Giờ tôi mới hiểu vì sao mái nhà cần hai 'trụ'

18/09/2018 - 18:36

PNO - Khi chồng nằm xuống, tôi xấc bấc xang bang tìm việc làm, và hiểu rằng "trụ" nhà mình đã gãy.

Chồng tôi bị tai nạn giao thông rất nặng, bác sĩ bảo anh ấy sống  được là một kỳ tích: chấn thương sọ não, mất bàn chân trái. Tai nạn của chồng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, mà chất lượng đời sống của cả gia đình cũng bị giảm sút theo, bởi anh ấy là trụ cột.

Chồng tôi vốn cầu toàn, chỉ thích vợ ở nhà làm nội trợ, đưa đón con đi học, để khi anh ấy về đến nhà thì nhà cửa ngăn nắp, con cái tươm tất, cơm dẻo canh ngọt, chồng mới hài lòng. Công việc của anh khá nhọc nhằn, nhưng chấp nhận gánh vác, với anh như thế là yêu vợ.

Gio toi moi hieu vi sao mai nha can hai 'tru'
Từ ngày chồng nằm nhà, tôi phải thay anh kiếm kế sinh nhai. Hình minh họa

Từ ngày chồng nằm nhà, tôi phải thay anh kiếm kế sinh nhai cho cả nhà. Công việc làm, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Mười năm nội trợ, muốn đi làm đúng chuyên môn, phải cập nhật lại kiến thức, chứ đâu thể nói đi là đi, dễ như xách giỏ ra chợ mỗi sáng được. Tôi gửi cả chục hồ sơ cho các công ty trên mạng mà chẳng thấy hồi âm gì.

Lo lắng, tự ti, buồn lòng, tự trách mình, là những cảm xúc đan xen. Không ít lần tôi đã khóc, rồi lại tự khuyên mình cố gắng chấp nhận thử thách, bởi tôi không cố gắng, thì gia đình sẽ trôi về đâu?

Chồng đau khổ nhìn tôi chạy ngược chạy xuôi, khi thì phụ bán quần áo ở cửa tiệm đầu hẻm, lúc dọn dẹp nhà cửa theo giờ cho người bà con, tôi cũng làm đồ ăn vặt tập tành kinh doanh online thêm vài món bọn trẻ teen yêu thích...  

Chồng tôi cứ tự trách mình không lo xa, không lường trước những tình huống khi “trụ gãy”, để bây giờ, đối diện với biến cố, mọi chuyện trở nên rối bời.

Nằm một chỗ, anh ấy nhắc lại chuyện tôi từng lường trước rủi ro và từng đặt gia đình vào hoàn cảnh tương tự lúc này. Nhưng vì khi ấy chồng quá tự tin vào công việc làm ăn, vào những thuận lợi mà cuộc sống ưu đãi.

Chồng tôi cũng nói anh thật sự nể vợ. Rằng ở nhà… chán chết, vậy mà sao vợ có thể “ở ẩn” suốt cả chục năm trời? Đàn bà, chỉ có thể vì thương chồng, chiều chồng nên mới chấp nhận hy sinh như thế. 

Còn tôi, nhớ lại những tháng ngày sung sướng an nhàn, tôi tự trách mình phải chi lúc đó mạnh mẽ thể hiện quan điểm, thì đâu để ngoài 40, phải xấc bấc xang bang. Lúc này, tôi chỉ mong anh ấy đừng nghĩ ngợi, ảnh hưởng sức khỏe, rằng thời nay chẳng ai chết vì đói...

Gio toi moi hieu vi sao mai nha can hai 'tru'
Bất lực nhìn vợ con lao đao lúc cơ hàn, chồng tôi bảo, thấy có lỗi. Hình minh họa

Bản thân tôi càng lúc càng thấm thía rằng, nhà đủ hai “trụ”, sẽ càng kiên cố; phụ nữ có việc làm ổn định, sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn là ngồi nhà chờ chồng mang tiền về, và loay hoay với những đứa trẻ. Chỉ khi gặp sự cố bất khả kháng, mới hãy chấp nhận ngồi nhà.

Khi công việc bán hàng online tạm ổn, tôi lại thật sự tìm thấy niềm vui và rút dần những việc làm thêm khác. Dĩ nhiên, bên cạnh niềm vui, có cả áp lực, vất vả khi lấy hàng, giao hàng trời mưa gió, lúc ế ẩm, khách đổi trả hàng hay mắng vốn chất lượng.

Từ ngày đi làm, tôi mới hiểu nỗi nhọc nhằn của chồng. Vậy mà, tôi từng vì tủi thân, nên hay giận dỗi, hờn mát, báo chồng phải dỗ dành. Với một người không chịu ngồi yên một chỗ, biết lo toan vợ con, không đành lòng làm “gánh nặng”, bây giờ trở thành kẻ tàn phế, tôi hiểu cảm giác đau khổ của anh ấy.

Những khi thấy anh lê bước dọn dẹp nhà cửa, hay làm bất cứ việc gì có thể, tôi hiểu rằng, anh đang chia sẻ công việc, để tôi được nghỉ ngơi, để trong mắt tôi, anh không phải người thừa.

Gio toi moi hieu vi sao mai nha can hai 'tru'
Tôi tự dặn lòng phải ý tứ với chồng về mọi chuyện. Hình minh họa

Tôi tự dặn lòng phải ý tứ với chồng về chuyện tiền bạc, lời ăn tiếng nói, và mọi chuyện khác nữa, bởi một người nhạy cảm như anh, sẽ cảm thấy thất vọng bản thân.

Dù sao, tôi vẫn thấy hạnh phúc, bởi một người chồng bệnh tật, vẫn chia sẻ mọi chuyện cùng tôi. Ngoài kia, không ít người sức khỏe tràn trề mà chỉ biết ăn nhậu, bài bạc; hay những kẻ làm ra tiền thì coi rẻ vợ con. 

Thái Phương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI