Má đừng làm vậy, ba buồn

22/02/2017 - 15:44

PNO - Tôi chưa từng nghe ba cãi má. Những khi má to tiếng, ba chỉ thở dài rồi lẳng lặng ra chỗ khác.

Vợ chồng tôi về thăm nhà. Thằng Út mới cưới vợ được ba tháng. Em dâu trổ tài vén khéo, nấu mấy món rất ngon. Ba má tôi cực khổ đã nhiều, giờ có được dâu út đảm đang, tôi cũng mừng.

Ba tôi hắng giọng, nghiêm trang: “Sẵn đủ mặt cả nhà, tôi có việc muốn nói. Tôi muốn… ly hôn bà. Bấy lâu tôi sống vì bà, vì các con. Giờ chị em nó đều tự lo được, tôi không còn vướng bận gì nữa. Tôi muốn có cuộc sống của riêng tôi”. Giọng ba đều đều mà cả nhà nghe như sấm nổ giữa trời quang. Tôi bàng hoàng, nhìn ba rồi nhìn sang má, cố đọc câu trả lời. Sau lúc sững sờ, má tỏ ra rất bình tĩnh: “Tuyên án thì cũng phải có lý do. Ông có lý do gì? Hay là… đã quen được bà nào?”.

Ma dung lam vay, ba buon
 

Ba tôi nhăn mặt: “Tôi nói rất rõ rồi. Tôi muốn được tự do, không phải nhìn sắc mặt của bà để nương theo như trước giờ”. Má không dằn được, cay đắng: “Ông muốn sao, cứ việc. Ra khỏi nhà này, xem thử ông làm cách gì để sống”. Ba tôi chặn lời má: “Cũng vì bà luôn xem thường tôi, không coi tôi là chồng nên mới có cớ sự hôm nay”. Tôi nhào lại ôm ba: “Ba ơi đừng làm vậy”. Ba vuốt tóc tôi, giọng như nghẹn lại: “Ba cũng không muốn vậy đâu con”. Thằng Út quýnh quáng, níu tay má van nài: “Má đừng giận ba, đừng để ba đi”… Tay tôi ôm ba, run bần bật. Lẽ nào từ nay tôi không giữ ba được nữa. Tôi nghe như có tiếng nứt vỡ đâu đó, và từng mảnh vụn đang rơi ra, không có cách gì ngăn lại…

Năm tôi học lớp 12 thì ba bị mất việc. Suốt mấy tháng, ba chạy khắp nơi tìm việc mới. Nhưng đi đến đâu, ba cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Một bữa, tôi đi học về, thấy có mấy công nhân đang lắp ráp kệ hàng. Khắp nhà, chất đầy thùng to, thùng nhỏ. Má nói sẽ mở cửa hàng bán văn phòng phẩm để ba trông coi. Ba giãy nảy: “Đàn ông mà mua bán cái gì. Thà tôi chạy xe ôm hoặc làm bảo vệ”. Má nói ba khỏi lo, hàng hóa má sẽ ghi sẵn giá tiền. Má cũng đã đi chào hàng khắp các cơ quan lân cận. Tóm lại, ba chỉ việc ngồi nhà đếm tiền. Ba thở hắt, má mày tiền trảm hậu tấu thì còn bàn cãi gì nữa.

Việc không dễ như má nghĩ. Cả ngày, chỉ có một hai đứa trẻ hỏi mua cây viết, hộp màu. Có ngày, ba chỉ toàn ngồi ngáp ruồi. Má không nản, nói ai mới ra làm ăn cũng vậy. Bữa có ông khách tới hỏi mua số lượng lớn bút bi và giấy A.0, A.4, Roki… Ba lớ ngớ, lục tung kệ hàng từ dưới lên trên. Ba không phân biệt được các loại giấy nên thứ nào không biết, ba nói không có bán.

Má về, suýt khóc vì giận. Mấy cơ quan lớn, má năn nỉ gãy lưỡi, hứa chia hoa hồng người ta mới hứa sẽ ủng hộ. Ba chỉ một câu “không có” thì phủi sạch công sức của má. Ba giả lả, “thôi, để tui chịu khó học lại từ đầu”. Sau này, có đơn hàng nhiều, má phải chạy về trông coi, hoặc hẹn giao hàng tận nơi. Bù đầu giữa việc nhà và việc cơ quan nên má căng như dây đàn. Má hay than, “ba mày giỏi như người ta thì má đâu cực dữ vậy”.

Với tôi, má giỏi như siêu nhân, khó khăn gì cũng giải quyết gọn hơ. Vậy mà không hiểu sao tôi vẫn thương ba nhiều hơn. Tôi thương cái cách ba cười giả lả mỗi khi má cáu giận. Thương dáng ba lầm lũi đóng lại kệ hàng, oằn vai vác hàng ra xe cho khách... Tôi chưa từng nghe ba cãi má. Những khi má to tiếng, ba chỉ thở dài rồi lẳng lặng ra chỗ khác. Nhìn đôi vai ba rũ xuống, tôi tưởng tượng ba đang vác nặng nỗi buồn. Tôi hay can má, “má đừng làm vậy, ba buồn”. Má bức bối: “Trăm việc đều đổ lên đầu má, sao kiềm chế được hả con? Nhà này, mình ba hiền là đủ rồi, má cũng hiền thì tụi con không có cơm ăn”…

“Già néo thì đứt dây”. Bao nhiêu năm qua, má chưa từng nghĩ sẽ thôi xoắn vặn, kéo căng sợi dây chồng vợ. Ba đã mỏi mệt, kiên nhẫn cũng đã cạn nên không còn muốn níu giữ. Tôi hiểu nỗi lòng ba, thương ba đến thắt ruột, nhưng tôi vẫn muốn nối liền sợi dây giữa ba và má…

Ba nói sẽ thuê nhà trọ. Một người bạn đã nhận ba làm bảo vệ. Mai ba sẽ lên tòa nộp đơn ly hôn… Câu nói của ba sắc lẹm như từng nhát kéo cắt phăng chút hy vọng hàn gắn của chị em tôi. Ba sẽ sống ra sao, ai nấu cho ba ăn, đau ốm thì làm thế nào? Rồi còn miệng đời thiên hạ, sui gia nhìn vào?... Liệu ba có nên lao vào cuồng phong ở tuổi xế chiều?

Chồng tôi ngồi lặng, giờ mới rụt rè lên tiếng: “Ba lớn tuổi rồi, để ba bôn ba bên ngoài tụi con sao đành lòng. Con tính vầy, má lên ở với vợ chồng con. Bé Nhím hay đau ốm, nhờ má chăm sóc là tốt nhất. Ba cứ ở lại đây với cậu mợ Út, trông giúp cửa hàng”. Thấy chị em tôi thất thần, ba má rốt cuộc cũng đồng ý giải pháp này. Kế hoãn binh của chồng tôi, không biết sẽ “hoãn” được bao lâu khi ba má quay lưng về hai hướng, kiên quyết “đứt rồi cho đứt luôn”…

Chiều muộn, má hay đứng lặng nhìn về phía quê nhà. Trong lòng má, hẳn những con sóng đang cồn cào không nguôi. Tôi không dám khuấy động vào vết thương của má. Ai đúng ai sai, giờ đâu còn quan trọng nữa. Cuối tuần, vợ chồng tôi đưa má đi Vũng Tàu, khu du lịch Đại Nam… để má nguôi ngoai. Có bé Nhím líu ríu bên cạnh, má cũng đỡ buồn. Nhưng trông má như cái cây bị bứng khỏi vùng đất quen thuộc, làm sao má vui cho được…

Tôi dắt má đi siêu thị. Hai má con chọn mớ tôm cho bữa cơm chiều. Kề bên, bà mẹ nói với cô con gái: “Ba con thích ăn cá hồi, để mẹ mua cá hồi nấu canh chua cho ba”. Má chợt bần thần: “Ba con cũng thích ăn cá hồi. Má ghét cá hồi tanh rình, nên chẳng bao giờ mua… Má cũng ít khi nào nấu những món ba thích”. Bịch tôm trong tay tôi chợt nặng trĩu. Tôi nhớ những bữa cơm ba lẳng lặng ăn cho xong bữa.

Có lần, tôi và thằng Út tranh nhau món gà chiên, ăn rất ngon lành. Tôi gắp cho ba cánh gà, hỏi ba có ngon không? Ba cười hiền, “ăn để có sức cày bừa, ba đâu còn biết ngon dở gì”. Ngần ấy năm, ba giữ trong lòng những nỗi niềm riêng. Thích ăn món gì, mặc quần áo gì, giải trí ra sao, bù khú với những ai… đã không còn quan trọng. Nhất nhất mọi thứ ba làm theo ý má để đổi lấy bầu không khí ấm êm, để tôi và thằng Út được hồn nhiên lớn lên…

Đêm, tôi vào phòng má, thấy má đang khóc: “Ba con quá tốt với má. Chuyện gì cũng chiều theo ý má. Má nghĩ má cực đủ bề, ổng chiều má là đương nhiên. Má chưa từng nghĩ đến cảm nhận của ba, không quan tâm ổng sống có vui không… Lỗi này là tại má. Giờ má biết làm sao”. Tôi ôm má, hai má con cùng khóc. Má đã chịu nhận sai, chắc sẽ có cách để sửa. Và ba tôi, chắc cũng sẽ vì chị em tôi mà tha thứ cho má, sẽ nối lại sợi dây đã đứt như ba đã từng kiên nhẫn kết nối những đứt rời trong tình chồng vợ bấy nhiêu năm.

Đức Phương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI