Mình bên này, chồng con bên kia

24/05/2018 - 09:00

PNO - Nước ở đâu ứa đầy trào ra mi mắt. Nghe như có cái gì đè nặng trịch trên ngực trái. Nó gần như một sự tủi thân, một nỗi oan ức bị dồn nén và cả nỗi hối hận đau lòng.

Cơn mưa đầu mùa kéo đến nhanh không trở tay kịp. Cái áo mưa lấy ra giặt phơi từ những ngày nắng, chưa kịp bỏ vào cốp xe. Nghĩ đường không xa, còn làm bữa cơm tối, tôi bươn bả về nhà. Tóc tai, quần áo vừa đủ ướt. Bất giác nghe mùi hăng hăng của đất, của bụi khói Sài Gòn bốc lên sau cơn mưa xộc thẳng lên đến não, váng vất. Loay hoay trong bếp, nghe người gai gai, lẽ nào lại bệnh.

Minh ben nay, chong con ben kia
 

Thế là bệnh thật. Cả đêm đầu nặng trịch, những cơn ớn lạnh ở đâu cứ bò len lỏi trong từng khớp xương. Cứ mỗi lần có một cơn cảm mạo kéo đến, tôi cảm nhận rõ ràng cái hanh hao vơi cạn sức khỏe của hai lần sinh nở và gần hai mươi năm, mỗi ngày, đều cố hết sức để chạy cho xong cỗ máy gia đình với hàng tá công việc mang tên “chuyện nội trợ vặt vãnh”. Đối với đàn bà mà nói, dù lam lũ phơi nắng, phơi gió ngoài đồng ngoài chợ hay áo dài, váy đầm xúng xính nơi công sở, mấy ai không vắt cạn sinh lực của chính mình cho gánh nặng gia đình, con cái và kể cả mưu sinh? 

Một mình nằm co ro trong phòng nghe tiếng ầm ầm từ bộ phim hành động. Ba cha con, không nghe ai nói chỉnh âm thanh nhỏ chút cho mẹ được yên tĩnh. Nhè nhẹ bước xuống giường khép cửa phòng lại, trong cơn mê man tôi vẫn nghe được tiếng nói cười lao xao văng vẳng tựa hồ như xa lắm của chồng và con mình. Thốt nhiên, thấy mình đứng bên này, những người mà mình hết mực yêu thương đứng bên kia, cách nhau một tầm tay với. Nước ở đâu ứa đầy trào ra mi mắt. Nghe như có cái gì đè nặng trịch trên ngực trái. Nó gần như một sự tủi thân, một nỗi oan ức bị dồn nén và cả nỗi hối hận đau lòng.

Minh ben nay, chong con ben kia
Ảnh minh họa

Tôi nhớ mẹ mình. Như thước phim cất kỹ, lúc một mình trơ trọi, yếu ớt thế này nó lại hiện lên rõ từng nét. Chưa bao giờ mẹ để tôi nằm một mình khi bệnh. Mẹ luôn bắt tôi nằm ngay bộ ván hay cái võng trong tầm mắt mẹ. Chốc chốc, mẹ sẽ đánh thức tôi bằng bàn tay to bè đầy những vết chai, hết sờ lên trán đến bóp bóp bàn chân nhỏ thò khỏi mền và hỏi đi, hỏi lại nhẹ như thở không biết bao lần “đỡ chưa con”. Cả một đời mẹ, nâng con như trứng, đôi bàn chân chưa đặt xuống sình lầy, đôi tay chưa mang vác gì nặng. Lớn lên, vắt cạn sức cho người, chút gió mưa mệt nhoài nằm đây, một câu hỏi cũng không nghe thấy, một cái nắm tay sờ trán chờ mong khi nào!? Mình có vô lý không, khi lớn già đầu rồi mà còn nỉ non như con trẻ?

Hai con trai nhỏ hời hợt, chưa nghĩ sâu sắc, thôi thì không kể, rồi sẽ từ từ dạy con. Những trải nghiệm khi trưởng thành con sẽ hiểu lòng mình. Còn chồng, từ lúc nào coi vợ mặc nhiên tồn tại dâng hiến như thiên nhiên ánh nắng, gió trời không mệt mỏi, không vun xới, không tưới tắm vậy? Tôi miên man tự hỏi có khi nào bản thân mình luôn kiễng chân với tay quá sức để người bạn chung đường luôn thấy mình cao, mình khỏe không? Tôi nhớ, mình vẫn có lúc ngồi bẹp thu lu trên đường, khóc rưng rức “em mệt quá, anh giúp em với”. Cớ sao người ấy không xót mình vậy? Không xót liệu có thương? Không thương lấy gì dìu nhau đi qua nửa quãng đường còn lại, khi đôi chân đã mỏi, khi quanh qua quẩn lại còn có hai người tóc đã nhiều sợi bạc.

Không gian yên ắng. Chắc đã khuya. Tôi cố nhắm mắt, lại chờn vờn nhớ về những con đường ngày nhỏ ở quê. Những con đường không có chân người qua lại, lâu dần cỏ mọc rối rắm, um tùm. Đứng bên ngoài nghĩ mãi cũng không nhớ rằng, nơi ấy đã từng là con đường lắm bước chân qua. 

 Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI