Bữa cơm mẹ nấu

28/06/2015 - 16:12

PNO - PN - Sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật, nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi nói mình may mắn khi chuyện nghề luôn được cả nhà chia sẻ. Những năm đi học xa nhà, chị nhớ không khí đầm ấm của gia đình, nhớ những lần cô con gái nhỏ trêu đùa bố mẹ và nhớ nhất những bữa cơm gia đình. Nơi xứ người, thảng hoặc nghe nhà hàng xóm xào xào nấu nấu, nghe mùi thơm thức ăn là rưng rưng nhớ những bữa cơm ở nhà.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bây giờ, anh trai có gia đình và không sống ở Việt Nam, chỉ có Thùy Chi sống cùng bố mẹ, nên hôm nào chị cũng về nhà ăn cơm. Buổi trưa, Thùy Chi cùng bố mẹ ăn cơm chung với bà nội. Buổi chiều mẹ chuẩn bị cơm, đợi bố đánh bóng bàn về cả nhà ăn xong, hai mẹ con đi dạy. Đã thành thói quen, trưa nào không về bà nội lại hỏi “Con bé Chi đâu?”, chị thấy áy náy vì đã để bà trông. Thùy Chi nói rằng, công việc rất bận nên chỉ có giờ cơm là lúc chị chia sẻ được với bố mẹ nhiều nhất, chuyện công việc, cuộc sống, bạn bè. Thùy Chi thấy mình cần nói chuyện, cần chia sẻ với bố mẹ. Chị thương những bữa cơm đơn giản với rau luộc, thịt luộc, đậu hủ của nhà mình vì tối nào mẹ cũng không quên hỏi ngày mai con muốn ăn gì. Ăn ở ngoài ai nêm tình cảm đó vào món ăn cho mình!

Bũa com mẹ náu

Sống ở Sài Gòn đã lâu nhưng gia đình Thùy Chi vẫn nấu ăn kiểu Bắc mà theo chị thì “thường ăn đồ luộc thanh thanh kiểu người Bắc”. Thùy Chi thích những bữa cơm thanh đạm của mẹ, luôn có cảm giác hãnh diện muốn khoe tài năng nấu ăn của mẹ. Mỗi khi nhà có khách hay bạn bè rủ ăn trưa, Thùy Chi thích mời họ về nhà ăn cơm cùng gia đình mình. 12 tuổi phải xa gia đình, 15 năm học ở xứ người, ăn cơm cùng bạn bè nhiều hơn ăn cơm cùng bố mẹ, nên Thùy Chi luôn thấy bữa cơm gia đình quan trọng và đáng quý.

Khi còn học ở Trung Quốc, mỗi khi bố sang thăm hay đón con gái về, được ăn cơm cùng bố Thùy Chi rất thích. Chị kể: “Lúc đó, bố làm thay vai trò của mẹ. Sáng nào bố cũng hỏi con muốn ăn gì rồi đi mua, sắp sẵn chờ tôi học về ăn. Những bữa ăn cùng bố chỉ là cơm hộp chế biến sẵn, nhưng ngon hơn hẳn so với khi ăn một mình”. Những lúc ăn cơm cùng nhau như vậy, cô con gái rưng rưng vì thấy, lẽ ra mình phải là người chăm sóc cho bố, phải nấu cho bố ăn nhưng lại để bố lo ngược lại cho mình từng chút. Còn bố thì thương con gái phải sống xa nhà, ăn uống vất vả.

Khi chuẩn bị bữa ăn hay trong bữa cơm là lúc các thành viên trong gia đình dành tình cảm và sự chăm sóc cho nhau nhiều nhất. Ai đi chợ cũng sẽ nhớ mua món mà các thành viên trong nhà thích hơn là món bản thân mình thích. Một gia đình có hạnh phúc hay không thể hiện ngay trong bữa ăn. Một bữa cơm cả nhà vui vẻ, nhẹ nhàng, chuyện trò rôm rả thì dù ăn món gì thấy cũng ngon.

Còn ngược lại, gia đình lục đục, bữa ăn sẽ rất nặng nề dù có là cao lương mỹ vị. Thùy Chi luôn thích được nói chuyện trong những bữa cơm, được đùa giỡn hay nhõng nhẽo với bố mẹ. Chị cho biết: “Bố mẹ tôi đã lớn tuổi nên mỗi sáng không nghe bố tập đàn, không thấy mẹ chuẩn bị đi chợ, tôi lại thấy lo vì sợ sức khỏe của bố mẹ hôm đó không tốt”. Được ăn cơm mẹ nấu, được thấy bố mẹ khỏe mạnh và vui vẻ ngồi ăn cơm chung, Thùy Chi thấy mình thật hạnh phúc.

 LÂM HẠNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI