Cuộc chiến không cân sức với đứa con giỏi ăn vạ

26/07/2018 - 06:00

PNO - Cuộc chiến ấy rõ ràng không cân sức. Chị Thanh chỉ có tình yêu thương, mà tình yêu thương này đuối xụi so với tiếng khóc chói tai và sự lỳ lợm của thằng bé ma mãnh.

Hai mẹ con nhà chị Thanh nổi tiếng khu chung cư vì một tuần ít nhất vài bận thằng bé la lối, khóc lóc, nài nỉ, ăn vạ inh ỏi.

Ai nấy đều thấy phiền bởi thằng bé khóc rất to và rất dai. Nó trở thành nỗi ám ảnh của hàng xóm, mỗi lần mẹ con nhà đó "gây nhau" là hàng xóm đóng kín của cho âm thanh khó chịu đừng lọt vào nhà mình.

Cuoc chien khong can suc voi dua con gioi an va
Tiếng khóc của thằng nhóc là nỗi ám ảnh của hàng xóm. Hình minh họa.

Bé Hải đã gần 3 tuổi, nhưng chị Thanh vẫn giữ bé ở nhà, không cho đi nhà trẻ, vì chị thương con. Trước khi sinh con, chị là nhân viên một công ty ở quận 1, TP.HCM. Từ khi mang bầu sinh con, chị nghỉ việc ở nhà, làm người mẹ toàn thời gian.

Ba bé Hải phục vụ trong quân đội, khoảng hai tháng mới về thăm nhà một lần vào cuối tuần, nên chị Thanh thấy mình phải có trách nhiệm yêu chiều con nhiều hơn. 

Cũng vì cách nghĩ ấy nên chị không có khái niệm dạy con, không có phương pháp dạy con gì. Thật ra chị cũng đọc về nhiều phương pháp dạy con, nhưng chị chọn dạy con kiểu nghe theo con tim, tình thương và cảm tính. Điều đó có thể không sai, nhưng nó làm cho cuộc sống, sinh hoạt của hai mẹ con trở nên khó khăn và phiền hà đến người khác.

Cuoc chien khong can suc voi dua con gioi an va
Yêu chiều con thái quá dễ khiến cho trẻ hư

Thằng bé cứ đòi thứ gì là chị lập tức đáp ứng. Có những đòi hỏi quá đáng, mẹ nói không được, thì thằng bé gào khóc, xót con quá, chị lại xuôi theo.

Có hôm bé Hải đòi món đồ chơi tàu lửa y hệt của cậu bé hàng xóm. Chị mượn về cho con chơi thì nó vẫn không chịu, đòi mẹ ngay lập tức mua chiếc giống vậy cho con làm của riêng. 

Sau gần hai giờ đồng hồ chịu đựng thằng nhóc gào khóc, giãy đành đạch, chị đành vội vàng mặc áo khoác chạy ra tiệm tìm mua đồ chơi theo ý con, để con nín khóc.

Ở nhà chỉ có hai mẹ hủ hỉ với nhau, thỉnh thoảng thằng bé bi bô hát: "Mẹ ơi! Có biết con yêu mẹ nhiều", chị cảm thấy lâng lâng hạnh phúc. Thế nhưng mỗi lần cần phải ra ngoài một mình, chị phải đưa thằng bé xuống lầu 4 gởi nhà ông bà thì y như rằng bi kịch diễn ra.

Mẹ vừa bước ra khỏi cửa là con chạy theo khóc, ôm cứng chân mẹ, ông bà thì ra sức dỗ dành, mẹ thì ra sức gỡ tay con, còn con thì nhắm mắt, hả họng gào khóc đỏ mặt tía tay. Giằng co cỡ 20 phút, chị Thanh xót con quá: "Thôi thì đi với mẹ!". Thằng nhóc dừng khóc ngay, chạy vô mang dép, đội nón, le te theo mẹ.

Có hôm chị Thanh bực con nhưng không biết làm gì, chỉ biết ngồi than thở. Chị hay tâm sự buồn rầu vì có thằng con tính chướng khí dữ quá, chị ao ước làm sao con mình lành tính, dễ dạy như con hàng xóm.

Cuoc chien khong can suc voi dua con gioi an va
Nhiều phụ huynh phiền lòng vì con "chướng"

Có vài người khuyên chị nên kiên quyết và kiên nhẫn trong cách dạy con, nhưng chị vẫn giữ suy nghĩ, con mình cứng đầu thôi, chứ trẻ con mới bây lớn, biết gì mà rèn giũa.

Chị không biết rằng, chính chị khiến thằng bé trở nên "lờn mặt" vì nó biết cứ khóc la, ăn vạ là kiểu gì cũng đạt mục đích. Chị không kiên quyết, không giữ vững mệnh lệnh, mẹ lại hay xót con, sợ khóc nhiều sẽ ói, sẽ rát họng, sẽ mệt, sẽ bệnh. Và thế là, chính chị đã tạo cho con mình cái tính ngang ngạnh, vô lối và ích kỷ.

Không để trẻ "bắt thóp"

-Trẻ thông minh thường "bắt thóp", nhận ra điểm yếu của cha mẹ và "đánh" vào đó để cha mẹ nhanh chóng đầu hàng. Vì vậy bạn đừng để lộ điểm yếu mềm của mình. Hãy cho con biết bạn yêu thương chúng, nhưng nếu con bạn hành xử không đúng, con sẽ bị phạt, phải chịu trách nhiệm về hậu quả.

- Nếu con làm điều tốt thì sẽ được khen thưởng, bạn đừng sợ khen thì con bạn sẽ tự mãn. Đối với trẻ con lời khen có ý nghĩa khích lệ chúng làm điều tốt. 

- Không phạt con bằng đòn roi, lúc giận dữ vì như vậy con sẽ sợ bạn chứ không quy  phục.  Có thể phạt bằng cách "đánh" vào điểm yếu của con, con mê gì thì bạn hãy ra hình phạt cấm vận cái đó.

- Hãy kiên nhẫn giải thích lý do hành xử của mình và kiên định, không thay đổi theo ý của trẻ, dù trẻ có khóc lóc, mè nheo cỡ nào.

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI