Lời mẹ dặn

10/05/2014 - 07:05

PNO - PN - Có câu “nhìn vào hình ảnh mẹ vợ, bạn sẽ biết được hình ảnh của vợ bạn sau này”. Không chỉ giống về mặt hình ảnh, tính cách của con gái cũng có xu hướng giống tính cách của người mẹ. Trong quá trình “ngày càng giống...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chu đáo, tế nhị, nhưng phải nghiêm khắc

Loi me dan

Chị Thảo mong con gái sẽ là người phụ nữ chu đáo

Đến bây giờ, dù đã trưởng thành và có gia đình riêng, chị Nguyễn Thanh Thảo (giáo viên Trường Trung học Thực hành Sài Gòn) vẫn đau đáu lời mẹ dặn: “Là phụ nữ, con phải luôn chu đáo, tế nhị”. Suốt 50 năm sống gần mẹ, sự chu đáo trong chăm chút gia đình cũng như đối đãi với họ hàng, người ngoài, lối ứng xử nhẹ nhàng, tế nhị của mẹ đã khiến chị Thảo thầm ngưỡng mộ và tính cách cũng “thuần” theo mẹ một cách tự nhiên. Theo chị, đó là kết quả của một hoài bão được thực hiện bằng tình thương của người mẹ. Chị chia sẻ: “Đến khi sinh con gái, tôi cũng âm thầm truyền “di sản tinh thần” từ bà ngoại cho bé, làm sao để con tôi nuôi dưỡng được thói quen chu đáo, phong cách giao thiệp tế nhị. Lên tuổi 19, con gái vẫn còn vụng về chuyện bếp núc, vẫn chỉ biết hét toáng lên gọi ba mẹ mỗi khi gặp sự cố, vẫn thích được mẹ đón đưa đi học, vẫn ham thích chơi với bạn bè hơn quây quần bên gia đình. Dù muốn con trở thành một cô gái chu toàn nhưng tôi cứ mang tâm lý con còn nhỏ, cứ lại yêu chiều, nâng đỡ từng chút một”.

Chị Thảo thừa nhận đã vô tình tước đi cơ hội trưởng thành của con, để những lúc giật mình nhận thấy con đang “chệch hướng”, chị lại tăng cường nhắc nhở, khuyên răn. Quán tính bảo bọc của người mẹ khiến sai lầm ấy cứ tái diễn, con gái chị dù rất ý thức về những điều mẹ dạy nhưng cũng… vui vẻ để mẹ tước đi cơ hội tự lập. “Khi ấy, tôi lại nhớ lời mẹ dặn, nghiêm khắc với con gái hơn. Chưa thực sự hài lòng về con, nhưng mỗi lần đi ra ngoài, được con chuẩn bị cho cái nón, cái áo, rồi cẩn thận dắt xe cho, tôi rất cảm động. Những cử chỉ này, sự quan tâm này, chính là những điều tôi muốn dạy cho con từ khi còn bé” - chị Thảo tâm sự.

Loi me dan

Chị Lâm và con gái

Với chị Đinh Thị Lâm (Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất - Vietnam Airlines), lời mẹ dặn chị luôn nhớ là câu “nghiêm khắc với bản thân và nghiêm khắc với con cái mới làm chủ được hạnh phúc gia đình”. Chị Lâm kể: “Ngay từ khi còn bé, tôi luôn nhận được sự dạy dỗ nghiêm khắc từ mẹ. Tôi tuân theo “lệnh” của mẹ, cố gắng chăm ngoan, nhưng đôi khi lòng cũng tự hỏi, thực sự một người mẹ có cần nghiêm khắc đến mức ấy không? Sự nghiêm khắc có làm mẹ con xa cách? Đến khi lập gia đình, có con gái, tôi mới cảm nhận được hết những vất vả khi làm mẹ. Và đặc biệt, cũng thấm hơn lời mẹ dặn. Bề ngoài, tôi vẫn thể hiện tình cảm rất nhiều đối với con gái, nhưng cũng như mẹ mình, tôi luôn nghiêm khắc để răn dạy con”.

Luôn yêu quý bản thân

Chị Lê Thị Khánh Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu) tâm đắc lời dạy khá hiện đại của mẹ là “con hãy nhớ, đầu tiên và sau cùng là biết yêu quý bản thân”. Chị Xuân thấm thía: “Mẹ tôi thường chỉ làm gương để dạy con, chứ ít khi thể hiện bằng lời, nên những lời mẹ dạy khiến tôi nhớ mãi. Tôi học được tinh thần luôn yêu quý bản thân từ mẹ, và tôi hiểu, chỉ khi yêu quý bản thân, mỗi người mới có thể tự tin để tạo hạnh phúc cho bản thân. Tôi cũng nhiều hoài bão trong “sự nghiệp nuôi dạy con”, bé Khủng Long của tôi sẽ được tôi truyền nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình, đặc biệt là những lời dặn từ bà ngoại của bé”.

Loi me dan

Chị Xuân bên bé Khủng Long

Chị Xuân cho biết, thay vì dạy con cách đạt điểm cao, cách giật giải trong mọi cuộc thi, chị sẽ giúp con tự tin phát huy những ưu điểm của mình, không mặc cảm, so sánh với người khác.

Phải “trữ” sẵn sự bao dung

Một người phụ nữ đẹp luôn toát lên sự bao dung. Đó là lời dặn từ mẹ mà nhà báo Phương Trà (báo Phú Yên) tâm đắc nhất. Chị bộc bạch: “Mẹ không có bằng đại học, cũng không đọc nhiều sách, nhưng có tấm lòng. Thời bao cấp, lương ba cọc ba đồng; không dám ăn, không dám mặc, nhưng mỗi khi có người ăn xin rụt rè đến trước cửa, mẹ liền mang cơm và thức ăn cho họ. Mẹ nói: “Mình có cơm mà để người ta đói thì tội lắm!”. Rồi mẹ đi vào cõi vĩnh hằng, gia tài để lại cho các con là tấm gương về tấm lòng nhân ái. Và tôi, từng chút một, truyền lại gia tài đó cho đứa con gái bốn tuổi của tôi. Con bé là con một, lại có tính “giữ của”. Nhưng giờ con tôi đã biết chia sẻ những món đồ chơi của mình với bạn bè. Hình ảnh đó cũng khiến tôi thấy con gái của mình đẹp hơn”.

Loi me dan

Con gái bốn tuổi của chị Phương Trà rất biết chia sẻ

Với chị Thi Anh Đào (Công ty TNHH Tư vấn Ngọc Lục Bảo - Emerald, TP.HCM), là phụ nữ, cần hơn hết là sự bao dung với chính người thân trong gia đình, đặc biệt là chồng. Chị chia sẻ: “Tôi học được điều đó từ lời dặn của mẹ. Khi chưa lập gia đình, tôi từng nghĩ, một người phụ nữ cá tính, tự chủ về mọi thứ thì không nhất thiết phải có bất kỳ “bước lùi” nào đối với chồng. Nhưng thực tế hôn nhân không đơn giản, tôi bắt đầu biết thấm lời mẹ, bao dung với tật xấu của chồng, mở lòng đón nhận những điều không hài lòng về chồng để điều chỉnh trong sự mềm mỏng”.

Là vợ chồng mới cưới, cả hai lại có cá tính mạnh nên hay giận hờn. Thay vì bênh con gái, mẹ tôi lại khuyên: “Giận đến thế nào, thì nếu vẫn còn là vợ chồng, vẫn phải chăm sóc miếng ăn giấc ngủ, quần áo và cuộc sống của nhau hàng ngày. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là yêu thương. Hai đứa cùng nhau gầy dựng sự nghiệp, trải qua bao nhiêu thứ thì chẳng có lý gì vì những chuyện nhỏ nhặt mà lại không nhường nhịn, bảo ban nhau được”.

Loi me dan

Chị Đào học được lòng bao dung từ mẹ

Nhiều lúc, chị Đào nghĩ rằng mình đã đủ khôn lớn để tự quyết mọi chuyện, không cần nghe theo “lý thuyết cũ kỹ” của mẹ nữa. Nhưng rồi chị thừa nhận: “Lời mẹ vẫn là “kim chỉ nam”.

 Nhóm phóng viên Ban Hôn nhân - Gia đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI