấy. Họ cũng đang bị tổn thương. Họ được cần sự cảm thông và yên ổn.

Những hành động quá khích sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe và tác động tiêu cực đến những người đang sống trong căn nhà ấy. Và tính đến thời điểm này, họ vẫn chưa liên quan đến sự việc không hay đã nêu trên. Vậy có cần phải làm tổn thương thêm một hoặc hai hay ba người người phụ nữ khác chỉ vì họ sống trong ngôi nhà ấy.

Chúng ta đấu tranh với nạn dâm ô trẻ em. Tuy nhiên, phải đấu tranh đúng luật, văn minh. Không thể vì tức giận nhất thời mà chống lại cái xấu bằng những hành vi không hợp pháp. Những hành vi xịt sơn, hoặc bêu rếu đang tràn lan trên mạng xã hội chắc chắn đã mang lại những hậu quả tiêu cực đến tinh thần của những người đang sống trong căn nhà ấy. Hậu quả đó không chỉ diễn ra trong một năm hay vài năm. Có thể họ sẽ chịu cả một quãng thời gian dài xuyên suốt.

Mot nguoi sai, ca gia dinh ganh chiu
Một số người con đứng trước nhà ông Linh, mô tả lại hình ảnh trong clip trước nhà ông.

Những hành động hùa theo số đông, không có chính kiến, hay những cái nhìn phiến diện dễ gây nhiều nguy hiểm. Bản thân những người làm theo số đông, lúc đó họ lại không ý thức được sự nguy hiểm ấy.

Tôi nhớ lại những giọt nước mắt của mình năm 9 tuổi. Ba mẹ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Công việc làm ăn thua lỗ. Có những buổi chiều chủ nợ xông vào nhà la lối, chỉ thẳng vào mặt chị em tôi mà chửi. Em tôi ngơ ngác và bật khóc trước sự dữ dằn của người lớn. Tôi chạy xuống bếp ôm mặt khóc nức nở. Má thì quỳ lạy chủ nợ, xin chủ nợ bớt to tiếng. Má lạy lục họ xin họ cho mình có thời gian xoay tiền bán đất trả nợ. Đó là nỗi ám ảnh của mấy chị em tôi đến mãi hai mươi năm sau mới quên được. Mà đó là gia đình chúng tôi nợ nần, chưa có tiền để xoay trả, những đứa con của một kẻ bị nợ đầm đìa như ba má tôi mới bị áp lực như vậy.

Mot nguoi sai, ca gia dinh ganh chiu
Ba mẹ cãi nhau to tiếng khi nhà tôi lâm vào nợ đầm đìa. Ảnh minh họa

Trong những đêm tối, tôi chợt bừng tỉnh vì tiếng cãi vã của ba má tôi vì nợ nần chồng chất. Những lúc ấy, chị em chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc.Tuổi thơ ấy không dễ quên nhưng có thể vẫn không thấm vào đâu so với những giọt nước mắt của những đứa trẻ và người phụ nữ trong ngôi nhà đang trở thành tâm điểm trong vài ngày trở lại đây.

Khi một vấn đề xảy ra và loan truyền với tốc độ chóng mặt và tạo nên tâm lý đám đông. Nếu chúng ta có góc nhìn toàn diện và công tâm, ai làm hãy để người ấy chịu. Bản thân người đàn ông trong thang máy đã qua tuổi trưởng thành. Trong lúc hành động, người nhà không hề có mặt hoặc tham gia cùng. Vậy thì đám đông đâu có quyền gây rối và đụng chạm vào quyền được sống yên ổn như những người bình thường khác.

Đặc điểm của số đông là mỗi người thường có tính truyền đạt thông tin và hành động theo “bằng chứng xã hội” – tức là những gì đám đông làm. Chính vì hành động theo tâm lý đám đông trong mấy ngày qua nhắm vào ngôi nhà ấy chỉ để thỏa cảm xúc của chính bạn. Vô tình bạn lại gây nên những nỗi đau khác cho những đứa trẻ khác, cho những người phụ nữ khác mà có thể họ sẽ bị ám ảnh cả đời không thể nào quên hay phai nhạt. Đừng để số nạn nhân gia tăng.

Song Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI