Học cách nói 'không' với người nhà

22/01/2019 - 18:00

PNO - Lại một năm nữa trôi qua. Chi sẽ học cách từ chối và nói 'không' với những đề nghị, ướm hỏi từ người nhà mà cô nghĩ là không phù hợp, ngay từ giây phút này.

Chi nhon nhón mở cánh cửa phòng hội trường, tưởng như tiếng thở dốc mệt nhọc đã cố kìm nén của cô đều khiến mọi người nghe rõ. Quan khách đã có mặt đông đủ và phần diễn văn khai mạc chuẩn bị kết thúc. Cô lôi máy ảnh ra tác nghiệp, vừa làm vừa lén nhìn sang "sếp trưởng" ngồi ở hàng ghế đại biểu. Sếp cũng đang kín đáo ném sang cô cái nhìn đầy trách móc và thất vọng.

Sau lần đến muộn vì tuyến xe bus cô đi bỗng gặp cảnh tắc đường và phải đổi hướng đi vòng ấy, Chi nhiều lần nghĩ đến việc dồn hết số tiền tích cóp có được mua chiếc xe gắn máy. Sinh viên mới ra trường như cô, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, việc đón xe bus đi làm hằng ngày khiến Chi không mấy bận lòng. Chỉ là vì sự cố tắc đường trước đó khiến nhà báo mới vào nghề như cô, lẽ ra phải có mặt sớm để săn tin, thì lại xuất hiện sau cùng khi quan khách đã bắt đầu vào việc. 

Hoc cach noi 'khong' voi nguoi nha
Ảnh minh họa

Nhưng mẹ cô lại gọi điện từ quê ra than thở. Căn nhà cấp bốn xuống cấp tới mức báo động đỏ. Bà muốn khó mấy cũng phải bắt tay vào sửa sang lại. Nghĩ cảnh ba mẹ già yếu sống trong căn nhà cũ kỹ, Chi lại không đành lòng. Vậy là số tiền tích cóp dự định dùng mua chiếc xe máy đi lại cho thuận tiện, giờ dành cho việc hỗ trợ ba mẹ già xây cất lại nhà cửa. 

Cuối năm tiền thưởng từ công ty về tay nhân viên cũng được kha khá, hình ảnh chiếc xe máy lại lần nữa chạy ngang qua đầu Chi. Nhưng hình như người ở nhà có "thần giao cách cảm" với cái thẻ ATM của cô hay sao ấy. Lần này, em trai cô tha thiết nhờ chị hỗ trợ để đưa vợ đi phẫu thuật viêm tai giữa. Em dâu Chi bị chứng viêm tai đã lâu, hay bị những cơn đau sốt hành hạ. Mỗi khi căn bệnh tái phát, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cả gia đình. Vậy là số tiền trong thẻ của Chi lại vơi đi.

Tết đang đến rất gần. Chi chat online về nhà nhiều hơn để nắm tình hình tết nhất ở quê nhà. Đứa cháu con ông anh trai cả, sau màn nhấm nhẳng khoe thành tích học tập, lại để lại cho cô lời nhắn pha nửa Anh nửa Việt: "Cô nhớ mang theo về quê nhiều money để mừng tuổi hai anh em cháu đấy. Năm tới anh Hai thi chuyển cấp, chắc sẽ phải đóng một khoản kha khá". Một đứa trẻ mới bảy tuổi sao nói những lời trơn tru. Chi cố xua đuổi ý nghĩ tiêu cực mới chợt đến, có lẽ nào bố mẹ đã "mớm lời" cho trẻ nhỏ những lời nhắn thẳng tưng ấy?

Hoc cach noi 'khong' voi nguoi nha
Chi háo hức nghĩ đến cảnh về quê sum họp gia đình trong dịp tết, nhưng rồi lại vui buồn ngẩn ngơ. (Ảnh minh hoạ)

Chi nhìn xuống bộ cánh xuề xòa mà cô đang bận. Nhiều lúc cô bỏ bê bản thân nhiều quá, cứ nghĩ đang độc thân thì giản tiện sao cũng được. Cô đâu biết rằng chăm chút cho bản thân và đầu tư ăn vận chút xíu cũng là cách cô đối đãi tử tế với chính mình. Nếu Chi chẳng yêu nổi bản thân thì sẽ chẳng có ai đủ bao dung và thấu hiểu để yêu cô được.

Chi hít một hơi dài. Lại một năm nữa trôi qua. Chi sẽ học cách từ chối và nói "không" với những đề nghị, ướm hỏi từ người nhà mà cô nghĩ là không phù hợp, ngay từ giây phút này. Chi nén tiếng thở dài. Chiếc radio cũ đâu đó phòng kế bên đang phát bài Chị tôi của Trần Tiến. Cô không muốn trở thành nhân vật người chị trong bài hát với câu ca buồn "chị thương hai đứa em thương mẹ già còn đau, chị vẫn chưa lấy chồng"...

Minh Thuật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI