Gia đình: Nơi “nguy hiểm” đối với phụ nữ Ấn Độ

04/11/2014 - 11:17

PNO - PN - Cứ mỗi năm phút, một vụ bạo lực gia đình lại được báo cáo tại Ấn Độ. Nạn nhân hầu hết là phụ nữ và kẻ gây họa không ai khác ngoài chồng hoặc người thân trong gia đình họ.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Chồng tôi bước vào phòng, khóa cửa. Anh ta mở nhạc to tới mức bên ngoài không ai có thể nghe thấy. Thế rồi anh ta tháo dây thắt lưng và bắt đầu đánh tôi. Trận đòn kéo dài 30 phút”, Aditi, một nạn nhân, kể với phóng viên BBC. “Vừa đánh, anh ta vừa cấm tôi không được khóc, không được la, không được gây ra tiếng động, vì nếu tôi làm thế, anh ta càng đánh tôi mạnh hơn”. Không thể ngờ, những trận “đòn thù” này bắt đầu xảy ra chỉ một năm sau đám cưới hoành tráng của Aditi.

Câu chuyện hôn nhân đầy nước mắt của Aditi như nỗi uất nghẹn trong lòng cô giờ mới được tuôn trào. “Trước khi cưới, anh ta tỏ ra là người đáng mến và thân thiện. Nhưng điều đó nhanh chóng thay đổi. Anh ta dần trở nên thiếu quan tâm và bắt đầu mắng mỏ tôi. Cha tôi cũng luôn hành hạ mẹ, nên tôi cho rằng đó là một phần của cuộc sống. Nhưng mọi việc ngày càng tệ hơn…” - Aditi nói trong nước mắt. Aditi đã sống trong địa ngục mà cô gọi là “nhà” suốt sáu năm, cho đến tháng 4/2012, cô phải trốn thoát nhờ sự giúp đỡ của bạn bè.

Gia dinh: Noi “nguy hiem” doi voi phu nu An Do

Hậu quả của bạo lực gia đình in hằn trên gương mặt người phụ nữ này - Ảnh: Mark Tuschman

Trường hợp của Aditi không phải là cá biệt tại Ấn Độ. Kể từ sau vụ một sinh viên bị cưỡng hiếp và sát hại trên xe buýt tại Delhi tháng 12/2012, nạn cưỡng hiếp đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Nhưng số liệu báo cáo lại chỉ ra rằng, bạo lực gia đình chính là hình thức bạo lực đối với phụ nữ được ghi nhận nhiều nhất tại nước này trong vòng 10 năm qua, và con số này tăng lên hàng năm. Đáng chú ý, những khu vực phụ nữ có trình độ học vấn cao và dư luận xã hội mạnh mẽ thì số vụ bạo hành được ghi nhận nhiều hơn. Điều tương tự cũng xảy ra ở những nơi mà cảnh sát và các nhóm nữ quyền hoạt động tích cực. Varsha Sharma, một quan chức của Cục Phòng chống tội phạm đối với phụ nữ thuộc lực lượng cảnh sát Ấn Độ đánh giá, các số liệu tăng lên này cho thấy, phụ nữ bắt đầu từ chối việc im lặng và chịu đựng. Từ 50.703 vụ năm 2003, số vụ việc được báo cáo đã tăng lên 118.886 vụ năm 2013.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vụ không được báo cáo. Luật sư Monika Joshi, người làm việc trong nhóm vận động nữ quyền Maitri cho biết: “Cứ mỗi phụ nữ lên tiếng thì cũng có ít nhất một người im lặng. Hầu hết phụ nữ không dám nói với người khác về việc mình bị chồng đánh đập. Họ không muốn thừa nhận là nạn nhân của bạo hành hay kể với mọi người về những điều xảy ra trong gia đình mình”.

Sunita cũng là một nạn nhân như Aditi. Mặc dù không phụ thuộc về tài chính, cô vẫn chấp nhận chịu đựng những trận đòn của chồng ngay sau khi cưới được ba ngày vì theo cô, “ở đất nước này, phụ nữ sẽ bị chê cười nếu cô ta ly hôn hoặc tái hôn. Mọi người sẽ khinh bỉ họ”. Nhưng “già néo, đứt dây”, bốn tháng sau đám cưới, Sunita đành phải bỏ về nhà cha mẹ đẻ.

Gia dinh: Noi “nguy hiem” doi voi phu nu An Do

Một nạn nhân nữa của bạo lực gia đình ở Ấn Độ - Ảnh: Mark Tuschman

Gia dinh: Noi “nguy hiem” doi voi phu nu An Do

Biểu tình chống bạo lực gia đình tại Ấn Độ - Ảnh: The Hindu

Bạo lực gia đình có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng điều đặc biệt ở đây là thói quen im lặng của phụ nữ Ấn Độ. Khi Sunita gọi cho bạn để xin lời khuyên, bạn cô đã nói: “Hãy để anh ta giết cậu. Nếu tôi là cậu, tôi thà chết chứ không thể bỏ chồng”. Còn mẹ của Aditi thì khuyên con gái nên chịu đựng để giữ gìn hôn nhân.

Theo một khảo sát của chính phủ, hơn 54% đàn ông và 51% phụ nữ Ấn Độ cho rằng, một người chồng có quyền đánh vợ nếu cô ta thiếu tôn trọng cha mẹ chồng, bỏ bê nhà cửa và con cái, hoặc thậm chí đơn giản chỉ vì “bỏ muối quá nhiều hoặc quá ít trong thức ăn”.

Luật sư Joshi cho biết: “Hầu hết mọi người đều nói rằng chồng cô đánh vợ, nhưng anh ta cũng yêu thương cô. Hoặc giả vì cô có lỗi nên anh ta có quyền đánh. Ngay cả những người hòa giải cũng khuyên phụ nữ nên nhường nhịn và hy sinh, sao không ai khuyên đàn ông điều đó?”. Điều này, theo bà, là do truyền thống gia trưởng trong một xã hội luôn xem thường phụ nữ. Một khi chưa có sự bình đẳng hoàn toàn, thì gia đình vẫn là nơi “nguy hiểm” đối với phụ nữ Ấn Độ.

 DƯƠNG BÍCH LIÊN (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI