Con cần năng lượng tốt từ mẹ để bớt thương đau

27/06/2018 - 18:00

PNO - Hầu hết cha mẹ thay vì khen ngợi con, tự hào về con, nói với con những điều tốt đẹp, thì lại hay trách phạt, la mắng. Mẹ sẽ cố gắng tránh điều này.

Mới tuần trước thôi, một vết bỏng đã in hằn trên cánh tay con và in hằn sâu vào tâm trí mẹ.

Con can nang luong tot tu me de bot thuong dau
Nhiều lần mẹ phải nói xin lỗi con. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Ba mẹ dắt con đi học cùng và chỉ trong tích tắc mẹ sơ suất, con đã ấn ngay vòi nước nóng ở bình nước nóng lạnh. Khi con thét lên, mẹ thật sự hoảng hốt, chỉ biết ôm con chạy ra khỏi phòng học thật nhanh.

Lúc đó, ba đã kịp chạy ra và bảo mẹ xả nước lạnh vào cánh tay của con. Mẹ run run làm theo. Mẹ biết là đau, đau lắm, vì mẹ từng bị bỏng có chút xíu thôi, đã khó chịu lắm rồi.

Thế nhưng, con chỉ khóc một chút lúc nước nóng chảy xuống tay, rồi thôi. Nhìn con vẫy cánh tay đau rồi dụi đầu vào lòng mẹ, cảm giác lúc đó, giờ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí mẹ - một cảm giác không biết phải diễn tả làm sao, vừa thương, vừa tự hào, vừa thấy tội lỗi.

Mẹ hỏi con đã học được bài học gì chưa? Nước nóng lắm, nếu con chạm vào, sẽ làm con bỏng và đau như lúc này. Lần sau con phải cẩn thận. 

Ba chở hai mẹ con về, lâu lâu lại động viên con cố lên. Rồi sực nhớ đến bốn câu thần chú chữa lành, mẹ liền ôm chặt con hơn và nói với tất cả tình yêu thương: "Mẹ yêu con. Mẹ xin lỗi con, vì đã sơ suất làm con bị bỏng. Hãy tha thứ cho mẹ. Mẹ cảm ơn con".

Mẹ cứ lặp đi lặp lại bốn câu ấy và tưởng tượng mình đang truyền năng lượng chữa lành sang cho con. Mẹ hình dung vết bỏng của con từ từ dịu lại và lành hẳn. Lúc này, con đã thiu thiu ngủ, thi thoảng lại dụi đầu vào ngực mẹ tìm ti. Mẹ lại rùng mình khi nhớ lại tiếng thét của con. Rồi mẹ “giá như…”.

Nhưng ngay lúc đó, mẹ nhận thức được đó là cảm giác không tích cực. Mẹ đang làm nhiệm vụ quan trọng hơn, truyền năng lượng tích cực để chữa lành cho con. Con cần năng lượng tốt để làm vết thương bớt đau. Mẹ cũng muốn con nhận lãnh trách nhiệm về những hành động của mình, dù con chỉ mới mười một tháng tuổi. 

Đó cũng là lý do vì sao mẹ không đỡ con dậy mỗi lần con vấp té hay không may cụng đầu vào cái gì đó. Những lúc như vậy, con thường khóc và nhìn mẹ với ánh mắt cầu cứu. Nhưng mẹ lại vô cùng bình thản. Mẹ bảo con tự đứng dậy và hỏi con đã học được bài học gì chưa. Ba con không nói gì, nhưng cô, chú của con đã lên tiếng.

Cô bảo con còn nhỏ có biết gì đâu mà học với hành, con đau vậy còn không lại dỗ con. Cô bảo: “Tao chả biết tụi bây nuôi con kiểu gì, không thấy xót hay sao”. Mẹ chỉ mỉm cười mà không giải thích. 

Việc ăn uống của con cũng khiến các cô, dì ngao ngán. Ai cũng bảo cho con ăn vậy làm sao đủ chất, “mày phải đút cho nó chứ nó nhỏ làm sao tự ăn”, “tụi mày nuôi con cứ như người trên trời ấy”...

Mẹ cũng lại mỉm cười. Mẹ nghĩ con không nhất thiết phải ăn bột và cháo. Con cần ăn thức ăn thô để học cách nhai và phát triển cơ hàm. Con cũng cần ăn thô để học các cách cầm nắm, bốc… Bảy tháng, con đã ăn cơm với ba mẹ, không có chế độ riêng gì cả. 

Mẹ có đủ kiến thức để tự tin nuôi con theo cách của mình. Ai cũng bảo mẹ sao không cho con uống thêm sữa bột cho đủ chất, sữa mẹ sau sáu tháng như nước lã, có gì nữa đâu. Mẹ lại mỉm cười. Con chỉ cần sữa mẹ thôi, là đủ. Nên đi đâu mẹ cũng mang con theo mà không thấy trở ngại gì, chỉ ôm con đi thôi, không cần phải lỉnh kỉnh nào bình sữa, nào cháo. 

Ai cũng bảo mẹ sao nuôi con mọn mà nhàn thế. Ừ, thì mẹ thấy nhàn thật mà. Vì mẹ xem đó là niềm vui, hạnh phúc chứ không phải là trách nhiệm. Mẹ sẽ giao tiếp với con theo cách riêng của mẹ.

Con can nang luong tot tu me de bot thuong dau
 

Mẹ nuôi con rất nhàn, theo cách của mẹ. ( Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Mỗi lần đi ngủ, mẹ vẫn luôn gieo vào vô thức của con rằng, con là cậu bé mạnh khỏe, ngoan ngoãn, thông minh và tài năng xuất chúng. Con sinh ra để làm người vĩ đại và sống một cuộc sống phi thường.

Mẹ muốn nó được cài đặt vào trong vô thức của con, để con sẽ trở thành người như vậy. Hầu hết cha mẹ thay vì khen ngợi con, tự hào về con, nói với con những điều tốt đẹp, thì lại hay trách phạt, la mắng, phán xét con mà không hề biết chính họ đang khiến con trở thành những điều mà mình đã gán cho con. 

Liên tục trong năm ngày, mẹ luôn nói với con bốn câu chữa lành, luôn động viên, khen ngợi con. Mẹ cũng đề nghị với ba cùng làm điều đó. Ba mẹ cùng truyền năng lượng tích cực cho con, để chữa lành vết bỏng nhanh nhất.

Như một phép màu, vết thương của con lành rất nhanh. Ban ngày, con chơi ngoan và vẫn hiếu động, ban đêm con ngủ ngon mà không quấy khóc. Đến ngày thứ năm thì vết thương gần như lành hẳn. Mẹ không băng bó, chỉ rửa nước muối sinh lý và dùng nước nghệ tươi bôi vào vết thương mỗi ngày. 

Khi mẹ ngồi gõ những dòng này, vết bỏng của con đã khỏi hẳn, tuy có để lại sẹo mờ. Nó sẽ tạo nên một dấu ấn, mà sau này có thể con sẽ nhớ hoặc quên, nhưng mẹ tin nó đã giúp con có được một bài học nào đó, giúp con mạnh mẽ hơn. Với mẹ, đó cũng là một bài học, để sau này nhìn lại, mẹ sẽ tự hào vì con đã mạnh mẽ và kiên cường biết bao. 

Ngô Thúy Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI