Gậy ông đập lưng ông - Bài 3: “Đo ván” vì đạo văn

28/03/2013 - 15:40

PNO - PN - Một người là Bộ trưởng Giáo dục Đức (ảnh trái). Một người là Tổng thống Hungary (ảnh phải). Cả hai đều buộc phải từ chức sau khi bị phát hiện là đã “đạo văn” của người khác khi làm luận văn tiến sĩ.

Xã hội Đức coi học vị tiến sĩ là đỉnh cao tri thức và trân trọng học vị này một cách khác thường so với những nước có trình độ khoa học phát triển như Mỹ và Anh. Vì lẽ đó, trường hợp nữ tiến sĩ Annette Schavan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và nghiên cứu Đức bị tố cáo đạo văn đã trở thành một scandal làm công luận bàng hoàng.

Gay ong dap lung ong - Bai 3: “Do van” vi dao van

Bà Annette Schavan (ảnh: internet)

Không thể chấp nhận

Chuyện bắt đầu từ mùa xuân năm 2012. Một người lấy bút danh là Robert Schmidt, thành viên của trang web VroniPlag Wiki chuyên tố giác tình trạng “đạo văn” các luận án cao học và tiến sĩ ở Đức, tuyên bố luận án tiến sĩ của bà Schavan có nhiều đoạn chép của người khác.

Kế đó, một website có tên SchavanPlag Wiki liệt kê chi tiết 56 đoạn “cắt dán” nguyên xi từ tài liệu của người khác nhưng “quên” dẫn nguồn. Người tạo lập trang web này là Martin Heidingsfelder, một người Đức nổi tiếng trong lĩnh vực phát hiện những gian dối về bằng cấp sau đại học (ĐH). Bà Schavan là đối tượng mới nhất của tay “thợ săn đạo văn” chuyên nghiệp này.

Luận văn tiến sĩ về thần học, triết học và sư phạm của bà Schavan được Trường đại học Heinrich Heine ở Dusseldorf (HHD) công nhận vào năm 1980. Điều trớ trêu là luận văn dày 350 trang này luận về quá trình hình thành lương tâm. Bà Schavan cho biết, bà viết bài luận này năm 1979 với “ý tốt”. Nhiều bạn bè của bà cũng xác nhận rằng trong thời gian làm nghiên cứu sinh, bà Schavan học hành và làm việc rất nghiêm túc.

Trong 30 năm qua, không ai chú ý đến luận văn nói trên, một phần vì thời đó internet chưa phát triển vũ bão như bây giờ để ai cũng có thể làm “người thổi còi”. Trong khoảng thời gian này, sự nghiệp chính trị bà Schavan (một phụ nữ không màng đến chuyện lập gia đình) đã thăng tiến đầy… lận đận.

Đơn cử năm 2004, đang làm Bộ trưởng Văn hóa, thanh niên và thể thao bang Baden - Wurttemberg, bà vận động đảng CDU (Liên hiệp Công giáo Dân chủ) đề cử mình làm ứng viên tổng thống nhưng thất bại dưới tay Horst Kohler. Năm sau, bà tiếp tục ứng cử chức thủ hiến bang nhưng cũng thất bại. Nhờ bạn thân là Thủ tướng Angela Merkel cất nhắc, năm 2009 bà Schavan mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục và nghiên cứu Liên bang Đức. Một trong những nhiệm vụ chính của bà là giám sát chất lượng các trường ĐH. Thật không ngờ, chính bà lại bị “gậy ông đập lưng ông”.

Gay ong dap lung ong - Bai 3: “Do van” vi dao van

Bộ trưởng Annette Schavan khi còn đương chức (ảnh: internet)

Sau khi các trang web SchavanPlag và VroniPlag tiết lộ những đoạn văn bà Schavan “ăn cắp” của người khác, bà đã không nhận tội “đạo văn” và yêu cầu trường HHD điều tra vụ việc để “trả lại công bằng và danh dự” cho mình.

Mùa thu 2012, scandal đang ở đỉnh điểm căng thẳng thì bất ngờ bà bộ trưởng thú nhận trong quá trình viết luận án có “vài chỗ quên ghi tên tác giả tài liệu tham khảo”, nhưng bà vẫn khẳng định là mình không cố ý đạo văn. Tuy nhiên, sự thú nhận nửa vời và quá muộn màng đó đã không được ủy ban điều tra của nhà trường chấp nhận. Ngày 5/2/2013, ban lãnh đạo HHD tuyên bố rút bằng tiến sĩ của bà bộ trưởng vì “cố tình đạo văn có hệ thống hơn 60 lần”.

Nhận được “tin sét đánh” nói trên lúc đang công cán ở Nam Phi, bà Schavan phản ứng mạnh: “Đó là điều không thể chấp nhận đối với tôi. Các nhà điều tra đã phạm sai lầm. Tôi sẽ đưa vấn đề này ra ánh sáng công lý không phải vì học vị mà vì phẩm giá của tôi”.

Thế nhưng, ngày 9/2/2013, trước sức ép của các đảng đối lập và không muốn làm chính phủ bà Merkel bối rối, bà Schavan tuyên bố từ nhiệm.

Đâu rồi tinh thần thượng võ?

“Đạo văn” là con dao hai lưỡi đối với các chính khách, càng làm lớn càng té đau. Trường hợp của cựu Tổng thống Hungary Pal Schmitt (2010-2012) hình như chưa có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Ngày 2/4/2012, ông Schmitt đã buộc phải tuyên bố từ chức tổng thống, sau khi bị tước học vị tiến sĩ với lý do “đạo văn”.

Cũng giống như trường hợp bà Annette Schavan ở Đức, scandal “đạo văn” của ông Pal Schmitt bùng phát từ mạng internet. Ngày 11/1/2012, trang tin hvg.hu đăng một bài báo cho rằng, trong số 215 trang luận văn tiến sĩ của ông Schmitt năm 1992 có tựa đề Az újkori olimpiai játékok programjának elemzése (Phân tích chương trình Olympic hiện đại) có đến 180 trang “dịch thô” bản thảo năm 1987 viết bằng tiếng Pháp của nhà nghiên cứu thể thao Bungaria Nikolay Georgiev.

Gay ong dap lung ong - Bai 3: “Do van” vi dao van

Ông Pal Schmitt (ảnh: internet)

Một tuần sau, trang tin Index.hu còn phát hiện thêm 35 trang của luận văn này đã dịch và sao chép tài liệu viết bằng tiếng Anh công bố năm 1991 của nhà nghiên cứu xã hội thể thao Đức Klaus Heinemann. Con gái của ông Georgiev khẳng định rằng, Tổng thống Pal Schmitt chưa bao giờ hợp tác với cha cô để viết luận văn nào cả. Bản thân ông Heinemann cũng nói không hề biết chuyện vị Tổng thống Hungary này sử dụng tài liệu của mình để viết luận văn tiến sĩ.

Thế mà bản luận văn tiến sĩ đầy rẫy dối gian của ông Schmitt vẫn được hội đồng đánh giá luận án Khoa Thể dục thể thao Trường ĐH Semmelweis xếp hạng xuất sắc, giúp tổng thống đạt kết quả thủ khoa. Do vậy, bối cảnh phía sau luận án đó đã bị dư luận soi rất kỹ.

Sự thật phơi bày. Hầu hết ủy viên hội đồng là thành viên của Viện hàn lâm Olympic Hungary và Ủy ban Olympic Hungary. Lúc xét duyệt luận văn, cả hai tổ chức này đều do ông Schmitt lãnh đạo. Trong quá khứ, ông Schmitt vốn là vận động viên đấu kiếm, từng đoạt hai huy chương vàng Olympic 1968 tại Mexico City và 1972 tại Munich (Đức). Ông cũng từng làm Vụ trưởng Vụ Lễ tân của Ủy ban Olympic Quốc tế.

Dĩ nhiên, ông Schmitt bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc đạo văn. Ông còn tuyên bố “cứng cựa” là sẽ không từ chức vì ngoài học vị tiến sĩ, ông còn có nhiều phẩm chất khác. Nhưng, sự hùng hổ của ông Schmitt không thể ngăn cản bảy học giả, hầu hết là sử gia, viết đơn thỉnh nguyện Trường ĐH Semmelweis, Bộ Tài nguyên quốc gia và Viện hàn lâm Khoa học Hungary mở cuộc điều tra minh bạch những lời cáo buộc tổng thống đạo văn.

Gay ong dap lung ong - Bai 3: “Do van” vi dao van

Tổng thống Pal Schmitt tuyên bố từ chức (ảnh: internet)

Ngày 27/3/2012, ủy ban điều tra năm người của ĐH Semmelweis chính thức khuyến nghị ban lãnh đạo ĐH rút lại bằng tiến sĩ của ông Schmitt. Điều này đã được thực hiện hai ngày sau. Tuy nhiên, sau đó ủy ban chỉ công bố ba trang tóm tắt từ 1.100 trang biên bản điều tra. Tài liệu này xác nhận 197 trang luận án tiến sĩ của ông Schmitt “sao chép nguyên bản” công trình nghiên cứu của hai tác giả Georgiev và Heinemann. Bản tóm tắt cũng nêu rõ bài luận của ông Schmitt đầy lỗi sơ đẳng, như không ghi nguồn tài liệu, không có phần tham khảo…

Ngày 29/3/2012, ông Schmitt thông báo với quốc hội là ông sẽ từ chức. Ông giải thích: “Vấn đề của tôi đã làm chia rẽ thay vì đoàn kết đất nước thân yêu này. Do đó, tôi có bổn phận chấm dứt nghĩa vụ của tôi và tuyên bố từ chức tổng thống”.

Từng là tuyển thủ quốc gia, hẳn ông Schmitt biết rõ hơn ai hết “tinh thần thượng võ” là phẩm chất cao quý nhất. Ông đã phản bội lời thề này nên đã mất tất cả. Chỉ vì chút “hư danh” mà ông Schmitt đánh mất cả một sự nghiệp chính trị đáng nể (ông từng giữ nhiều chức vụ cao cấp trong và ngoài nước như Chủ tịch Hạ viện Hungary, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu trước khi được Quốc hội Hungary bầu làm tổng thống năm 2010).

VĂN ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI