Bí quyết trị chứng sổ mũi cho trẻ bằng nước gạo tẻ và gừng rang của bà mẹ 8x

16/11/2016 - 11:30

PNO - Nhờ sử dụng hỗn hợp nước gạo tẻ và gừng rang mà chị Trần Thái đã bớt lo lắng hơn mỗi khi con bị sổ mũi.

Chảy nước mũi hay sổ mũi là hiện tượng thường gặp và phổ biến ở mọi độ tuổi, nhiều khi chỉ cần thay đổi thời tiết ta cũng có hiện tượng chảy nước mũi. Nếu không điều trị kịp thời thì tình trạng này sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt, gây khó chịu và mệt mỏi cho người bệnh. Nhất là trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu, thì tình trạng sổ mũi thường xuyên xảy ra.

Nhờ học hỏi từ những người ăn theo phương pháp thực dưỡng: Ăn chữa bệnh, mà chị Trần Thị Thái (1985) ở Quảng Ninh đã tìm ra mẹo hay để trị chứng sổ mũi cho con mình.

Bi quyet tri chung so mui cho tre bang nuoc gao te va gung rang cua ba me 8x
Ảnh minh họa.

Chị cho biết: “Mình bắt đầu sử dụng hỗn hợp nước gạo tẻ cùng gừng rang lên cho bé uống khi bé bị sổ mũi, thời điểm đó, bé được hơn 1 tuổi. Sau khi thấy con sử dụng hiệu quả và nhanh chóng hết sổ mũi, mình chia sẻ phương pháp này cho mấy chị bạn có con nhỏ hơn, và các bé đều đã khỏi. Mình cho con uống khi nào thấy khỏi thì dừng lại. Khi mình thấy con vừa cảm và sổ mũi thì dùng luôn, bình thường 1 ngày là khỏi. Còn nếu nặng 2 đến 3 ngày sử dụng liên tục là khỏi.

Bé nhà mình hôm vừa rồi trời trở rét hơn. Đi học lớp 1 nô nghịch, về vã mồ hôi như tắm, mũi chảy ròng toàn nước, giọng thấy nặng nặng. Thấy con có biểu hiện và triệu chứng vậy nên tối mình đun cho con uống luôn. Sáng hôm sau đun cho vào bình bảo con nhớ uống hết trong buổi sáng. Không nên để sang chiều, vì không tốt và mình sợ nước sẽ thiu. Đến chiều tối mình đón con về đã thấy con khỏe mạnh bình thường”.

Bi quyet tri chung so mui cho tre bang nuoc gao te va gung rang cua ba me 8x
Chị Trần Thị Thái chia sẻ bí quyết trị sổ mũi của mình

Các mẹ có con bị sổ mũi có thể làm cách này để giảm thiếu việc phải dùng kháng sinh lại hiệu quả, chị Tình chia sẻ:

Rang gạo tẻ 1 bát con ăn cơm và đập nát, băm nhỏ 1 củ gừng vào rang cùng, khi nào vàng sậm thì bỏ ra để nguội cho vào lọ dùng dần. Mỗi lần con bị sổ mũi chỉ cần lấy 2 nắm cho 3 bát con nước, đun khi nào còn 1 bát rưỡi thì chắt hết bã ra, để nước trong nồi, cho mấy hạt muối trắng vào. Nước gạo đã đun dùng cho con uống thay nước trong ngày rất hiệu quả. Nhẹ 1 ngày khỏi cảm, sổ mũi, nếu nặng hơn thì khoảng hai ngày sẽ hết”

Chị cũng đưa ra một số lưu ý khi sử dụng phương pháp này:

Với 1 bát gạo nên cho 1 củ gừng bằng 1 đốt ngón tay trỏ. Trẻ 4 tháng trở ra là dùng được rồi nhưng càng ít tháng lượng gừng phải giảm đi nhưng bắt buộc phải có gừng. Khi uống phải đun nóng lại. Uống lúc còn ấm, uống xong tránh ra gió càng tốt.

Bi quyet tri chung so mui cho tre bang nuoc gao te va gung rang cua ba me 8x

Gạo tẻ được sử dụng trong bài thuốc này
Bi quyet tri chung so mui cho tre bang nuoc gao te va gung rang cua ba me 8x
Gạo được rang lên cho đến khi có màu vàng sậm (ảnh minh họa)

Nguyên tắc là phải uống hỗn hợp này thay nước. Để vị gừng đủ sức làm tan cảm lạnh trong cơ thể. Uống nhiều gừng một lúc ảnh hưởng dạ dày đường ruột nên cần phải uống loãng và phải kết hợp với gạo rang và muối thải độc, bù nước, chú ý là uống lúc nào đun lại nóng lúc ấy. Vừa uống vừa thổi vừa trùm chăn tốt hơn nhưng chỉ người lớn mới uống nóng và trùm chăn được. Còn trẻ nhỏ uống ấm và tránh ra gió, vì khi mồ hôi toát ra mà ra gió lại càng cảm.

Bi quyet tri chung so mui cho tre bang nuoc gao te va gung rang cua ba me 8x
Gừng băm nhỏ rang lên cùng gạo (ảnh minh họa)

Đối với người lớn khi bắt đầu bị cảm, sổ mũi dùng luôn rất có hiệu quả. Nếu sốt thì vẫn phải uống kháng sinh chữa viêm, còn chảy nước mũi thì các bạn có thể dùng cách này bình thường.

“Đây là cách mà mình đã áp dụng cho bản thân và cho con, cũng như những người quen khi bị cảm, sổ mũi. Mình thấy thực sự hiệu quả nên muốn chia sẻ cho các mẹ, tất nhiên đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân và mỗi người khi sử dụng sẽ có tác dụng nhanh, chậm khác nhau. Mình hi vọng những chia sẻ của mình sẽ hữu ích cho mọi người", chị Thái nói.

Khi được hỏi về bài thuốc này, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết: “Gừng là gia vị dùng phổ biến trong bữa ăn và cũng là một vị thuốc được sử dụng rất nhiều trong y học cổ truyền, gừng có tên khoa học là Zingiber Officinale, trong đông y gọi là khương. Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc.Trong hầu hết các thang thuốc Đông y, dù bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, các thầy thuốc vẫn thường dùng từ 3 đến 5 lát gừng sống.Với những người bị cảm lạnh có thể uống trà gừng hoặc nấu nước xông cho gừng vào để xong trừ gió độc. Gừng tươi có vị cay nóng, tác dụng tăng lưu thông đường thở và giảm chất nhầy ở mũi. Chính vì vậy, việc sử dụng gạo tẻ và gừng rang làm nước uống trị sổ mũi rất tốt. Làm như vậy có thể làm ngừng hoạt động chảy nước mũi nhanh chóng và đặc biệt sử dụng gạo tẻ và gừng khá an toàn, không có tác dụng phụ nên người lớn, trẻ nhỏ đều có thể sử dụng”.

Nhật Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI