Kiến nghị Quốc hội hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ phụ nữ, trẻ em

05/10/2018 - 12:57

PNO - Không ít người có thẩm quyền cho rằng, bạo lực gia đình là chuyện nội bộ gia đình, vợ chồng nên đóng cửa dạy bảo nhau.

Cách đây hơn một tháng, chị S., thân chủ của tôi quyết định giải thoát cho mình nên tìm luật sư tư vấn về việc ly hôn. Chúng tôi khuyên chị làm đơn phản ánh về hành vi bạo lực gia đình của người chồng với chính quyền địa phương. Sau khi nhận được đơn, UBND và công an phường có mời chị lên làm việc và yêu cầu chị đưa ra bằng chứng về hành vi người chồng hành hạ chị cả về thể xác lẫn tinh thần. Chị nào có bằng chứng gì,  ngoài giấy tờ mấy lần chị nhập viện vì tự vẫn. Tuy nhiên, người xử lý vụ việc nói rằng, chị phải trưng ra bằng chứng vì chồng hành hạ dẫn đến việc chị tự vẫn.

Thế mới nói, việc xử lý những vụ bạo lực gia đình như trường hợp của chị S. thực sự làm khó nạn nhân. Theo khoản 1 điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các hành vi sau đây đều là bạo lực gia đình: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm… Tuy nhiên, luật không quy định rõ ràng về chứng cứ chứng minh hành vi bạo lực này nên cơ quan công an, chính quyền mỗi nơi tự hiểu và tự xử lý theo mỗi kiểu. 

Điều quan trọng hơn là làm thế nào chấm dứt được nạn bạo lực gia đình, có biện pháp bảo vệ tích cực và hiệu quả cho nạn nhân thì Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 và các văn bản pháp luật có liên quan vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Chẳng hạn như Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình mặc dù có đưa ra một số chế tài đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng mức phạt rất thấp, không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi. Hơn nữa, phạt bằng tiền thì lại đánh vào túi tiền của gia đình người có hành vi bạo lực gia đình cũng chính là gia đình nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Do vậy, có thể thay biện pháp phạt tiền bằng các biện pháp khác, chẳng hạn như lao động công ích. Ngoài ra, sự bất cập còn đến từ các cơ quan chức năng xử lý bạo lực gia đình. Không ít người có thẩm quyền cho rằng đó là chuyện nội bộ gia đình, vợ chồng nên đóng cửa dạy bảo nhau. 

Rõ ràng, nếu còn quan niệm bạo lực gia đình chỉ là chuyện nội bộ gia đình thì rất khó giải quyết được vấn nạn này và bảo vệ những nạn nhân yếu thế. Do vậy, để hạn chế bạo lực gia đình, tạo một môi trường sống an toàn, thân thiện cho phụ nữ, thành phố không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, văn hóa… mà rất cần đề xuất Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện khung pháp lý và thay đổi quan niệm, nhận thức trong việc xử lý những vụ việc về bạo lực gia đình, từ đó mới có thể bảo vệ phụ nữ, trẻ em hiệu quả hơn.

Tiến sĩ - luật sư  
(Trưởng ban Phổ biến giáo dục pháp luật Hội Luật gia TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI