Làm gì khi một số đứa trẻ muốn làm 'đại bàng'

03/04/2019 - 11:00

PNO - Chia sẻ của chuyên gia tâm lý và kinh nghiệm “vượt bão” của phụ huynh khi con trẻ bị bắt nạt ở trường.

Sau các bài viết trên Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 1/4 về Sự vô cảm mới đáng sợ xung quanh vụ việc nữ sinh lớp Chín tại Hưng Yên bị nhóm bạn bạo hành dã man ngay tại lớp, chúng tôi nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc nhằm góp thêm ý kiến về vấn đề này. Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia tâm lý và kinh nghiệm “vượt bão” của phụ huynh khi con trẻ bị bắt nạt ở trường.

Lam gi khi mot so dua tre muon lam 'dai bang'
 

Góc nhìn chuyên gia

Câu chuyện học sinh lớp Chín bị 5 bạn trong lớp bắt nạt và bạo hành ở Hưng Yên buộc chúng ta phải suy nghĩ, xem xét tại sao mấy đứa kia hung ác như vậy, tại sao cô bé nọ hiền và nhút nhát dữ vậy, tại sao nhà trường không làm gì, tại sao bạn bè chứng kiến mà không can thiệp… Điều gì khiến người lớn chúng ta thấy khó khăn để thay đổi cách tiếp cận trong giáo dục một con người?

Khi đứa trẻ bị cha mẹ bạo hành hoặc chứng kiến cha mẹ bạo hành người khác, thật đơn giản để nó học lấy sự bạo hành và tin rằng bạo hành người khác là cách nhanh nhất và tốt nhất để giải quyết vấn đề. Việc tiếp nhận trực tiếp hay nhìn thấy, nghe thấy các cảnh bạo lực có liên quan đến mình sẽ khiến đứa trẻ thấy tổn thương, bị trấn áp, bị đau đớn… và những cảm xúc tiêu cực đó sẽ đi vào bên trong. Chúng ta gọi đó là tiến trình nội tâm hóa.

Lam gi khi mot so dua tre muon lam 'dai bang'
 

Sự phớt lờ khiến đứa trẻ trong gia đình cũng tổn thương tương tự như bạo lực, chỉ có điều khác là đứa trẻ bị phớt lờ thì tăng cơ hội để trở nên “bặm trợn” với người khác. Trong nỗ lực tìm kiếm một định tính cho bản thân, đứa trẻ có thể nhận ra nó nên là một đứa trẻ giữ thế mạnh hay có quyền trên người khác, bởi nếu nó không có quyền lực người khác sẽ coi nó không ra gì. Sự phớt lờ đồng nghĩa với việc xem sự tồn tại của đứa nhỏ không quan trọng hay chẳng có ý nghĩa gì, chính điều đó gây tổn thương lớn, cộng với việc đến tuổi vị thành niên chúng muốn chứng tỏ cho cha mẹ thấy rằng “tôi mạnh mẽ đây, tôi quan trọng đây”. Thật ra, điều muốn nói có vẻ như là “ông bà hãy xem đây và đừng coi thường tôi nữa”.

Cha mẹ của các em, cả nạn nhân và thủ phạm, đã nuôi dưỡng con cái họ như thế nào hay chỉ có bạo lực và phớt lờ? Nhà trường có đang giáo dục học sinh như những nhà giáo hay chỉ làm các công việc của người chỉ chuyên “soi” vào những hành vi sai và nhẩm tính đến đâu thì mới đủ chứng cứ để can thiệp? Đứa nhỏ bị đánh vì “thiếu kỹ năng, rụt rè…” thì đứa bé có gì đó đáng bị đánh hay sao? Và những đứa khác khi chứng kiến các em ấy biết làm gì khác ngoài “xem và quay phim”? 

Chúng ta không làm gì hết hoặc thậm chí làm sai nhưng chúng ta lại muốn con cái chúng ta phải sống cho thật tử tế, đàng hoàng. Nếu chính bản thân chúng ta không thay đổi thì chẳng thể mong đợi nhiều hơn nơi con cái chúng ta. 

Ngô Minh Uy

Ý kiến phụ huynh

Trong gia đình chúng tôi từng có một đứa trẻ đặc biệt. Cháu có chút khuyết tật ở chân phải, do ngày bé bị sốt bại liệt. Ngay từ ngày đầu tiên cháu đi học, gia đình tôi đã rất lo ngại, sợ cháu bị phân biệt đối xử, sợ vẻ ngoài khác lạ của cháu sẽ khiến nhiều người, cụ thể là bạn học của cháu “thấy gai con mắt” mà đánh cháu. Những năm học tiểu học của cháu trôi qua yên bình vì trường gần nhà, các cô giáo đều yêu thương và chăm sóc cháu. Thế nhưng năm vào học cấp II, cháu bắt đầu có những biểu hiện khác. Cháu không còn vui khi đi học, về nhà không kể chuyện bạn bè. Đỉnh điểm của sự việc là một hôm cháu đi học về, tôi thấy cháu bị mất cặp sách, bạn bè đã giấu cặp của cháu và không trả lại. Với tôi, đây là một dấu hiệu đáng lo.

Chúng tôi lập tức đến nhà người bạn mà cháu nghi là giấu cặp của cháu. Nhẹ nhàng, nhưng nghiêm khắc, trước mặt phụ huynh của cháu đó, chúng tôi yêu cầu cháu chỉ chỗ giấu cặp và nhắc cháu không đùa quá trớn như vậy. Phụ huynh rất hợp tác với chúng tôi, đã xin lỗi và nhắc cháu ngay.

Sau đó, chúng tôi liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, nhắc lại những lo ngại của gia đình về sự khác biệt của cháu mà chúng tôi đã nói ngay từ đầu năm học. Chúng tôi nhờ cô quan tâm và để ý đến cháu nhiều hơn. Nhắc nhở bạn bè trong lớp về việc giúp đỡ bạn.
Ở nhà, chúng tôi thường xuyên trò chuyện với cháu, động viên cháu kết bạn, mạnh dạn hỏi bài các bạn khác. Ngày nào cháu đi về, chúng tôi cũng hỏi cháu xem ở lớp như thế nào, có vui không, có ai hay chơi với cháu. Thỉnh thoảng, tôi làm nước uống, trái cây, bảo cháu sau giờ học rủ các bạn ghé qua chơi. Chúng tôi cho cháu học võ và luôn nhắc nhở cháu những trường hợp nên tránh để tự bảo vệ mình.

Những năm cấp II sau đó trôi qua êm thắm. Bây giờ, khi cháu chuẩn bị tốt nghiệp đại học, những người bạn thân nhất của cháu chính là những cậu bé ngày xưa luôn nhăm nhe gây sự với cháu. Nhìn lại những gì đã xảy ra, chúng tôi nhận thấy mình đã làm đúng, đã kết hợp việc dạy cho cháu những kỹ năng sống. 

Hồng Hạnh (Q.5, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI