Không cần lý do

27/05/2018 - 11:00

PNO - Lạ kỳ là người ngoài nhìn vào thấy vẫn ổn, nhưng chỉ thâm tâm mình tự biết nó tệ. Không cần lý do. Chị cũng vậy…

Đó là buổi sáng thứ hai dở hơi.

Đã chuẩn bị tinh thần đối phó với cái gọi là hội chứng ngày thứ hai, nhưng cuối cùng tôi vẫn vừa lái xe vừa liên tục ngáp. Điểm đến đầu tiên là cái nhà xe mà có lần tôi từng thề là không bao giờ đặt chân tới nữa. Lý do: nó, chính xác hơn là người của nó, từng cằn nhằn khi tôi tới nhận hộp bánh của bạn dưới quê gửi cho. Lý do: trễ rồi, sao ban ngày không đi mà đợi tận giờ này. Lý do: tôi còn phải đi làm, đưa đón con đi học, đâu rảnh rỗi cho một hộp bánh cơ chứ. Kết luận: tôi được cầm hộp bánh còn nó, chính xác hơn là người của nó, nhận lại một tràng mang phong vị của chửi, kèm theo câu hăm dọa: coi chừng tôi kể lên mạng là nhà xe của mấy người thành cái chùa bà Đanh ngay và luôn, nghe không?

Khong can ly do
 

Thật ra tôi cũng không phải mẫu đàn bà trời sinh dữ dằn hàng tôm hàng cá (xin lỗi các chị em hàng tôm hàng cá thật sự). Chẳng qua cuộc đời nó thế, đưa đẩy người ta từ một thiếu nữ dịu dàng bẽn lẽn trở thành gấu mẹ thừa mỡ dư cộc cằn, dẫu tuổi tác có thuộc cung nào thì cuối cùng cũng thành mạng hỏa, nóng tính võ công cao. Cứ nhìn Trân, một cô em gái 8X đời cuối đầy nữ tính lẫn lãng mạn, sau khi sinh bé Mây đã có thể quát ầm lên trong điện thoại khi tôi gọi. Tất nhiên là Trân quát con nó, nhưng cũng đủ khiến cho bà chị phương xa thân thiết là tôi chết khiếp.

Quay lại việc tôi đến nhà xe, là bởi hôm nay ba tôi về quê. Sau gần một tháng tá túc ở nhà con gái để mổ mắt, giờ tới đoạn ba tôi nằng nặc đòi về. Nhà chỉ còn cái xác rệu rã, nhưng ba tôi cứ lo nước tràn vào máng xối, cỏ lên không ai làm và ăn trộm sẽ lấy hết đồ đạc. Tôi cáu kỉnh bảo, còn mấy thứ vặt vãnh chẳng đáng mấy đồng, ba cho ai hoặc bán đổ bán tháo đi. Lên đây mà ở. Khỏi phải lo chuyện cơm nước. Kiếm cái gì đó nhẹ nhàng mà tham gia cho khuây khỏa. Trên lầu giờ gắn thêm cái máy lạnh rồi, đợt tới ba lên sẽ mua thêm tấm nệm mỏng nằm cho êm lưng. Thế là ổn. Ba còn tiếc gì nữa? Cứ bỏ mặc cái nhà đó, khi nào có ai mua hẵng hay...

Tôi nói tất cả bài giảng ấy bằng âm vực hơi cao, cộng với thái độ nhấm nhẳng. Có lẽ là để đánh lừa cái trí tưởng tượng về một căn nhà xưa cũ nằm giữa khu vườn khó có thể tạp nham hơn, ở một miền quê cách đây chừng gần ba trăm cây số. Như một điều tất yếu, sau khi đám con học hành xong thì bám trụ lại thành phố đi làm, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Vợ của ba tôi lần lữa rồi cũng lên chăm cháu, bén mùi phố thị và thưa vắng về dần. Cuộc di dân trong vô thức ấy diễn ra không phải chỉ trong gia đình tôi, xảy ra chẳng với riêng ba tôi, mà thành một chuẩn mực của cả một xứ, một vùng miền. Nhà ông A, bà B hồi ấy giờ thế nào? À, họ chuyển lên thành phố sinh sống cả rồi, y nhà mình vậy đó…

Khong can ly do
Ảnh minh họa

Tôi xuống xe, tay xách cái túi nằng nặng của ba, đợi mua vé rồi ba sẽ đi xe trung chuyển ra bến. Không quay nhìn lại, tôi rời khỏi chỗ đó, ngang qua cái bệnh viện trứ danh mà chắc cả đời chẳng ai mong phải đặt chân vào, thì nhận ra mình bắt đầu khóc. Nước mắt từ đâu rơi ra không sao kìm nén được. Lý do: chính tôi không biết. Chắc là tôi cám cảnh ba mình tiếp tục cuộc sống của một ông già vừa về hưu, trải đời trong cô quạnh, mọi thứ phải tự lo. Mà ba tôi thì chẳng còn khỏe mạnh gì. Những đợt phong lưu bay nhảy hồi trẻ đã khiến cho bệnh tật ập đến sớm hơn thông lệ. Tiểu đường, cao huyết áp, mắt cườm, răng yếu. Đủ cả. Thời gian vừa rồi ba ở trên này có thoải mái, nhẹ nhõm không nhỉ? Tôi tự hỏi xong thì một nỗi gì như ân hận len vào lòng, rất khẽ. Mà mồn một, thao thiết. Mình bận rộn cáu bẳn quá… Vài người đi bộ băng ngang qua đường, ngay trước đầu xe, tôi dừng lại để nhường. Dăm ánh mắt tò mò…

 ***

Khoảnh khắc yếu đuối ấy, tôi nghĩ ngay tới người đàn ông trong tim mình. Hạnh phúc thay, nếu mọi cảm xúc đều có ai đó thân thương để mà chia sẻ. Kiểu như, anh biết không, hôm nay ba em về quê. Em buồn. Em cũng sợ nữa. Mỗi cuộc chia lìa đều có lý do của nó và mỗi sớm mai rời khỏi nhà, mấy ai biết được hôm nay số phận có cho mình trở về, để cùng chồng con ngồi vào cái bàn ăn có rau xào, canh nấm và trứng chiên thịt cuối ngày? Còn gì ấm áp hơn khi có thể hồn nhiên kể về giấc mơ đêm qua với anh ấy, hình dung ra từng ánh mắt lẫn nét môi cười của người bạn yêu. 

Thế nhưng, thực tế là tôi chẳng dám làm anh phải bận tâm vào một buổi sáng chắc khá nhiều áp lực tiền nong lẫn công việc của một người đàn ông nhiều tham vọng lẫn hoài bão. Tôi đành chọn cách im lặng, một tay ôm vô-lăng, một tay quẹt nước mắt rồi tự nhủ, đừng có ngớ ngẩn như vậy chứ. Mạnh mẽ lên nào. Mình vẫn ổn đấy thôi.

Tôi ghé vào cái quán cà phê mới đổi chủ, sau khi đã nhắn tin xin nghỉ buổi sáng đầu tuần. Tôi muốn dành cho mình vài giờ thong thả, sau một đợt dài tất bật, với hai ngày nghỉ thường lệ không làm được gì cho ra hồn. Toàn là vội vàng châm đầy tủ lạnh, dọn sạch phòng ngủ, chà nhà vệ sinh, cắt móng chân cho đứa con trai và gội đầu cho đứa con gái. Người ta chẳng phải rồi cứ như cái đồng hồ hình tròn, quẩn quanh trong cái vòng thời gian của nó đó sao? 

Cái quán to bự nằm ngay khu trung tâm, trước đây thuộc về một cặp đôi đình đám vừa ly hôn, khiến cho khách uống cà phê phải điêu đứng mà theo dõi. Đâu phải cứ tình yêu hay hôn nhân là mãi mãi đâu nào. Nay nó đã chuyển sang thương hiệu khác mà tôi yêu thích. Giá cả cao vót, thôi thì tự nhủ, coi như lâu lâu mình xài sang một chút, tận hưởng không gian sang trọng đẹp đẽ này…

Giờ tôi đối mặt với ly nước trị giá hơn hai dĩa cơm bình dân, đăng đắng vô vị, lòng cảm thấy ít nhiều khó chịu. Tôi bỏ tiền ra và cần nhận lại cái gì tương xứng chứ nhỉ. Tôi bỗng nảy ra ý định muốn chụp hình ly nước kèm theo cái hóa đơn, phang lên trang cá nhân lắm bạn bè ham gây hấn của mình. Thời buổi gì mà lạ lùng ở chỗ, cái nào tốt lành lương thiện lại nhận được rất ít quan tâm, like và bình luận. Nhưng những điều móc máy nhau, chê bai chỗ này, gạch đá chỗ kia, thì luôn có khán giả. Hay cuộc sống bây giờ đã tới giai đoạn muốn sống cho đàng hoàng, có tâm với nhau thì khó hơn là cà chớn láu cá và tinh tướng rất nhiều?

Khong can ly do
Ảnh minh họa

May mà trong tiệm cà phê có sách. Rất nhiều sách, mới và tinh tươm. Cũng may thay, đấy không còn là những cuốn dạy làm giàu, truyền cảm hứng đổi đời như trước nữa. Tôi với tay, lấy cuốn Kafka bên bờ biển của một tác giả người Nhật. Lâu rồi tôi ít đọc sách. Lý do, mắt tôi yếu và làm gì có thời gian cho cái việc xa xỉ ấy. Mở ra, ngay một đoạn khốc liệt, do một nữ nhân vật là cô giáo kể lại câu chuyện của mình. Một giấc mơ đầy nhục dục đã khiến cô ấy đưa bọn học trò nhỏ đi lên rừng hái nấm với tâm trạng không ổn định. Lại bất ngờ bị “đèn đỏ”, lấy khăn lau tạm rồi vứt đi. Một cậu bé tìm thấy cái khăn vấy máu ấy, bị cô tát cho vài cái không lý do, trong hoảng loạn sững sờ của cả bọn… Đại khái thế.

Tôi đọc thêm vài đoạn và cảm thấy mình không đủ sức để tiếp tục. Tim tôi nghẹn lại trong một buổi sáng đầu tuần khá nhiều biến động của mình. Hình dung ra cảm giác của lũ trẻ trong sách. Tôi loay hoay nghĩ về con mình. Hai đứa con nít hiếm khi nào hòa thuận với nhau được ít phút. Chúng tị nạnh hí hoáy liên tục, như thể sợ đứa này sẽ giành hết quyền lợi lẫn tình yêu thương của đứa kia thì phải. Mà chắc chỉ sợ mất quyền lợi thôi, chứ tình yêu thương, hình như bọn nhóc giờ cũng không mấy quan tâm hoặc hứng thú đón nhận nữa. Kiểu như có cũng được, không cũng chẳng sao. Miễn có tiền nạp thẻ điện thoại để lên mạng đều đều, buổi sáng có cơm sườn nướng, trưa và tối no đủ cộng với ti vi không bị cắt cáp vì nợ cước là được…

***

Lẽ ra, giờ này, tôi đang đối diện với cái máy tính và cần mẫn làm hết bảng tổng hợp này tới tập tin trình chiếu khác. Những đều đặn hằng ngày kéo tôi đi cho hết giờ hết tháng. Xung quanh tôi, dăm người đàn ông cũng đang ngồi, kèm theo laptop hoặc cuốn sách bất kỳ họ với tay lấy được. Tư lự hoặc nói toàn chuyện vĩ mô. Kiểu như đất công, hiệp sĩ, thuế thu nhập và trúng xổ số tự chọn. Tôi bỗng dưng thấy mình nhiều chuyện, tự hỏi họ thuộc thành phần nào, làm tự do hay tuy mới thất nghiệp nhưng vẫn muốn vợ con thấy mình còn có chốn thuộc về, bằng cách ra quán ngồi thiền, ươm những dự định cao vời như tôi đang mơ mộng?

Một cô em ở cùng thành phố bỗng nhắn tin than: dạo này công việc em không tốt. Tinh thần lại kém, giống như bị trầm cảm ấy. Mà chẳng có lý do gì rõ rệt. Tôi thật chẳng biết an ủi sao, đành tình thật rằng: lạ kỳ là người ngoài nhìn vào thấy vẫn ổn, nhưng chỉ thâm tâm mình tự biết nó tệ. Không cần lý do. Chị cũng vậy…

Một đồng nghiệp ngồi gần bên ở văn phòng chat hỏi, sao chị không đi làm? Chị ốm hay bận chuyện gì? Thế thôi, mà ấm lòng. Điện thoại lại báo có tín hiệu gì đấy. Là một người bạn vừa khoe những hình ảnh căn nhà vườn mát mẻ của mình, kèm theo khách khứa tấp nập tới thăm, trầm trồ. Tôi chạnh lòng nghĩ, mình kém cỏi ủy mị quá, nên cứ lẹt đẹt phía sau hoài. Chi bằng bây giờ vào cơ quan, chăm chỉ làm việc, biết đâu còn tìm thấy cơ hội của chính mình?

Sau tất cả những rối rắm ấy, tôi quyết định đứng dậy rời khỏi quán, quay trở lại làm một nhân viên chăm chỉ đợi lãnh lương, cho nó lành…

 Thùy Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI