Trụ cột “không chân”

07/09/2014 - 16:56

PNO - PNCN - Từ một đứa trẻ tàn tật, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào cha mẹ, ngày ngày lăn lóc theo cha mẹ làm thuê làm mướn kiếm sống, không ai nghĩ rằng có một ngày anh gầy dựng được cơ ngơi mà bao người mơ ước. Tất cả...

edf40wrjww2tblPage:Content

ĐỨNG LÊN TỪ LỜI GỬI GẮM

Năm lên ba tuổi, anh Thập Văn Hoành, người dân tộc Chăm (năm nay 48 tuổi, ngụ xã Phước Nam, Thuận Nam - Ninh Thuận) thường xuyên lên cơn sốt. Nhà nghèo, lại nằm heo hút trong một làng xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn, gia đình chỉ biết cắn răng nhìn anh quằn quại trong bệnh tật. Sau ba năm chống chọi với cơn bệnh, Hoành dần hồi phục, nhưng đôi chân không còn đi lại được nữa. Thương con tật nguyền, cha mẹ Hoành cũng muốn cho anh đến trường kiếm con chữ để sau này nuôi lấy bản thân, nhưng miếng cơm còn chưa đủ no, thì chuyện học hành của con là điều xa xỉ đối với họ.

Hàng ngày, cha mẹ Hoành lên rừng kiếm củi hoặc đi làm thuê làm mướn kiếm sống, mỗi bận đi làm đều phải bế Hoành theo. Trong lúc cha mẹ làm việc, Hoành chơi một mình quanh quẩn dưới gốc cây. Có khi Hoành cùng cha mẹ lên rẫy ở mấy tháng trời. Suốt 18 năm, cha mẹ anh luôn bên cạnh, chăm sóc cho con từng chút. Mọi sinh hoạt cá nhân Hoành đều không tự làm được, chỉ như một đứa trẻ cứ ăn, chơi, rồi ngủ.

Năm Hoành 19 tuổi, ba anh bị bệnh qua đời, mẹ anh cũng đến lúc tuổi già sức yếu, không còn gồng gánh nổi. Anh chị em gần chục người, nhưng ai cũng nghèo khó. Thương đứa con tật nguyền, mẹ anh gọi một đứa cháu gái trong họ đến gửi gắm: khi bà mất đi, căn nhà từ đường của dòng họ do vợ chồng bà quản lý bấy lâu nay, bà sẽ cho cháu thừa kế với điều kiện phải thay bà chăm sóc cho anh. Tình cờ nghe được những lời nhắn nhủ của mẹ, Hoành giật mình lo lắng và trong anh trỗi dậy niềm khao khát được trở thành một người lành lặn. Biết không thể thay đổi được hình hài của mình nên quyết phải thay đổi số phận. Hoành đặt ra mục đích kiếm tiền, bởi người em họ có thể giặt hộ cái quần, cái áo, nấu cho bữa cơm, nhưng còn tiền mua gạo thì lấy đâu ra?

Sau nhiều đêm mất ngủ, Hoành nhờ người em họ chở xuống chợ Phú Quý (H.Ninh Phước) tìm việc. Hai anh em đi vòng vòng quanh chợ, quan sát rồi về nhà Hoành xin mẹ cho đi học nghề. Ban đầu, mẹ Hoành ngần ngại, tật nguyền như anh, một chữ bẻ đôi không biết, thì học được nghề gì. Anh hồ hởi khoe với mẹ đã học chữ từ bạn bè trong xóm, có thể đọc và viết được. Hoành kể chuyện xuống chợ thấy người ta sửa đồng hồ, nghề này phù hợp với anh. Thấy con năn nỉ, mẹ anh xuôi lòng, bà đưa anh xuống chợ gõ cửa từng tiệm sửa đồng hồ xin học nghề, nhưng ai cũng từ chối. Hoành không nản lòng, tiếp tục động viên mẹ. Cuối cùng, chủ tiệm sửa đồng hồ Phú Vinh đồng ý. Thương Hoành không đi lại được, chủ tiệm còn cho anh tá túc trong nhà.

Suốt bốn năm ăn nhờ ở đậu học nghề, Hoành luôn kiên trì, gặp khó khăn, trắc trở nào cũng dặn lòng phải vượt qua. Khi thạo nghề, Hoành được chủ tiệm giữ lại làm việc, anh mừng khôn tả. Hàng tháng, anh tích góp được hơn triệu đồng gửi về quê cho mẹ. Anh còn sắm chiếc xe lăn để mỗi khi nhớ nhà thì lăn về thăm mẹ, không phải chờ em họ đến đón nữa.

Tru cot “khong chan”

Anh Thập Văn Hoành tại tiệm sửa đồng hồ Vinh Phú (chợ Phú Quý)

Tru cot “khong chan”

Vợ chồng anh Thập Văn Hoành và con trai út

QUYẾT TÂM CƯỚI VỢ

Sau khi công việc ổn định, việc Hoành nghĩ đến đầu tiên là lấy vợ. Anh cười bảo: “Ngoài khát khao có một mái ấm gia đình, tôi còn mong muốn có một người phụ nữ bên cạnh chăm sóc cho mình, chia sẻ với mình những ngọt bùi cay đắng”. Nhưng nếu lấy vợ, đồng lương của nghề sửa đồng hồ không thể nuôi nổi vợ con. Hoành loay hoay tìm kiếm thêm việc, qua bạn bè anh học thêm nghề bơm quẹt gas. Công việc bấp bênh vì không có đôi chân để cạnh tranh với những người đi bơm gas dạo, anh chuyển sang nuôi gà. Từ ngày có chiếc xe lăn, mỗi ngày đều đặn anh lăn về nhà chăm sóc đàn gà. Bất chấp nắng gió, những vòng xe của anh vẫn đều đặn quay trên con đường diệu vợi. Ông Lâm Văn Bé, chủ tiệm đồng hồ Phú Vinh cười bảo: “Với cái gió xứ này, xe máy chạy còn bị thổi bay, vậy mà nó cứ bền bỉ lăn đi lăn về mỗi ngày”. Qua vài ba lứa gà, anh Hoành chuyển sang nuôi cừu, từ một vài con rồi thành bầy.

Duyên nợ đến với anh, một lần tình cờ dự đám giỗ nhà người anh họ, anh gặp và quen chị Đàng Thị Minh Hiếu, một phụ nữ Chăm ở Tuy Phong (Bình Thuận). Sau vài lần trò chuyện, anh thấy quý mến chị, không một chút e ngại, anh mạnh dạn tỏ tình với chị. Thương anh thật thà, hiền lành lại chịu khó, chị gật đầu ưng thuận. Biết chuyện, gia đình hai bên ra sức ngăn cản. Nhà gái thì sợ con mình khổ, nhà trai thì lo lắng thêm gánh nặng cho anh, nhưng sau ba năm yêu nhau, bằng sự chân thành và nghị lực của mình, anh đã thuyết phục được ba mẹ chị.

Tuy đã sống với nhau như vợ chồng, nhưng thời gian đầu anh ở nhà anh, chị ở nhà chị. Một phần do điều kiện đi lại của anh, mặt khác anh không muốn vợ về nhà từ đường sinh sống, vì ngại những va chạm với họ hàng làm vợ buồn. Chị kể, ngày chị sinh đứa con đầu, anh mừng rỡ, lăn xe đến bệnh viện thăm vợ, nhưng đến nơi, xe không lăn được lên lầu mà cũng không biết nhờ vả ai, anh đành ngồi thấp thỏm dưới sân. Chị vừa mới sinh cũng không xuống được, hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau qua ô cửa sổ mà khóc.

Sống với nhau 5 năm, đủ nếp đủ tẻ, nhưng anh vẫn còn nợ chị một đám cưới. Anh cười hiền, lý giải: “Theo tục lệ cưới xin của người Chăm thì con gái cưới chồng, con trai phải theo vợ, nhưng tôi đã xin phép cha mẹ Hiếu cho tôi được cưới Hiếu, mà lúc quyết định cưới thì chưa đủ tiền để làm đám lễ đúng phong tục”. Mãi đến năm 2004, khi con gái đầu lên bốn tuổi, anh và chị mới tổ chức đám cưới. Ba năm sau đám cưới, anh gom góp tiền mua được nhà, đón mẹ con chị về sống chung, nhường ngôi nhà từ đường lại cho người cháu họ.

Mua nhà xong thì cụt vốn, hai vợ chồng phải làm lại từ đầu. Thương chồng vất vả, chị Hiếu đi cắt cỏ, làm cỏ nho thuê. Từ ngày chị đi làm, bất chấp đường sá xa xôi, trưa nào anh cũng về nhà lần hồi vào bếp nấu cơm cho các con ăn. Chiều anh lại tranh thủ về sớm nấu cơm, giặt giũ, tắm rửa cho con, chờ vợ về. Mọi việc trong nhà, việc gì làm được anh đều giành làm, việc nào không biết thì nhờ vợ chỉ dẫn. Vợ chồng anh còn dành dụm mua được chiếc xe máy đi lại thay chiếc xe lăn.

Bằng ý chí và nghị lực của mình, anh Hoành không chỉ đã cứu được cuộc đời mình thoát khỏi bế tắc mà còn trở thành trụ cột vững chắc cho gia đình.

LINH GIANG
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI