Không còn ngập ngừng bước đến tương lai

22/07/2015 - 10:39

PNO - PN - “Em mong thuốc chữa trị đến được với mọi bệnh nhân, kể cả người nghèo nhất. Nếu giá thuốc không quá đắt đỏ, khan hiếm thì giờ em vẫn còn có mẹ. Em muốn thế giới này đừng bao giờ có đứa bé nào như em, phải lìa xa mẹ”. Đó là ước mơ chắt ra từ nước mắt của em Phan Thị Ánh Tuyết (đường Tôn Thất Thuyết, P.15, Q.4, TP.HCM). Lúc Tuyết mới hai tuổi, mẹ em qua đời vì bệnh ung thư. “Bác sĩ mới trả kết quả khám bệnh, mẹ đã giục cha về vì lịch trình điều trị dai dẳng mà nhà mình lại không có tiền”, lời cha kể cứa vào tim, khiến Tuyết nuôi ước mơ trở thành bác sĩ hoặc nhà nghiên cứu, bào chế thuốc.

Khát khao tình mẹ của Tuyết chỉ từ những điều đơn giản mà không phải đứa trẻ nào đang sống trong vòng tay mẹ cũng biết quý trọng. Chỉ là thèm được ăn cơm mẹ nấu, được mẹ đón đưa, ôm hôn khi tan trường, hay chỉ là được nhìn thấy mẹ. Giằng co trong người cha, anh Phan Minh Hoài là ý muốn con đừng quyến luyến, sẽ càng nặng lòng, đồng thời cũng muốn tạo điều kiện để con “làm quen” với mẹ, kết nối sợi dây máu mủ đứt đoạn bởi nghịch cảnh.

Cha thường lục lại bộ ảnh cũ cho con xem các giai đoạn từ cha mẹ quen biết, cưới nhau, sinh con, cả nhà cùng đi chơi, tắm biển. Nghèo khó nên mẹ Tuyết (làm nghề thợ may) luôn tận dụng vải thừa của khách để ráp tã lót, quần áo cho con gái bé bỏng, thành ra đồ thì ít mà lại đủ thứ màu. Cha định bán chiếc xe sau khi đã chạy vạy mượn tiền khắp nơi để chữa trị cho mẹ bằng thuốc Nam, mẹ ngăn lại, khóc: “Anh chạy xe ôm, bán xe rồi thì lấy gì nuôi con?”. Chiếc xe ở lại, chỉ một tháng sau, mẹ Tuyết ra đi…

Khong con ngap ngung buoc den tuong lai

Ánh Tuyết chăm sóc bà nội già yếu

Nghề xe ôm dần khó kiếm tiền, cha Tuyết chuyển sang mua bán phế liệu. Từ chiếc xe đẩy ve chai, người cha mua cho con những bộ sách giáo khoa, sách nâng cao cùng những quyển truyện. Bàn, tủ, kệ trong góc học tập nhỏ hẹp của Tuyết cũng được cha góp nhặt, lắp ráp từ những vật dụng “cũ người mới ta”. Với Tuyết, vậy là đã tốt, hơn trước đây ngồi học bên giường bà nội bị liệt, bên người cô bệnh tâm thần ngơ ngẩn nói cười và mười mấy người trong đại gia đình vào ra ồn ã.

Tuổi mới lớn ưa học đòi, so sánh, chạnh lòng, nhưng Tuyết vẫn vui với hoàn cảnh hiện tại. Em hồn nhiên bảo: “Em xài toàn “hàng tuyển” từ xe đẩy ve chai, nhưng bạn bè không cười nhạo. Mà dù bạn có cười em cũng mặc kệ. Cha đã cực khổ quá rồi, em còn đòi hỏi gì thêm nữa”. Mẹ mất, cha ngược xuôi mưu sinh trong từng con hẻm từ sáng sớm đến tối mịt, Tuyết sớm tự lập trong việc học bài, dậy sớm, khi đi bộ, lúc đạp xe đến trường. Đặt mục tiêu vào lớp 10 Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) ở năm học này, em đã “lấy trớn” từ lớp 7. Và giờ lại tiếp tục “lấy trớn” để vào ngành y khi lên trung cấp, đại học.

Ở cấp học mới, đồng hành với em vẫn là bộ sách cũ. Riêng bộ áo dài, cha em đang cố gắng kiếm tiền, dành dụm để mua mới cho con gái. Chiếc áo dài trắng muốt, nụ cười hớn hở của con ở ngôi trường cấp III khiến người cha đi sớm hơn, về muộn hơn.

Chín năm liền Tuyết đạt danh hiệu học sinh giỏi, lần thứ năm liên tiếp em nhận học bổng của báo Phụ Nữ. Bước chân đến tương lai của Tuyết không còn ngập ngừng, vì luôn có cha bên cạnh nâng đỡ, vì có những vòng tay nhân ái dang rộng tiếp sức.

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI