Con sẽ lại về

13/02/2019 - 06:00

PNO - Tiết xuân vẫn đang thì nhưng với nhiều gia đình, tết chẳng còn bởi những đứa con của họ giờ đây đang tất tả trên những chuyến xe hoặc đã yên vị nơi thành phố xa hoa, bắt đầu cuộc mưu sinh mới.

Mờ sáng, khi hơi lạnh còn phảng phất, má đã cặm cụi dưới bếp kho vài con cá với cải chua, ninh nồi măng hầm thịt cho nhừ để kịp đầu giờ chiều chị mang theo vào Sài Gòn. Má gói ghém thêm vài thức quà quê mà cả nhà đã ăn chán chê 3 ngày tết vào hộp nhựa, túi nhựa trong lúc chị càm ràm: “Má làm chi cực, vào Sài Gòn cũng có ăn nữa đâu”. Má tặc lưỡi: “Không ăn thì để dành chứ mới vào có khi lại lười không nấu, không có gì để ăn”.   

Ba cứ đi ra đi vào quét sân rồi quẩn quanh vài điều đã nhắc chị lúc tối hôm trước. Ba dặn đừng quên đồ đạc gì, ba má đi gửi lại xa, tốn kém. Ba không nói, má cũng không nhưng tôi biết ba má buồn nhiều. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp, ba má lại đếm từng ngày một, ngóng chị về nhà ăn tết. Ngày chị về là ngày vui nhất dù năm đó cái tết đủ đầy hay thiếu miếng thịt, thèm vài ba con cá cũng thấy mâm cơm ngon làm sao. Vậy mà không được vài hôm, chị lại vào Sài Gòn làm việc và nếu không có việc gì cần về quê thì phải đến một năm sau, nhà tôi mới có được không khí đầm ấm như thế.

Con se lai ve
Cha mẹ làm việc quanh năm chỉ mong được cái tết no ấm, đủ đầy. Ảnh minh hoạ.

Tại cái làng chài ven biển miền Trung này, nhà nào có con cái học hành hay làm việc tại Sài Gòn cũng đều đón cái tết ngắn ngủi. Buồn đó nhưng nhìn cách họ trân quý đứa con xa nhà mới thấy được, rồi mai đây, làng quê nghèo này sẽ khác. Con chú Tư đầu làng vừa cưới chồng ở tận Yên Bái, tết nay không về thăm nhà. Con gái ông Vinh may mắn hơn vì lấy được chồng gốc Sài Gòn, 2 cái tết gần đây đều về thăm quê để chồng trải nghiệm tết quê nghèo.

Những sự “du nhập” văn hoá vô cái làng nhỏ bé cứ nhiều lên từng ngày khi con cái đi xa rồi trở về. Có trường hợp làm rạng danh quê nhà, có người quay về hỗ trợ được bà con xóm giềng nhưng cũng chỉ về quê được vài ngày rồi lại đi. Chị tôi nói ở quê mười ngày nửa tháng là chán chê rồi, ở thêm sẽ buồn vì nhịp sống tẻ nhạt không được đông đúc, nhộn nhịp như phố thị. Cộng thêm về quê tìm việc lại khó nên dù muốn sống gần gia đình, chị cũng lực bất tòng tâm vì không muốn ba mẹ lo chạy vạy nhờ vả. Chị nói rồi sẽ về nhưng không phải bây giờ.

Con se lai ve
Những chuyến xe từ quê về lại thành phố lớn đầy ắp quà quê

Có lẽ đến khi con người đã rệu rã với những xô bồ chốn phồn hoa, nếm đủ cay đắng cuộc đời mới chịu về lại cái làng nhỏ ven biển nơi mình sinh ra. Hoặc không, khi bố mẹ đã già thêm thì lúc đó, quyết định về hay ở mới được đặt nặng hơn, buộc phải chọn lựa. Còn bây giờ, ba mẹ còn khoẻ, còn lao động được thì ngày về hãy vẫn còn xa xôi.

Chiều ba chở chị vô bến xe, về nhà mặt buồn thiu. Ba nói, cho con cái đi học để không phải làm ruộng như đời ba má nhưng rồi cứ đứa nào học Sài Gòn cũng ở lại làm thì ba má mất con. “Sài Gòn chị con ở trọ nhưng thật ra nhà này mới là nơi ở tạm. Tết về được vài hôm rồi đi, có đứa nào thèm về”, ba rít hơi thuốc rồi nhìn xa xăm.

Con se lai ve
Những chuyến xe về lại thành phố cứ nối đuôi nhau chở đứa con xa quê. Ảnh minh hoạ.

Những chuyến xe đò từ miền Trung vào Sài Gòn cứ nối đuôi nhau lao vun vút trong đêm mang theo nhiều tâm sự của người đi kẻ ở. Mỗi lần về thấy tóc ba bạc hơn, da má nhiều đồi mồi hơn lòng cứ buồn buồn nhưng chẳng biết làm sao cho đặng. Ráng nấn ná thêm vài hôm, đi làm muộn hơn vài hôm chỉ để kéo dài cái tết của ba má nhưng bao nhiêu đó cũng không thấm tháp gì với trọn một năm vắng con cái bên cạnh.

Liệu rồi còn bao nhiêu cái tết nhà mình được đông đủ người thân khi ba má cũng không tránh được vòng tròn sinh – lão – bệnh – tử? Con chẳng dám nghĩ nhiều.

Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI