Chạm tay vào kỉ niệm

03/12/2018 - 21:00

PNO - Người già, được chạm tay vào kỷ niệm là cả một trời thương nhớ ùa về. Mỗi kỷ vật đều có câu chuyện của nó, nhắc nhớ về tình sâu nghĩa nặng, ngọt bùi một thuở.

Tối muộn, xuống sân chung cư, tôi gặp bà cụ đang lúi húi lục các bọc rác. Thì ra đó là bà Năm, hàng xóm mới dọn đến cạnh căn hộ của tôi. Bà cụ phân trần: “Thằng con bắt đem bỏ hết những thứ này, tôi lại không nỡ cô à”. Bà đưa tôi xem mấy quyển tập đã ố vàng: “Đây là nét chữ đầu tiên lúc nó mới vào lớp Một, cong queo thấy thương lắm cô. Mấy bài thơ này là lúc trẻ, ba nó làm tặng tôi…”. 

Bà Năm mở bọc rác khác, lấy ra chiếc túi nhỏ: “Túi da này, hồi xưa ba nó đựng sợi thuốc lá. Mấy năm đói khổ, cái túi rỗng rang. Tui có tiền, mua thuốc bỏ vào, ổng mừng lắm cô”. Tay bà Năm run run khi vuốt ve từng món đồ, khiến tôi bùi ngùi theo.

Cham tay vao ki niem

Mỗi kỷ vật dường như luôn nhắc với người già về câu chuyện của nó. (Ảnh minh họa)

 

Biết bao lần, tôi tiếc nuối khi phải bỏ những thứ đã gìn giữ một thời gian dài. Đó là những bức thư và bưu thiếp chồng tặng suốt 5 năm hai đứa yêu nhau. Con gấu bông yêu thích của con. Chiếc áo sơ sinh, cái nón len đội đầu xinh xắn… Biết sao được, nhà chật, người đông. Mỗi lần bỏ đi một món đồ, tôi lại tự an ủi: kỷ niệm thôi mà, giữ trong lòng là được. Rồi một lúc nào đó, nhìn quanh, tôi giật mình khi thấy trống rỗng. Mở máy tính lên, hình con trai ôm con gấu bông, con gái bụ bẫm trong chiếc áo kiểu bác sĩ vẫn còn đó… nhưng mọi thứ đã mất đi thứ ánh sáng ấm áp từng gợi lên những cảm xúc ngọt ngào.

Tôi nhớ có lần, má tôi xới tung đống rác sau nhà để tìm những thứ chị dâu tôi đã vứt bỏ lúc má vắng nhà. Mấy món đồ đã nhầy nhụa lẫn trong đống rác bốc mùi, má đành phải bỏ, nhưng chiếc áo vét cũ của ba, má vẫn nhặt về. Chiếc áo đó là năm đám cưới chị hai tôi, má đứt ruột bán 20 bao lúa để sắm cho ba. Lối xóm ngồi sui, đều mượn áo của ba để mặc. Năm đó, má đau nặng, ba lén đem áo đi cầm. Má khỏi bệnh, ba vô ruộng cắt lúa mướn cả tháng, kiếm tiền chuộc áo về. Những ngày ba đi xa, mỗi lần nhìn chiếc áo là má chảy nước mắt.

Người già, được chạm tay vào kỷ niệm là cả một trời thương nhớ ùa về. Mỗi kỷ vật đều có câu chuyện của nó, nhắc nhớ về tình sâu nghĩa nặng, ngọt bùi một thuở. Tôi còn trẻ, đã ngậm ngùi khi buộc phải bỏ một món đồ, thì những người già, suốt năm quanh quẩn trong căn nhà hẹp, gia tài còn lại chỉ là những kỷ vật. Thế nên, dù nhà có chật, hãy dành cho mẹ cha góc riêng để lưu giữ những thứ thấm đẫm yêu thương một thời. 

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI