Chị chồng tinh vi như thế này thì quá... kinh!

29/07/2017 - 14:30

PNO - Chị nguýt dài em dâu, rằng thứ đàn bà không biết chăm sóc mẹ chồng. Chắc việc gì cũng đợi đến tay mẹ nên mới ra nông nỗi này.

1. Nhà chỉ có hai chị em. Chị kết hôn sớm, chồng chị ở rể. Con chị sinh ra đã có mẹ trông, cơm canh có mẹ nấu, vợ chồng chị làm công việc may vá ngay tại nhà của mẹ. Chỉ thừa trên sản phẩm gia công có mẹ còng lưng cắt giùm, khỏi phải thuê thợ phụ. 

Hơn mười năm ròng, ba đứa con chị dần khôn lớn. Gom đủ tiền ra riêng, vợ chồng chị dọn đi, đến cái giẻ lau bếp chị cũng xin để đỡ phải sắm. Ngày chuyển nhà, chị khóc với mẹ: "Mai này em trai cưới vợ, chúng nó phụng dưỡng bố mẹ, chứ con gái là con người ta, thiệt thòi lắm, nào đâu có được ở với bố mẹ hoài…".

Chi chong tinh vi nhu the nay thi qua... kinh!
Sống khôn thành ra ích kỷ. Ảnh minh họa

2. Em trai cưới vợ. Mẹ chưa kịp ẵm cháu, chị đã gàn: “Mẹ phải giữ sức, làm cho cố rồi bệnh không có ai lo đâu”. Miệng chị linh quá, mẹ sau này cứ hết đau lưng mỏi cột sống lại ho hen, quanh năm phải truyền đạm, vô nước.

Chị nguýt dài em dâu, rằng thứ đàn bà không biết chăm sóc mẹ chồng. Chắc việc gì cũng đợi đến tay mẹ nên mới ra nông nỗi này. Suy ra, tiền thang thuốc lo cho mẹ, em trai em dâu phải bỏ ra là đúng rồi, đừng có vô duyên mà kêu tới chị nhé.  

3. Mẹ mất. Bố ở với vợ chồng em trai em dâu. Chị lâu lâu qua thăm bố, thấy trong tủ lạnh nhà em có nhiều thứ chưa dùng đến. Chị lẩm bẩm: “Mua gì lắm vậy, xài không kịp nó hư hết thì sao. Miệng nói, tay chị thoăn thoắt bốc ít quả ớt, lượm vài trái chanh bỏ vào bịch, xách theo”. Có hôm em dâu dặn bà giúp việc ở nhà nhớ luộc bắp cho lũ trẻ đi học về ăn. Chiều tối em về mới biết, chị đến nhà chơi, vui miệng gặm vài bắp, còn lại bao nhiêu mang về hết rồi.

4. Bố đã ngoài tám mươi, lẫn nặng, không chịu mặc quần áo, ăn uống tiêu tiểu đều cần người phụ. Em trai em dâu phải thuê giúp việc, cắn răng trả lương rất cao nhưng người ta cứ lần lượt đến rồi đi. Những lúc xấc bấc xang bang vì Ôsin nghỉ, tìm người mới chưa ra, em dâu mở lời với chồng nhờ chị trông bố đỡ ít ngày. Chị không đi làm, con cái đều lớn cả rồi. Chồng im lặng ngó ra đường, buông thõng một câu: “Đằng nào cũng phải tốn tiền, thôi thì cứ thuê người ngoài cho khỏi nặng đầu. Tưởng nhờ không chị mà được sao!”.

5. Chị mang qua nhà em trai, em dâu một con cá chua từ ngoài quê gửi vào cho. Hồi còn khỏe, bố thích cá chua lắm. Bà giúp việc mang bỏ vào tủ lạnh để dành vì hôm ấy em dâu đã chuẩn bị thức ăn cho bố chị rồi. Chị không đồng ý, yêu cầu bà giúp việc làm ngay, phải đút cho bố ăn liền mới được. Cất vô đó, biết bố có thật sự được ăn miếng nào, hay người ngoài ăn hết, phí lắm. Làm sao chị yên tâm. Cá chua đâu phải món dễ mua dễ tìm…

6. Giỗ mẹ. Chị đặt người ta nấu tám bàn, mời bà con lối xóm, đối tác làm ăn, đủ mặt. Cả bà giúp việc nhà em trai em dâu cũng được mời. Bà giúp việc ham vui, thích đi dự lắm, nhưng rồi phải ở nhà trông bố. Bà đành tự nhủ, thế nào buổi trưa chị chẳng múc thức ăn mang sang cho bố, không lo. Chờ mãi, cuối cùng lu bu khách khứa bia bọt, chị quên. Bà giúp việc mất phần, bực dọc bảo: “Bố còn không nhớ cho ăn, người sống thì mặc kệ, vẽ vời giỗ quảy mâm to mà làm gì!”.

7. Bố chị rồi cũng ra đi. Em dâu chẳng thấy khóc lóc gì, cứ xoành xoạch ra vào, chân đi như không chạm đất. Chị thì thầm với khách ở quê vô chịu tang: “Chắc em dâu mừng lắm, khác máu tanh lòng mà. Chỉ tội bố chị, những năm cuối đời phải sống với một người vô cảm vô tâm vô trách nhiệm như vậy”, nói xong chị nghẹn lời, òa lên nức nở. Có người đàn bà nhà quê hiểu chuyện, khuyên một câu khó hiểu rằng: “Thôi chị nín đi, bớt đau lòng nào. Rồi qua đám tang đi thử vai đóng phim xem sao, có khi thành diễn viên nổi tiếng, cả họ được nhờ…”.

Hải Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI