Ép con nổi tiếng

06/11/2017 - 13:00

PNO - Một phụ huynh từng khẩn thiết đề nghị tôi viết về đứa con gái 7 tuổi của chị: “Cháu đang theo lớp người mẫu nhí, múa ba lê và học diễn xuất

Một phụ huynh từng khẩn thiết đề nghị tôi viết về đứa con gái 7 tuổi của chị: “Cháu đang theo lớp người mẫu nhí, múa ba lê và học diễn xuất. Cháu đã tham gia casting và sắp tới sẽ đóng phim. Chị nhờ em viết một bài về các năng khiếu của cháu để PR giùm chị, kinh phí bao nhiêu chị sẽ lo hết”. Đúng lúc đó, cháu bé xuất hiện, chị liền bảo con tạo dáng để tôi chụp ảnh.

Ep con noi tieng
Ảnh minh họa

Có thể ban đầu chỉ là mong muốn con tự tin biểu diễn trước đám đông, phát triển năng khiếu và biết cách lựa chọn trang phục, phối đồ. Nhưng rồi không ít phụ huynh ao ước con nổi tiếng, trở thành trung tâm của đám đông.

Con nổi tiếng là có cơ hội trải nghiệm môi trường hoạt động nghệ thuật, có các giải thưởng và tiếp xúc với những người tài năng hơn, trẻ sẽ học hỏi được nhiều hơn, “khôn” sớm và trưởng thành hơn trong các mối quan hệ.

Nổi tiếng bằng mọi giá

Muốn con nổi tiếng, không ít bậc cha mẹ bất chấp mọi cách để hút sự chú ý vào con mình, kể cả nói xấu các trẻ khác. Con nổi tiếng ở cuộc thi nhỏ thì muốn con tiếp tục ở cuộc thi lớn hơn. Đưa con đi thi, thay vì động viên, cổ vũ con thì lại tạo nên những áp lực, kiểu: “Lần trước con đã đoạt giải cao, giờ mà không có giải gì thì mẹ còn mặt mũi nào để nhìn mọi người”.

Ai đã từng trải qua những cuộc thi sẽ thấy thật đáng thương cho những thí sinh nhí phải chịu bao nhiêu tầng áp lực, mà áp lực của cuộc thi lại không nặng bằng áp lực từ gia đình. Những cuộc thi cứ ngỡ là sân chơi của trẻ, nhưng qua sự nhào nặn của nhà tổ chức và sức ép từ phụ huynh khiến các em phải “ngộp thở”, gồng mình thể hiện, mất đi vẻ tự nhiên, ngây thơ của mình.

Trong một buổi casting, thấy con diễn đạt chưa như mong đợi, nhiều phụ huynh đứng ngoài đã hét toáng lên, “chỉ đạo” con phải thế này thế kia khiến trẻ luống cuống,  không giữ nổi bình tĩnh và thất bại.

Mặt trái của “sao nhí”

Khi con trở thành “sao nhí”, không ít cha mẹ bắt đầu hiểu mặt trái của sự nổi tiếng quá sớm. Con tự cao tự đại, không coi ai ra gì, cho mình là nhất, chảnh chọe trong ứng xử, không biết tiếp thu cái hay cái đẹp từ mọi người.

Vì còn nhỏ tuổi mà phải “làm dâu trăm họ”, trẻ ít có cơ hội sống trong sáng như bạn bè. Mặt khác, khi tham gia các show thời trang, các buổi quay phim, hoạt động nghệ thuật… trẻ sẽ phải làm việc gấp nhiều lần bè bạn mới có thể cân bằng giữa việc học và lao động. Thật thiệt thòi và quá sức với trẻ.

Ep con noi tieng
Ảnh minh họa

Học và thể nghiệm trong môi trường nghệ thuật là cơ hội để trẻ phát triển những năng khiếu về âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, hoạt động hình thể... Tuy nhiên, những điều ấy nên xuất phát từ nhu cầu, hứng thú và năng khiếu của con chứ không nên vì kỳ vọng của cha mẹ. Con nổi tiếng bằng khả năng của bản thân vừa là niềm hãnh diện, tự hào của gia đình, vừa giúp bé tích lũy được một số tiền cho tương lai. Song, con phải làm việc quá sức, lại dễ trở thành đối tượng để người khác “nhòm ngó”.

Sự nổi tiếng đối với một người chín chắn với tài năng có thực và biết chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình sẽ giúp người đó thành công hơn trong cuộc sống. Còn đối với trẻ, còn non nớt về cả tâm lý cũng như tuổi đời, sự nổi tiếng luôn là con dao hai lưỡi đối với sự phát triển nhân cách.

Trong cuộc sống xô bồ, đầy rẫy những áp lực, dù có bao nhiêu kỳ vọng, cha mẹ cũng nên để cho trẻ được là chính mình, sống có ước mơ, hồn nhiên. Đừng ép chúng “chín” vì sự háo danh của cha mẹ, biến chúng thành cái thùng rỗng chất chứa những mảnh vụn của cuộc đời. 

 Lê Phạm Phương Lan (giảng viên Tâm lý học)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI