Đỏ mặt với cậu bé lên ba

28/09/2018 - 18:00

PNO - Bữa ăn hôm ấy, tôi đã bối rối với cậu bé lên ba. Một kỷ niệm nghĩ tới còn đỏ mặt...

Gia đình anh trai tôi chưa có điều kiện ra riêng nên ở cùng với bố mẹ. Thật ra, vợ chồng mới cưới ở với bố mẹ là chuyện bình thường. 

Nhà tôi rôm rả hơn kể từ khi chị dâu sinh cu Bin đầu lòng. Bắt đầu từ lúc cu Bin biết nhận thức, cả nhà thống nhất rằng, cố gắng dạy mọi nền nếp cho Bin ngoan, lễ phép và hiểu biết hơn. Nhưng trẻ con đang trong giai đoạn “nổi loạn tuổi lên ba” khó uốn nắn vô cùng.

Do mat voi cau be len ba
Trẻ nhỏ rát để ý lời ăn tiếng nói của người lớn. Hình minh họa

Không thích ăn, cu Bin vùng vằng, khóc nhè, thậm chí hất bát cơm tung tóe. Dù rất tức giận nhưng chị dâu đã kiên nhẫn giải thích việc con hất đổ bát cơm như thế là không đúng. Lâu dần, Bin cũng từ bỏ được thói quen xấu đó.

Mỗi lần ai đưa hoa quả, bánh kẹo, Bin đều giật luôn từ tay người cho, thậm chí tham lam muốn giành hết. Bin cũng ngổ ngáo, đánh trả người đối diện khi không vừa ý mình.

Không thực hiện được ý đồ Bin lại nằm khóc ăn vạ. Nhưng cả nhà mặc kệ, không ai dỗ khi Bin khóc, để Bin thấy rằng việc ăn vạ của mình là sai.

Trong vô vàn câu chuyện dạy Bin theo nền nếp, tôi nhớ mãi cách mà chúng tôi uốn nắn Bin trong bữa ăn. Đó không còn là việc giúp Bin ăn ngon miệng, không khóc nhè đòi xem hoạt hình khi ăn, không hất đổ đồ ăn nữa mà là cách dạy Bin mời mọi người trước khi ăn cơm.

Việc tưởng chừng như dễ dàng nhưng lại không dễ dàng chút nào. Bữa đầu tiên, chuẩn bị ăn cơm, chị dâu bảo: “Trước khi ăn, Bin mời ông bà, bố mẹ và chú ăn cơm nào”. Một tay cầm miếng thịt cho vào miệng nhồm nhoàm, Bin mời lần lượt từ ông, bà, bố, mẹ và tới chú theo lời chỉ dẫn của mẹ. Để cho Bin học theo và nhớ, sau khi Bin nói, ông bà, bố mẹ và chú đều phải mời lại Bin ăn cơm. 

Bữa ăn thứ hai, Bin lại sà vào mâm cơm bốc miếng thịt ăn trước và không hề nhớ phải mời mọi người. Chị dâu lại phải nhẹ nhàng bảo Bin ngừng ăn và mời cả nhà. Rất lâu sau, Bin mới tự giác mời cơm mọi người trước khi ăn mà không cần ai phải nhắc nhở.

Một bữa, vì gặp phải rắc rối công việc khiến tôi bị stress rất nặng. Tôi không muốn làm gì, không có tâm trạng để ăn uống. Tôi ngồi vào mâm cơm mà tâm hồn cứ để đâu đâu. Đang cầm đũa chuẩn bị và miếng cơm đầu tiên vào miệng thì Bin nói: “Chú chưa mời mọi người ăn cơm ạ!”.

Câu nói của Bin làm tôi tỉnh lại, đỏ mặt và xấu hổ. Tôi đã sơ xuất khi chưa mời bố mẹ, anh chị và cả cu Bin ăn cơm. Tôi nhanh chóng thả bát xuống nói: “Ôi, chú quên mất. Chú xin lỗi!”, rồi mời cả nhà ăn cơm như cách mà bấy lâu gia đình tôi vẫn làm.

Do mat voi cau be len ba
Việc hình thành thói quen cho trẻ đâu chỉ ngày một, ngày hai. Hình minh họa

Một câu nói của cu Bin thôi nhưng đã cho tôi một bài học lớn, ít nhất là về việc nuôi dạy con sau này. Bản thân chúng ta luôn muốn con trẻ tốt lên nhưng ít người biết chính mình phải làm gương để con trẻ noi theo.

Việc hình thành một thói quen, một tính cách tốt đẹp cho con trẻ không phải là ngày một ngày hai mà cần một chặng đường dài, phải thật kiên nhẫn mới thành công. 

Cao Văn Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI