Mất thừa kế vì kết quả xét nghiệm ADN

29/04/2016 - 11:27

PNO - “Tôi muốn khởi kiện đòi lại phần tài sản thừa kế của mình và con có được không? Liệu thằng bé có được pháp luật công nhận là con của chồng tôi?

Chồng đột ngột qua đời, để lại cho chị Mai Ngọc Ánh (H. Bình Chánh, TP. HCM) và con trai một căn nhà, chiếc xe hơi tổng trị giá ba tỷ đồng. Thế nhưng, số tài sản này đã bị nhà chồng chiếm giữ vì kết quả xét nghiệm ADN của đứa trẻ không trùng khớp với người cha.

Lời "tố cáo" từ kết quả xét nghiệm

Cầm tờ đơn trên tay, chị Ngọc Ánh do dự: “Tôi muốn khởi kiện đòi lại phần tài sản thừa kế của mình và con có được không? Liệu thằng bé có được pháp luật công nhận là con của chồng tôi? Không phải con ruột thì cũng là con nuôi mà”. Hỏi về kết quả xét nghiệm ADN, chị lặng lẽ gật đầu, nhưng khẳng định mình không lừa dối chồng. Cắn môi để không bật ra tiếng khóc, chị chậm rãi kể nỗi đau mình.

Vợ chồng chị sống với nhau hơn bảy năm trời không có con. Anh Đức, chồng chị, lại là con trai trưởng nên nhà chồng rất sốt ruột, thậm chí nghi ngờ chị vô sinh, xúi anh bỏ vợ. Chỉ có hai vợ chồng biết rõ nguyên nhân thật sự là từ anh, cả hai đã chạy chữa khắp nơi không có kết quả. Anh Đức buồn chán, từng đòi ly hôn để giải thoát cho vợ vì không muốn chị phải thiệt thòi. Chị Ánh không đồng ý ly hôn, anh cố tình lạnh nhạt, xua đuổi nhưng chỉ khiến chị thêm yêu thương chồng.

Cuối cùng, anh bàn với chị xin tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm. Dù không muốn nhưng nghĩ đến nỗi khát khao có cháu ẵm bồng của ba mẹ chồng, chị Ánh gật đầu chấp nhận. Trong lúc chờ đợi mẫu tinh trùng, tình cờ vợ chồng chị gặp một cô gái lầm lỡ mang thai bị bạn trai ruồng bỏ. Sau khi thỏa thuận với cô gái, hai người quyết định cưu mang cô để được nuôi đứa bé. Sợ gia đình phản đối, lại sợ đứa trẻ lớn lên bị họ hàng hắt hủi nên anh Đức khuyên vợ giả vờ mang thai để “qua mặt” gia đình.

Mat thua ke vi ket qua xet nghiem ADN
Ảnh mang tính minh họa

Nghe chị có thai, nhà chồng ai cũng vui mừng, nhưng đứa trẻ sinh ra hoàn toàn không có nét gì giống cha, khiến mọi người nghi ngờ. Hai năm trước, bất ngờ anh Đức bị tai nạn qua đời, lúc này con trai đã được tám tuổi. Sau cái chết của anh, chị gái anh Đức âm thầm đưa cháu đi xét nghiệm. Kết quả ADN không trùng khớp nên mọi người cho là chị đã ngoại tình, lừa dối chồng và gia đình chồng, nên đuổi thẳng hai mẹ con ra khỏi nhà và chiếm giữ toàn bộ tài sản của hai vợ chồng.

Con nuôi hay con ruột?

Ngày bị nhà chồng đuổi đi, nỗi đau mất chồng chưa nguôi lại thêm nỗi nhục “ngoại tình”, chị Ánh tuyệt vọng lẳng lặng tìm đến cái chết, may mà gia đình phát hiện kịp. Chị bảo, lúc đó chị không muốn nói ra sự thật vì sợ sẽ làm tổn thương con. Thời gian qua, vì không chịu nổi cảnh ba mẹ mình buồn phiền, xấu hổ nên chị quyết định giải oan cho mình. Chị tìm gặp mẹ chồng, kể lại mọi chuyện mong bà hiểu, vì thực tâm chị không muốn khởi kiện. Thế nhưng, không một ai tin, lại còn nhục mạ chị. Không còn lựa chọn nào khác, chị nhờ luật sư tư vấn, khởi kiện.

Về mẹ ruột của đứa trẻ, chị Ánh cho biết, hiện cô ấy đã có một gia đình êm ấm, chị không muốn khuấy động cuộc sống đó, nên không thể gọi cô ta đến làm chứng cho mình. Chị Ánh nghẹn ngào: “Mười năm chăm sóc con, tôi thương nó như con ruột. Khi còn sống, chồng tôi cũng rất thương yêu nó. Vì vậy, tôi không muốn làm buồn con mình thêm nữa”.

Theo chị, tuy không phải máu mủ nhưng đứa bé là con mà vợ chồng chị đã nhận nuôi, xét về mặt pháp luật thì con nuôi vẫn được hưởng thừa kế như con ruột, chị mong pháp luật bảo vệ quyền lợi cho con mình. Mặt khác, tài sản đó là của vợ chồng chị cùng tạo dựng, không thể lấy cớ chị lừa dối chồng mà nhà chồng chiếm đoạt hết tất cả.

Con nuôi hợp pháp mới được hưởng thừa kế

Căn cứ theo quy định tại điều 676, Bộ luật Dân sự, khi người chồng chết thì con đẻ hoặc con nuôi của người chồng này đều được hưởng thừa kế theo pháp luật phần di sản thừa kế của người chồng. Tuy nhiên, nếu là con nuôi thì phải là con nuôi hợp pháp, tức là khi còn sống người chồng này có tiến hành nộp hồ sơ đăng ký nhận nuôi con nuôi tại UBND xã, phường và đã được chấp nhận đúng theo quy định tại điều 22 của Luật Nuôi con nuôi.

Nếu cả hai vợ chồng tự ý nhận con sinh ra của một người khác để nuôi mà không làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi đúng quy định, thì đứa con này không được xem là con nuôi hợp pháp về mặt pháp lý của vợ chồng. Do đó, trong trường hợp của chị Ánh, đứa con sẽ không được hưởng thừa kế theo pháp luật khi chồng chị chết.

Luật sư Trần Thị Ngọc nữ (Trưởng văn phòng luật sư Trí Việt - Đoàn Luật sư TP.HCM)

Bội Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI