Điện thoại thông minh - thủ phạm phá bĩnh quan hệ gia đình

30/08/2016 - 06:30

PNO - Gia đình xào xáo vì thiết bị di động, chuyện khó tin nhưng đang xảy ra với hàng triệu tổ ấm.

Mới đây, nhiều phụ huynh (PH) ở Anh đã tham gia một chương trình thực tế “thử thách” chất lượng bữa tối gia đình, thông qua khảo sát thái độ ứng xử của con cái với vật bất ly thân là máy tính bảng và điện thoại thông minh.

Bốn đứa trẻ 8-10 tuổi được chọn ngẫu nhiên từ các gia đình. Người ta âm thầm ghi hình mà các em không biết. Một sự thật phũ phàng hiện ra: bọn trẻ ngồi ở bàn ăn nhưng tâm trí hoàn toàn rời xa gia đình vì còn mãi say sưa dán mắt vào màn hình. Những người thực hiện chương trình đã thay đổi lần lượt các thành viên gia đình bên cạnh các em bằng người xa lạ nhưng chúng cũng chẳng hề quan tâm đến những thay đổi đó.

Ở Australia, 63% PH thừa nhận, các thành viên trong gia đình lớn tiếng với nhau ít nhiều đều có liên quan đến việc một hoặc vài người đã quá tập trung vào thiết bị di động. Cứ năm gia đình thì có một gia đình cho biết, họ thường xuyên bị các thiết bị di động “quấy rối” ít nhất năm lần trong tuần. Cứ ba gia đình thì có một gia đình chứng kiến cảnh người thân nghiện thiết bị công nghệ không dứt ra được trong bữa ăn chung. Ở Anh, 67% PH cho biết, từng có những cuộc gây gổ trong gia đình do chứng nghiện thiết bị di động của một vài thành viên.

Dien thoai thong minh - thu pham pha binh quan he gia dinh
Bố mẹ ngao ngán khi thấy con tập trung vào thiết bị di động, chẳng bận tâm đến bữa ăn chung - Ảnh: DONEGAL DAILY

Mới đây, công ty thực phẩm nổi tiếng thế giới Dolmio đã thực hiện một khảo sát với 700 người ở Ireland về thói quen sử dụng thiết bị công nghệ trong giờ ăn tối. Kết quả, hơn 70% cuộc cãi vã bắt nguồn từ thiết bị di động vì nó tạo ra những rào cản và sự ức chế giữa các thành viên. 38% PH tham gia khảo sát cho biết, họ “bó tay” không thể ngăn con mình dán mắt vào các thiết bị này. Theo ông John Sharry, chuyên gia thuộc ĐH tâm lý UCD ở Ireland, thiết bị di động giúp chúng ta liên lạc dễ dàng hơn với mọi người nhưng lại dẫn đến tình trạng ngắt kết nối với đời sống thực.

Tháng Tư vừa qua, bé trai Xiaopeng (11 tuổi) ở Trung Quốc đã tự cắt ngón tay trỏ bên trái sau khi bị bố mẹ mắng vì sử dụng điện thoại thông minh vô độ. Xiaopeng ôm điện thoại mọi lúc mọi nơi. Sáng dậy, vật đầu tiên em cầm là điện thoại để lướt web, chơi game. Đi học về, em chỉ biết đến điện thoại. Một lần, mẹ em quá bực nên mắng con, Xiaopeng phớt lờ. Bố em không chịu nổi cũng cấm em không được sử dụng điện thoại. Cậu bé đã phản kháng bằng hành động đáng tiếc trên.

Gia đình xào xáo vì thiết bị di động, chuyện khó tin nhưng đang xảy ra với hàng triệu tổ ấm. Năm ngoái, một bé gái 12 tuổi ở Colorado (Mỹ ) bị bắt sau hai lần cố ý đầu độc mẹ ruột bằng thuốc tẩy. Lý do là người mẹ phạt, không cho em chơi iPhone sau nhiều lần cảnh cáo việc em mất quá nhiều thời gian vào thiết bị này, bỏ bê chuyện học hành và các mối quan hệ xung quanh.

Gần đây, ở Thái Lan có một đoạn quảng cáo thiết bị di động khiến nhiều người lớn chết lặng. Một cặp vợ chồng dẫn con trai năm tuổi đến cửa hàng vì muốn mua cho con máy tính bảng. Nhân viên bán hàng nhẹ nhàng hỏi tuổi đứa bé và nói với họ: “Anh chị hãy đợi bảy năm nữa rồi quay lại mua. 12 tuổi mới là độ tuổi thích hợp để chơi máy tính bảng. Khi trẻ còn quá nhỏ, hãy để cháu vui vẻ chơi đùa với bố mẹ, để biết yêu thương và suy nghĩ, nếu không cháu sẽ trở thành người vô cảm”. Câu chuyện này liệu có cảnh tỉnh cả PH lẫn con trẻ trước vấn nạn lạm dụng thiết bị công nghệ?

Anh Thông (Theo Donegal Daily, Daily Mail, PC Mag, Geek)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI