Đồng điệu với con

27/11/2018 - 16:30

PNO - Quan tâm, hồi đáp những cảm xúc, ý tưởng tốt của con là cách giúp con sống vui vẻ, tự tin và đạt được những điều tốt đẹp.

Xóm nhỏ nơi tôi ở, ba tuần qua, sau 17g thi thoảng xuất hiện cô bé “lạ”. Tay mang chiếc giỏ, cô bé đi dạo một vòng quanh xóm. Tìm được tờ giấy hay chai nhựa trên đường, đôi mắt sáng rỡ, em lập tức lượm cho vào chiếc giỏ. “Lạ” là vì em đang sống trong điều kiện gia đình khá giả.

Chị Hương, trưởng phòng tín dụng một ngân hàng, mẹ của bé Xuân, 10 tuổi nói trên kể rằng, tháng trước, mẹ chị phát bệnh ung thư nên nhập viện điều trị. Xuân đến thăm bà, khi về bỗng níu áo mẹ: “Lúc vô phòng ngoại, có một dì ôm ngực ngáng đường mình xin tiền nhưng mẹ không cho, con thấy tội dì đó”. Thoáng ngỡ ngàng, lựa lời rằng do đang quá vội, song trăn trở của con khiến chị Hương suy nghĩ.

Hôm sau, đưa con vào bệnh viện, chị mong gặp lại người phụ nữ xin tiền. Vừa thấy người phụ nữ ôm ngực nằm ngay góc hành lang bệnh viện, Xuân mừng rỡ, mang đến tặng chị chiếc phong bì mẹ đưa. Chuyện sẽ dừng lại nếu bữa cơm chiều đó, Xuân không bộc bạch: “Sau này lớn lên có nhiều tiền, con sẽ cho hết những người khổ như dì hồi chiều mình gặp”. 

Dong dieu voi con
“Con thiên tài hay đần độn phụ thuộc cách đối xử của phụ huynh”. (Ảnh minh họa)

Xúc động trước câu nói của con, chị Hương bày con bỏ ống heo, không cần đợi lớn, vẫn có thể giúp đỡ những hoàn cảnh tương tự. Không lâu sau, một lần thấy mẹ bán ve chai, Xuân nảy ý định… gom ve chai về bán. Khởi đầu từ những lọ mắm, chai nước suối mẹ bỏ hay dăm tờ báo ba đọc xong, Xuân cho vào một chiếc bao mang cất. Sau đó, em mở rộng “địa bàn” gom ve chai sang nhà dì, nhà ngoại, cho đến trước cửa nhà hàng xóm rồi dạo quanh các con hẻm trong xóm. 

Mới đây, trong lần vào bệnh viện thăm ngoại, cô bé đã mang 50.000 đồng, gom từ 16.000 đồng bán ve chai, 30.000 đồng tiền đập ống heo cộng thêm 4.000 đồng mẹ cho để làm tròn con số, tặng một bạn nhỏ đang điều trị ung thư. Khi được hỏi “công việc” có ảnh hưởng chuyện học, Xuân cười tươi đáp: “Con đi lượm có mấy phút à, nhặt xong con về ăn tối. Con vui khi được giúp người khác”. 

Ấy vậy, không nhiều bà mẹ trong xóm tôi ủng hộ việc làm của cô bé, đồng thời nghĩ mẹ em đang bày vẽ, làm khổ con. Có người nói: “Cho con 50.000 hay 100.000 đồng có phải đỡ mất thời gian không?”. Người thiện chí hơn thì bày rằng, trong trường hợp này, cha mẹ chỉ cần tăng thêm tiền ăn sáng hay các khoản tiêu vặt để giúp con dành dụm. Nhưng người mẹ ấy tự hào: “Điều tôi muốn hướng đến là quan tâm, hồi đáp những cảm xúc, ý tưởng tốt của con. Tôi không muốn con mang cảm giác vô hình, không được lắng nghe, chia sẻ”. 

Lâu nay, câu chuyện giáo dục con bằng tinh thần làm bạn để chạm được nội tâm con, qua đó hiểu được điều con muốn - có tốt, có lệch lạc - nhằm đưa ra các phương pháp dạy dỗ, động viên hoặc điều chỉnh kịp thời vẫn là “tuyên ngôn” của rất nhiều phụ huynh. Thế nhưng, không ít bậc sinh thành vẫn mặc nhiên cho rằng vấn đề của con không đáng quan tâm hoặc chưa đến lúc để thực hiện các ý tưởng vượt khuôn khổ “sân chơi một đứa trẻ” - sân chơi vốn chỉ dựa trên thước đo bảng thành tích học tập. 

“Con thiên tài hay đần độn phụ thuộc cách đối xử của phụ huynh” - đúc kết của một bà mẹ doanh nhân mới đây khiến cõi mạng dậy sóng. Có con là đứa trẻ thiếu tự tin, người mẹ này khẳng định: mong muốn thực hiện một kênh YouTube riêng mãi là bí mật của con và không biết đứa trẻ sẽ trưởng thành ra sao nếu bà không một lần hỏi thăm, chịu khó lắng nghe con trình bày, khích lệ con thực hiện. Chỉ sau một năm, từ một cô bé nhút nhát, con gái bà đã mạnh dạn đứng trước ống kính, nói năng mạch lạc và có những ý tưởng phát triển kênh riêng.

Hơn thế, không ít trường hợp “hồi đáp” qua loa, coi ý tưởng của con là trò trẻ con, với những đứa trẻ nhạy cảm còn khiến chúng dễ tổn thương, bất mãn. Một người bạn của tôi kể rằng, từ lâu rồi trong “từ điển” của bạn không tồn lại một loài hoa. Đó là năm lớp Tám, bạn mang về mấy bụi hoa huỳnh anh, hào hứng khoe rằng khoảng sân trước nhà sẽ thật đẹp nếu những bụi hoa này cao lớn, trổ bông, còn giúp bà nội đang nằm liệt khuây khỏa khi nhìn ngắm. Ba bạn, trong cơn bực bội mang về từ chỗ làm, gằn giọng: “Mấy cái này có ăn được không? Học hành không lo”. Bạn buồn bã mang hoa đi vứt, không trách ba, nhưng từ đó nhìn hoa là bật khóc. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI