Con chỉ về nhà khi vui

10/09/2017 - 10:49

PNO - Mang gánh nặng về cho mẹ làm chi! Nỗi buồn không thể mất đi mà còn làm nặng lòng đấng sinh thành.

Hôm nào đó, tôi viết lên trang facebook dòng chữ: “Khi đớn đau, con sẽ đi thật xa để một mình gặm nhấm nỗi buồn, và chỉ trở về để mẹ nhìn thấy nụ cười của con”. 9/10 người đều comment hoặc gọi điện thoại cho tôi: “Về nhà đi. Nhà là nơi bình yên nhất. Ba mẹ sẽ là chỗ dựa vững chắc nhất cho em”. Tôi chỉ lẳng lặng: “Em không chọn nhà để trở về”. 

Con chi ve nha khi vui
 

Đấng sinh thành nào cũng có tình yêu vô bờ bến dành cho con cái. Dù con có làm sai điều gì, ba mẹ vẫn mở vòng tay: “Về đi con, đớn đau ngoài kia để mình ba chịu” hay “ba mẹ sẽ luôn bảo vệ, ôm con vào lòng”. Tôi cũng vậy, giông gió ngoài xã hội có thế nào thì hãy để mình tôi gánh hết, chỉ cần con của tôi sau này được bình yên, nở nụ cười hạnh phúc. 

Mà, con thuyền cuộc đời của mỗi người là phải biết tự lèo lái. Không ai có thể phó mặc đời mình cho bất cứ người nào và cũng không ai có thể bảo vệ người khác đến khi không còn trên đời. Mẹ của tôi, bây giờ, chỉ có thể đứng ở xa, nhìn tôi làm gì, chịu trách nhiệm đời mình như thế nào. 

Ngày nhỏ, tôi luôn thấy mẹ lén khóc một mình khi đong đưa trên võng ngoài hiên. Nhưng khi trưởng thành, tôi không còn thấy mẹ khóc hoặc kiếm chỗ nào đó la thật to để nước mắt cuốn đi sự vất vả, nỗi đau buồn quá sức chịu đựng.

Thì có gì đâu, mẹ đã bước qua ba phần tư cuộc đời, ăn muối nhiều hơn ăn cơm, nước mắt cũng đã từng chảy cho hờn ghen của tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, trách móc, tủi phận của hôn nhân, cho những buồn khổ, nhục nhã của cuộc sống. Bà không bị chai sạn cảm xúc vì không còn nước mắt để khóc, mà là bây giờ, tất cả hỷ, nộ, ái, lạc đã và đang diễn ra quá quen, quá hiểu nên coi tất cả cũng chỉ là vô thường.

Con chi ve nha khi vui
 

Cái gì đến thì đón nhận và cái gì đó ra đi thì… đi thôi. Đến và đi, đến và đi, đến và đi… Có điều, không biết lúc mẹ tôi còn trẻ, ở cái tuổi 18 đôi mươi hoặc khi lạ nước, lạ cái ở cái đất Sài Gòn này, lúc về nhà chồng, mẹ  buồn quá thì có chạy về nhà ôm lấy bà ngoại mà khóc không? 

Hồi bà ngoại còn sống, ông bà ngoại ở chung nhà với cậu út, lâu lâu bà nói: “Giàu út ăn, nghèo út chịu”, không biết sao tôi nhớ mãi câu này. Rồi khi lên Sài Gòn học, lúc tôi dọn ra ngoài ở chứ không ở nhờ nhà cô ruột nữa thì cô bảo: “Khó khăn thế nào thì ráng mà chịu”. Đúng là “ráng mà chịu” thật. 

Ở nhà cô thì hàng tuần cô cho tiền đi học, mua sữa cho uống, mua quần áo đẹp để mặc cho bằng với người ta. Chớ ở một mình thì phải tự… bơi tiền đóng học, tự kiếm tiền để ăn cơm, tự biết chắt chiu, dành dụm mua quần áo và cũng tự biết mua thuốc, mua dầu gió xanh để sẵn trong nhà, lỡ bệnh lúc nửa đêm thì có cái mà dùng.

Chớ, mẹ ở đâu, cha ở đâu, cô ở đâu ra mà rên: “Con nhức đầu quá mẹ ơi” đặng có người chạy lại sờ trán rồi bảo: “Dậy uống thuốc đi con, mẹ hầm xương xúp chút hồi ăn cho toát mồ hôi là hết bệnh”.

Ráng mà chịu, ai mượn ra ngoài sống làm chi. Mà lớn rồi, phải biết tự lo, tự chịu trách nhiệm với những gì mình đang làm. Ra ngoài sống để còn biết cuộc đời dạy dỗ những gì, còn biết tự xoay xở, hết tiền thì ăn mì gói đợi, vay tiền bạn bè đỡ khi nào có lương rồi trả. 

Rồi tôi biết yêu thương người khác phái. Rồi tôi cũng đi làm cô dâu trước vài chục đứa bạn đồng trang lứa. Tôi hỉ hả trêu tụi nó: “Tao nhìn hèn hèn, bẩn bẩn, xấu xấu mà tao có chồng nè”. Rồi đến khi buồn đau, chả có lẽ kêu hết mọi người đến, mình bắt họ phải mếu máo khóc như mình?

Trong tiệc vui, tất cả quan khách có thể hồ hởi, nói chuyện vui cười thâu đêm suốt sáng. Nhưng ngược lại, ở một buổi tiệc buồn bã, quan khách không thể đau nhói, thắt nghẹn trong tim như mình và họ cũng không thể ngồi khóc hàng giờ như mình. Nên, ráng mà chịu thôi.

Thông thường, tôi thấy cứ ai buồn là đi du lịch một mình. Tôi lại không vậy. Tôi thấy đi một mình thì sẽ có thời gian trống cho bản thân, sẽ nhớ lấy nỗi buồn của mình. Với lại, nỗi cô đơn, trống rỗng lại càng tăng cao khi xung quanh có nhiều niềm vui. Mà, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nên, ráng mà chịu thôi. 

Tôi lặng lẽ sắp xếp mọi thứ và chuyên tâm hơn với công việc, đọc những quyển sách tích cực trong cuộc sống, làm những điều mà mình chợt bỏ quên vì mình bận đi chơi và… bận lười. Nhưng, về nhà với mẹ thì không.

Tôi gọi điện thoại cười nói với mẹ: “Con không sao hết. Đừng lo! Con đi chơi đây, nhiều tiền quá hổng biết làm gì, chắc đi vòng quanh thế giới quá”. Mẹ bảo: “Cho mẹ đi với” chứ không phải là những câu nói: “mày con nít quá” hay “mày làm cái gì sai hả?” “chồng mày có làm gì sai thì cũng là vợ chồng. Sống là phải biết nhường, biết nhịn…”. 

Nhưng dù con mình không nói ra, mẹ nào cũng lo lắng: “Không biết làm sao để bảo vệ con, không biết làm sao để con hạnh phúc” nên khó tránh khỏi việc hỏi han, nhờ cậy người trông chừng con. Nhắn bà bảy, bà tám, chị hai… rảnh rảnh ngó qua nhà con tui coi nó có “bị cái gì” không giùm tui nghen.

Gọi điện thoại cho nhỏ bạn thân của con mình dặn dò: “Con rảnh rảnh rủ nó đi chơi giùm bác. Nói chuyện gì với nó cho nó vui, nhìn nó im im vậy chứ nó buồn, nó khổ dữ lắm. Bác cám ơn con nhiều nghen”. 

Mang gánh nặng về cho mẹ làm chi! Nỗi buồn không thể mất đi mà còn làm nặng lòng đấng sinh thành. Mẹ sẽ khóc đến bao nhiêu lâu sau, tới khi con mình nói “Mẹ ơi, con vui trở lại rồi”. Mà, con mình vui lại thì có khi lại sợ con mình đau lần nữa. Vì thế, tôi chọn không về nhà khi trong lòng mất sự cân bằng.

Bồng Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI