Trẻ vị thành niên phạm tội, vì đâu?

13/10/2014 - 16:21

PNO - PN - Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2014, toàn TP.HCM đã xảy ra 332 vụ phạm pháp hình sự do 482 đối tượng trẻ vị thành niên gây ra. Lớn lên trong gia đình đổ vỡ, thiếu sự dạy dỗ, hơi ấm tình thương; ham chơi, thất học; thích hưởng...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Đứng trước vành móng ngựa trong phiên xử tội “hiếp dâm trẻ em” giữa tháng 8/2014 ở Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM là hai bị cáo có gương mặt trẻ thơ. Vẻ lấm lét, sợ hãi, đôi mắt luôn nhìn xuống để tránh chạm bao ánh mắt tò mò lẫn phẫn nộ hướng về phía mình, hai bị cáo luôn đổ lỗi tại cơn say dẫn đến không ý thức hành vi… Đêm 3/5/2013, Lê Văn Minh (SN 1996, quê Thanh Hóa) và Ngô Sẹc Cắm (SN 1998, quê Đồng Nai) đi nhậu cùng em Nguyễn Thị Mỹ Duyên (SN 2000) ở xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Đến 2g30, cả ba đều say nên Minh và Cắm đưa Duyên vào khách sạn nghỉ đêm. Thấy Duyên ngủ say, Minh nảy ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cắm nằm kế bên, chứng kiến nhưng không can ngăn. Khi Minh “xong việc”, bỏ vào phòng vệ sinh và bảo Cắm sang nằm với Duyên, Cắm cũng giở trò tương tự với nạn nhân đang trong cơn say không thể chống cự… Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt Minh 11 năm tù giam, Cắm bảy năm tù cùng về tội “hiếp dâm trẻ em”. Phía bị hại kháng cáo, yêu cầu tăng hình phạt và nâng mức bồi thường.

Tre vi thanh nien pham toi, vi dau?

Bị cáo Minh (phải) và Cắm trong phiên xử phúc thẩm

Phiên phúc thẩm, khi chủ tọa gọi đại diện gia đình các bị cáo hỏi ý kiến trước yêu cầu tăng bồi thường của gia đình bị hại, chỉ có chị Lý A Kiu - mẹ Cắm đứng lên, cho biết sẽ trả thêm năm triệu đồng. Đến lượt mình, Minh lí nhí: cha mẹ em không ai đến dự tòa. Em hứa chính em sẽ bồi thường cho nạn nhân thêm chín triệu đồng, với điều kiện đợi ra tù, em đi làm thì mới trả được. Minh cho hay, trong phiên xử sơ thẩm, cha mẹ không ai đến, dù em là đứa con duy nhất. Từ nhỏ, Minh phải tự bươn chải mưu sinh. Ba mẹ sớm ly hôn rồi mỗi người một ngả, tạo dựng cuộc sống riêng, không ai chịu nhận nuôi nên Minh phải về Đồng Nai sống nhờ người quen… Người quen ấy chỉ có thể lo cho em miếng ăn, chỗ ở chứ không thể là điểm tựa trong cuộc sống của cậu thiếu niên đang độ tuổi có nhiều biến chuyển tâm - sinh lý. “Từ nhỏ, mọi thứ về bản thân đều tự em quyết định chứ không ai khuyên bảo. Cứ sống như vậy, va vấp đến đâu, em tự sửa đến đó nhưng lần này tội em nặng quá…” - Minh lí nhí mở lời.

Sau phiên xử, trong khi Cắm quay đầu nhìn mẹ để nghe những lời an ủi, động viên thì Minh cúi mặt bước đi, phía sau cậu, không ai thân thích.

Mức án 12 năm tù giam là cái giá phải trả cho hành vi giết người, cướp tài sản; nhưng điều khiến bị cáo Nguyễn Phan Anh Tú (SN 1997, Q.Bình Tân, TP.HCM) đau đớn đến bật khóc nức nở trong phiên xử cuối tháng 7/2014 lại chính là nỗi hối hận, day dứt khôn cùng bởi đã ra tay tàn độc với người thân. Nạn nhân bị Tú sát hại chính là ông ngoại - người mà em được gia đình tin cẩn nhờ trông nom, chăm sóc. Còn cha mẹ Tú, trong phiên xử cũng thừa nhận trách nhiệm khi đã thiếu quan tâm sâu sát đến cuộc sống của con.

Tre vi thanh nien pham toi, vi dau?

Bị cáo Tú ăn năn với hành vi tàn độc của mình

Ông Phạm Ngọc Trung - ông ngoại Tú vốn già yếu, lại sống một mình nên từ tháng 1/2013, Tú đến ở với ông để chăm sóc, trông nom. Ngày 8/7/2013, Tú đi chơi về gọi cửa nhưng không thấy ông ngoại trả lời. Tú trèo hàng rào hàng xóm, qua sân thượng rồi vào nhà xuống bếp lục cơm ăn. Ông ngoại nhìn thấy nên mắng cháu ham chơi. Bực mình, Tú phản ứng bằng cách dập máy tính bảng của mình xuống đất. Ông Trung thấy vậy tiếp tục mắng và đuổi Tú khỏi nhà. Tú tức mình, lao đến đạp vào ngực ông, hai tay ôm cổ nạn nhân siết chặt. Được một lúc, Tú với lấy máy cassette tiếp tục đập vào đầu ông Trung đến chết. Gây án xong, Tú lục ví nạn nhân lấy 700.000đ, một nhẫn vàng và một số giấy tờ khác. Thời gian bỏ trốn, Tú bán nhẫn vàng để tiêu xài, chơi game…

Nhiều vụ trẻ vị thành niên phạm tội liên tiếp xảy ra, với những hành vi đặc biệt nguy hiểm như cướp của, giết người… trong thời gian qua báo động tình trạng đạo đức trẻ vị thành niên đang ngày càng xuống cấp. Mặc dù, không phải chịu khung hình phạt cao nhất, song cái giá các em phải trả là quá đắt: tương lai dang dở; nỗi đau đớn, ăn năn khi nhận ra tội lỗi của mình… Bài học không dừng ở mức án nghiêm khắc mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh dành cho các bậc sinh thành trong việc chăm sóc, quan tâm, dạy dỗ, uốn nắn để con cái không bị “trật đường ray” đạo đức. Nguyên nhân được chỉ rõ, bài học được nêu ra, nhưng có vẻ - theo một thẩm phán - nhiều gia đình vẫn chưa thật sự giật mình, bởi tâm lý “đó là chuyện đâu đâu”…

TUYẾT DÂN - LINH GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI