Còn có bao ngày…

23/01/2019 - 18:32

PNO - Phải rồi, mẹ hãy đi chơi và làm những điều mẹ thích. Mẹ đã lo cho chồng con gần hết đời, còn có bao ngày nữa đâu…

Dì Tư hàng xóm là bạn thân của mẹ. Hai người bằng tuổi, về làm dâu xứ này trong cùng một năm, cùng trải qua những ngày tháng khó khăn vất vả. Hoàn cảnh giống nhau nên cả hai tình thân như ruột thịt.

Tuần trước, dì Tư phát bệnh đột ngột, con cái đi làm không ai ở nhà nên mẹ gọi xe đưa đến bệnh viện. Nằm viện chưa đầy một tuần, dì đã ra đi.

Sự ra đi đột ngột của người phụ nữ khỏe mạnh mới ngoài năm mươi khiến cả xóm xôn xao. Mọi người vẫn hay đùa rằng không ai khỏe như dì và mẹ. Những lúc trái gió trở trời, già trẻ lớn bé cả xóm thi nhau bệnh, riêng mẹ và dì chẳng hề hấn gì. Vừa chớp mắt, người mẹ đồng thời là cha trong căn nhà ba thế hệ ấy đã xuôi tay.

Ba đứa con lập gia đình đều sống cùng dì Tư. Một mình dì gánh gồng mọi thứ cho mười hai người trong nhà. Con đi làm, dì ở nhà lo cơm nước, chăm sóc nhà cửa và lo cho sáu đứa trẻ quậy như giặc. Dì nằm xuống, cuộc sống của họ đảo lộn. Không ai được chuẩn bị kỹ năng gia đình dù đã là cha mẹ. Trông cảnh nhà họ cuống cuồng rối tung mỗi buổi sáng mới biết sự hy sinh của dì lớn đến thế nào.

Con co bao ngay…

Mấy ngày tang lễ, mẹ túc trực suốt ở bếp, lo nấu nướng cho khách viếng từ xa đến. Thỉnh thoảng, mẹ lại khóc nên mắt sưng vù. Sau đám tang, mẹ thẫn thờ rồi sốt nặng, nằm vùi.

Các con hoảng hốt chở mẹ đi khám. Bác sĩ nói mẹ lao lực, lao tâm lâu ngày, nay thức đêm liên tục nên bị suy nhược, cần tẩm bổ nghỉ ngơi. Dừng một chút, bà bác sĩ già ngập ngừng: “Trông các bạn cũng khá giả, anh em đông như vậy mà sao để mẹ tiều tụy quá, ngay cả bộ đồ tươm tất cũng không có”.

Mấy anh em cúi mặt xấu hổ. Chợt nhận ra gia đình mình cũng không khác nhà dì Tư. Mẹ lặng lẽ làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Con cái đi làm kiếm tiền rồi mặc nhiên coi việc nhà là của riêng mẹ, không đứa nào biết ngó ngàng giúp đỡ, còn bày ra thêm. Con trai thì quần áo, giày vớ dơ quăng tứ tung. Con gái thỉnh thoảng bày tiệc cùng bạn bè nhưng toàn để mẹ nấu. Sau bữa cơm, không đứa nào lau chùi dọn rửa, không cầm chổi quét nhà quét sân, không biết sử dụng máy hút bụi…

Hàng xóm nói mẹ gầy ốm, con cái vô tư bảo tạng của mẹ như thế, mẹ vẫn ăn nhiều nhưng không lên cân. Mẹ nghe và chỉ cười hiền. Mặc nhiên xem lời con là đúng bởi mẹ chưa bao giờ cảm thấy vất vả. Con cái vì thế càng thờ ơ. Ai cũng có đầy một tủ quần áo, giày dép hơn chục đôi. Vậy nhưng không đứa nào nghĩ tới chuyện sắm cho mẹ vài bộ đồ hay đôi dép mới.

Có bao nhiêu phụ nữ đang để cuộc sống của mình trôi qua như mẹ, đã mất cuộc sống mà chưa từng được hưởng thụ một chút như dì Tư? Lời nhận xét nhẹ nhàng của bà bác sĩ cứ ám ảnh. Mấy anh em cảm giác như đó là lời buộc tội. Tự bàn với nhau, từ nay phải biết chia việc với mẹ, con cái của ai nấy lo.

Rồi cả nhà rủ mẹ đi du lịch, mẹ không đi. Mẹ nói không thích du lịch, đi chi cho tốn tiền. Kêu về quê ngoại chơi vài tuần mẹ cũng không chịu. “Đi lâu ai lo nhà cửa cơm nước, ai tưới rau tưới cây trong vườn?”. Năn nỉ mãi, cuối cùng mẹ miễn cưỡng đồng ý. Nhưng đi chưa được một tuần, mẹ đã khăn gói trở về.

Cây kiểng vẫn xanh, vườn rau tươi tốt, nhà cửa gọn gàng. Mẹ không nói gì nhưng gương mặt vô cùng mãn nguyện. Mẹ nói nghỉ ngơi vài ngày rồi sẽ về quê nội thăm mộ cha, sẵn dịp tu bổ lại nhà thờ và ở chơi với các cô chú một thời gian. Lần này là mẹ chủ động.

Mấy anh em mừng thầm trong lòng. Phải rồi, mẹ hãy đi chơi và làm những điều mẹ thích. Mẹ đã lo cho chồng con gần hết đời, còn có bao ngày nữa đâu… 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI