Kỹ năng sống cho trẻ: Cho con trải nghiệm “làm chủ” rừng hoang

14/06/2016 - 13:05

PNO - Một chuyến vào rừng luôn thú vị và hấp dẫn trẻ. Các em sẽ học hỏi và khám phá nhiều điều từ thiên nhiên. Nhưng đó không phải là một chuyến nghỉ duỡng nhàn nhã, các em phải vận động nhiều.

Vừa qua, câu chuyện về cậu bé người Nhật bảy tuổi Yamato Tanooka được tìm thấy sau gần một tuần bị lạc trong khu rừng hẻo lánh, nhiệt độ ban đêm có thể xuống tới 7 độ C khiến nhiều người ngạc nhiên. Làm thế nào bé Yamato Tanooka có thể sống sót? Tìm thấy căn lều cũ trong khu vực tập luyện của quân đội, bé Yamato đã biết cách giữ ấm khi chui vào giữa hai tấm nệm, không có thức ăn, bé uống nước từ cái vòi trước cổng, dù nghe thấy tiếng trực thăng trên đầu, nhưng Yamato quyết định ở lại nơi trú ẩn, chờ đội tìm kiếm đến cứu. Chính nhờ những kỹ năng được chỉ dạy, rèn luyện từ nhỏ, Yamato đã giữ được mạng sống.

Dạy cho con em chúng ta kỹ năng sống để trẻ được sống tốt, an toàn là điều cần được quan tâm từ khi con còn nhỏ. Đó là những thói quen hợp lý, cần thiết để ứng phó trong các tình huống cụ thể, giúp trẻ xử lý vấn đề và thoát hiểm.

Một chuyến vào rừng luôn thú vị và hấp dẫn trẻ. Các em sẽ học hỏi và khám phá nhiều điều từ thiên nhiên. Nhưng đó không phải là một chuyến nghỉ duỡng nhàn nhã, các em phải vận động nhiều, đôi lúc đối mặt với những mối nguy hiểm từ thú rừng, côn trùng hay bị chấn thương... các em sẽ ứng phó cách nào trong thời gian chờ người ứng cứu hoặc làm sao để thoát ra? Phụ huynh cần trang bị kỹ năng cho con mình, đương nhiên không chỉ là lí thuyết mà cần cho bé trải nghiệm thực tế bằng những chuyến dã ngoại.

Ky nang song cho tre: Cho con trai nghiem “lam chu” rung hoang
Các bé vui chơi thỏa thích với Thác Mai - rừng Tân Phú nhưng không quên đường về

Bình tĩnh đối mặt

Trước khi tham gia một chương trình dã ngoại hay khám phá thiên nhiên, tất cả chúng ta cần trang bị những vật dụng cần thiết nhưng nhỏ, nhẹ gồm dao đa năng, bật lửa, đèn pin, áo mưa và luôn “đeo dính” chúng trên người. Trong suốt hành trình, bé cần được nhận thức là luôn luôn đi chung với đoàn hoặc nhóm, tránh tách nhóm đi riêng lẻ. Tất nhiên đi lạc là điều không ai mong muốn, nhưng rủi nó xảy ra, thì bé biết cần phải làm gì.

Trước nhất, bé cần biết và phân tích mình bị lạc trong trường hợp nào? Lạc có người biết hay lạc không ai biết? Nếu đi chung đoàn với một nhóm bạn bè, lớp học hay gia đình mà bị lạc, bé hãy bình tĩnh ngồi yên tại chỗ, đợi đoàn đến cứu, càng cố tìm đường thoát sẽ càng đi xa, vào nơi nguy hiểm hơn; sẽ tiêu hao sức lực, năng lượng, dễ chấn thương. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh, trẻ cần cân nhắc giữa việc thụ động chờ đợi với chủ động tìm lối ra. Khi hiện trường đầy rẫy mối nguy thì ngồi yên tại chỗ lại chẳng khác nào quy phục “tử thần”.

So với trường hợp “đi lạc không ai biết, không người tìm kiếm” thì trường hợp “đi lạc có người biết và sẽ tổ chức tìm kiếm” có nhiều cơ hội được cứu và sớm hơn.

Trường hợp đợi lâu, đã qua đêm hay hai, ba ngày sau mà vẫn chưa có người đến kiếm, bé cần bình tĩnh chuẩn bị những phương án đối phó để có thể tồn tại và chờ đợi lâu hơn.

Tìm nguồn nước, thực phẩm, nơi trú ẩn…

Dù nước ta có khí hậu nhiệt đới nhưng lưu trú trong rừng, về đêm, trời mưa bão thì cái lạnh rất đáng sợ, nhất là vùng rừng núi cao. Giữ ấm là một trong những khâu quan trọng của kỹ năng sống sót. Có thể nhịn khát tới ba ngày, nhịn đói tới ba tuần nhưng rét cóng thì khó bảo toàn tính mạng. Các em có thể dựng lều để che chắn gió, mưa và ngăn thú rừng làm hại. Lấy dây rừng cột cây làm khung, trải tấm bạt, ni lông để che mái, trải dưới sàn để chống ẩm là các em có thể “an cư”.

Không có tấm bạt thì dùng tre nứa, dây leo, vỏ cây, lá cây khô, đất mờm (đất ẩm, có rễ cỏ đan vào nhau)… Đốt lửa trước lều giúp sưởi ấm, xua đuổi thú vật nhưng đừng để cháy lan. Các em có thể bẻ quặp một vài cây ở tầm ngang đầu để tán lá cây tạo thành mái nhà. Ở chỗ có nhiều lau sậy, cây cỏ cao, các em nên túm ngọn cỏ cây lại, chui vào khoảng trống bên trong, tuy nhiên việc này cần cẩn trọng kẻo cỏ cây làm đứt tay, gây nhiễm trùng.

Lưu ý, lều nên dựng ở gò đất cao, thoáng. Không dựng ở bụi rậm để tránh nguy cơ rắn rết, côn trùng tấn công; không dựng dưới tàn cây cao (lỡ sét đánh, nhánh cây rơi xuống); không dựng ở lòng suối cạn vì lũ có thể ào đến bất ngờ; tránh nơi gió thốc vào lều… Hang động cũng là nơi trú ngụ khá tốt, nhưng các em không được đốt lửa sưởi ấm vì có thể gây thiếu ôxy và khi mưa, coi chừng hang động biến thành phễu nước.

So với sa mạc, vùng đồng cỏ thì ở rừng mưa nhiệt đới nước ta, nguồn nước không quá hiếm hoi. Khá dễ để các em tìm được suối, thác hay trũng nước. Nếu đem theo ca inox, các em nấu nước uống để bảo đảm an toàn. Nếu không có, các em căng tấm ni lông để hứng nước mưa hoặc chắt những giọt sương đọng trên lá cây to để uống.

Khi lương khô đã cạn, các em buộc lòng tìm đến thực phẩm thiên nhiên để lót dạ. Chỉ nên ăn những cây trái quen thuộc biết chắc chắn là ăn đuợc như: xoài rừng, táo rừng… Nếu quá đói, có thể cắt một mẩu bé xíu trái cây lạ để nếm thử.

Ky nang song cho tre: Cho con trai nghiem “lam chu” rung hoang
Các du khách nhí thử sức leo trèo trên các dây leo - một dạng thực vật đặc trưng của rừng nhiệt đới (rừng Tân Phú - Thác Mai, tỉnh Đồng Nai)

Thấy lưỡi bị tê, ngứa hay cảm nhận vị quá đắng chát thì tuyệt đối không dùng. Nấm khá dễ tìm nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ ngộ độc, nhất là nấm có màu sắc sặc sỡ. Các bé nhanh nhẹn, tháo vát cũng có thể bắt cá ở suối để nướng ăn.

Để đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu như giữ ấm, ăn, uống thì ngọn lửa chính là niềm tin sống còn với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu không mang theo bật lửa, đừng quá lo lắng, các em vẫn tự tạo lửa được. Có cục pin và miếng giấy bạc, các em cắt giấy theo hình chữ nhật với chiều dài hơn chiều dài cục pin đôi chút. Kẹp hai đầu tờ giấy bạc vào hai cực âm - dương của cục pin, mặt giấy bạc sẽ dẫn điện, nóng lên, bốc cháy mặt giấy kia, chỉ cần dùng khăn giấy hoặc lá khô để mồi lửa.

Dựa trên nguyên tắc thấu kính hội tụ ánh sáng mặt trời cũng có thể tạo lửa. Đặt thấu kính (là một kính lúp, cái gương, chai nước hay một bọc ni lông chứa nước căng tròn…) sao cho mặt trời chiếu thẳng xuống, ánh sáng xuyên qua hội tụ lại, lửa bén vào vật gây cháy được đặt sẵn cạnh thấu kính. Nếu về đêm hoặc trời mưa, âm u, không ánh nắng thì áp dụng phương pháp cọ xát hai cục đá hay cọ xát hai que gỗ khô vào nhau liên tục đến khi thanh gỗ bốc cháy.

“Cho tôi một vé… rời rừng!”

Trường hợp vì một lý do nào đó bé bị lạc mà không ai biết để tổ chức tìm kiếm thì những kiến thức sau sẽ rất bổ ích. Trước khi vào rừng, bé cần được người lớn dặn dò cửa rừng ở hướng nào để khi lạc, bé xác định lối ra, thay vì lạc sâu hơn.

Nếu không có la bàn, thiết bị định vị vệ tinh, vẫn có nhiều cách xác định phương hướng: bằng đồng hồ - que tăm - mặt trời, gậy - mặt trời, bằng mặt trăng, sao Bắc Đẩu… Đơn giản nhất để trẻ có thể hiểu, đồng thời tận dụng lợi thế vùng nhiệt đới là xác định dựa vào mặt trời. Nếu tay phải các em dang ra, chỉ về hướng mặt trời mọc (hướng Đông) còn tay trái chỉ về hướng mặt trời lặn (hướng Tây) thì hướng ta nhìn chính là hướng Bắc, sau lưng là hướng Nam. Cũng có thể xác định bằng gió.

Nước ta nằm trong vùng châu Á gió mùa, từ tháng 10 năm này cho đến tháng Tư năm sau, có gió mùa Đông Bắc (thổi từ hướng Đông Bắc sang Tây Nam). Từ tháng Năm đến tháng 10, có gió mùa Tây Nam thổi hướng Tây Nam - Đông Bắc. Các em có thể xác định hướng gió thổi bằng cách nhìn lên ngọn cây, ngọn cỏ, mảnh vải phất phơ hoặc dải cát, lá khô xem gió cuốn về đâu. Nhìn rêu mốc, địa y bám trên thân cây cũng thêm một tiêu chí để phỏng định. Theo đó, hướng Bắc vốn không được mặt trời đi qua nên ẩm ướt hơn, rêu mốc sinh sôi nhiều hơn.

Trường hợp các em không thể xác định hướng Đông Tây Nam Bắc gì cả, có thể lắng tai nghe ngóng tiếng còi xe, tàu văng vẳng; leo lên cây cao quan sát, có thể xác định nơi đâu là sông biển, bản làng, đô thị (ánh đèn điện sáng hắt lên trời như vầng hào quang). Nếu vẫn mù tịt, các em men theo dòng suối, đi về phía hạ nguồn, mọi dòng suối đều chảy về sông mà ven sông thường có làng chài.

Những con đường mòn mang trong lòng nó bí mật gì? Rẽ hướng nào thì đưa đến khu dân cư, hướng nào đưa vào “thâm sơn cùng cốc”? Một chi tiết giúp ích cho việc phán đoán là các em nhìn nhánh rẽ của đường mòn, nếu từ nơi em đứng nhìn về ngã ba, có hai ngả đường hợp lại thành hình chữ V thì đó thường dẫn vào rừng sâu, nếu tạo thành hình chữ V ngược thì đó thường là dẫn ra khu dân cư, nên tiến thẳng về phía trước.

Càng tạo nhiều tín hiệu nhận biết, càng đưa lại cơ hội được tìm thấy hơn cho các em. Tín hiệu ấy có thể là làn khói bay lên từ lều tạm, tấm vải màu, nón, quần áo được treo lên cao thu hút chú ý của trực thăng cứu hộ. Hoặc tuýt còi, kêu cứu, gõ vào thân cây rỗng, đốt cây tre cho phát nổ. Nếu không có vật gì để rắc, làm dấu, hãy cột dây vào cây ven đường, bẻ nhánh cây hoặc xếp cành củi, đá sỏi thành hình theo một quy ước cố định dọc đường. Dấu hiệu ấy giúp các em nhận biết con đường mình đã qua và đội cứu hộ cũng khoanh vùng được cự ly tìm kiếm.

Tô Diệu Hiền (ghi)

(Thông tin bài viết được tham khảo và tư vấn bởi chị Bùi Minh Nguyệt, Phó giám đốc Công ty Du lịch hoang dã - WILDTOUR, http://www.vietnamwildtour. com cùng nhóm hướng dẫn viên). 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI